Tiêm kích tàng hình J-20 của Trung Quốc: Sức mạnh thật sự của 'rồng dũng mãnh'

Động cơ và khả năng tàng hình tiếp tục là 'nút cổ chai' cản trở sự phát triển của công nghiệp hàng không quân sự Trung Quốc, cụ thể là chất lượng J-20.

Không quân Trung Quốc hồi tháng 11/2018 đã gây ấn tượng mạnh với giới chuyên gia quân sự quốc tế khi lần đầu phô diễn tiêm kích tàng hình J-20 được trang bị vũ khí trong triển lãm hàng không Chu Hải.

Hai tiêm kích J-20 bay qua đầu khán giả với cửa khoang vũ khí mở toang, cho thấy 4 tên lửa đối không tầm trung dưới bụng và hai tên lửa đối không tầm ngắn ở sườn máy bay, thể hiện uy lực tấn công của loại chiến đấu cơ hiện đại nhất trong biên chế không quân nước này.

Trung Quốc đã đưa vào hoạt động phi đội J-20 đầu tiên trong năm 2017 để đối phó với việc Mỹ triển khai tiêm kích tàng hình F-35B đến châu Á.

"J-20 là tiêm kích hạng nặng thế hệ 4 có khả năng tàng hình, còn gọi là chiến đấu cơ thế hệ 5, với nhiều tính năng vượt trội với các máy bay trước đó. Nhiệm vụ chính của J-20 là chiếm ưu thế trên không, đánh chặn tầm trung và xa, hộ tống, tiến công sâu trong lãnh thổ đối phương", Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) viết trong tài liệu quảng cáo tiêm kích tàng hình J-20 được công bố hồi tuần trước.

Trung Quốc là quốc gia thứ hai trên thế giới đưa tiêm kích tàng hình vào biên chế. J-20 được coi là mối đe dọa nghiêm trọng khi làm nhiệm vụ đánh chặn và tiến công tầm xa trên biển, nhưng điều này chưa được Bắc Kinh thể hiện trong thực tế.

Hạn chế về động cơ

J-20 của Trung Quốc. Ảnh: Getty

J-20 của Trung Quốc. Ảnh: Getty

J-20 hoạt động trong không quân Trung Quốc sử dụng động cơ AL-31F của Nga, loại động cơ được chế tạo cho tiêm kích dòng Su-27. Việc sử dụng động cơ AL-31F khiến J-20 không thể đạt hiệu suất và tiêu chuẩn của máy bay chiến đấu thế hệ 5.

Động cơ WS-15 được xem là trái tim của chương trình tiêm kích J-20, nó được ví von là “Rồng dũng mãnh” của Trung Quốc. Tuy vậy, Rồng dũng mãnh J-20 vẫn chưa thể có đủ sức mạnh của nó khi vẫn phải phụ thuộc vào động cơ nhập khẩu từ Nga.

Tham vọng sở hữu chiến đấu cơ tàng hình ngang ngửa F-22 Raptor hay F-35 Lightning II của Mỹ vẫn còn khá xa vời đối với Trung Quốc.

Hạn chế về khả năng tàng hình

Thiết kế J-20 có thể gây nhiều khó khăn cho radar đối phương trong việc phát hiện và bám bắt mục tiêu. Tuy nhiên, khả năng tàng hình của nó chỉ thực sự hiệu quả ở bán cầu trước, khi chiếc J-20 ở trạng thái đối mặt với radar gắn trên tiêm kích đối phương.

Khi không chiến, các tiêm kích không phải lúc nào cũng đối mặt với nhau, mà thường giao chiến theo kiểu truy đuổi. Khi lâm vào thế bị rượt đuổi, những phần thân phía sau kém hiệu quả tàng hình hơn sẽ đẩy J-20 vào thế bất lợi khi bị bộc lộ trước radar đối phương và dễ dàng trở thành mục tiêu bị ngắm bắn.

Tư lệnh không quân Ấn Độ Arup Shaha hồi giữa năm 2018 tiết lộ tiêm kích Su-30MKI hoạt động trên không phận nước này đã sử dụng radar gắn trên máy bay để phát hiện, theo dõi những chiếc J-20 Trung Quốc huấn luyện ở khu vực Tây Tạng mà không cần các hệ thống cảnh báo sớm cồng kềnh.

"J-20 là bước nhảy lớn của ngành hàng không Trung Quốc, đủ sức đe dọa sức mạnh quân đội Mỹ nhờ khả năng đánh chặn và tiến công tầm xa nhằm vào căn cứ chiến lược của Washington. Tuy nhiên, trong vai trò chiếm ưu thế trên không, máy bay Mỹ và đồng minh vẫn có thể dễ dàng đánh bại tiêm kích tàng hình Trung Quốc", Justin Bronk, chuyên gia tại Viện Quân sự Hoàng gia Anh kết luận.

NGUYỄN QUỲNH (T/h)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-the-gioi/tiem-kich-tang-hinh-j-20-cua-trung-quoc-suc-manh-that-su-cua-rong-dung-manh-a259348.html