Tiêm kích siêu âm Nga đánh chặn mục tiêu cao 20km

Không quân Nga vừa công bố đoạn video ghi lại hình ảnh cuộc diễn tập đánh chặn mục tiêu ở trần bay 20km của tiêm kích siêu âm MiG-31.

Theo Tvzveda, trong cuộc diễn tập một chiếc MiG-31 đóng vai máy bay địch xâm nhập không phận Nga với tốc độ cận siêu âm ở trần bay 20km. Trong khi đó một chiếc MiG-31 khác được điều lên để chặn mục tiêu thù địch.

Trong nhiệm vụ này, phi công phải tự tìm và nhận diện kẻ thù mà không cần tới hệ thống phòng không mặt đất. Sau khi phát hiện và khóa mục tiêu, phi công thực hiện thao tác mô phỏng phóng tên lửa không đối không tầm xa hạ gục mục tiêu.

Tiêm kích MiG-31 tham gia diễn tập.

Tiêm kích MiG-31 tham gia diễn tập.

Theo con số thống kê của trang Aviationist, chỉ tính từ cuối năm 2019 đến nay, lực lượng Không quân vũ trụ Nga đã cho MiG-31 thực hiện ít nhất 5 lần những chuyến bay huấn luyện ở độ cao không tưởng (20km) với chiến đấu cơ như vậy.

Mặc dù vậy, mục đích thực sự của phía Nga vẫn chưa rõ ràng bởi hầu hết các máy bay chiến đấu trên thế giới đều không thể hoạt động ở độ cao lớn như vậy để có thể xâm nhập vào không phận Nga.

MiG-31, được NATO mệnh danh là Foxhound (Chó săn Cáo), là loại máy bay chiến đấu thế hệ 4 đầu tiên của Liên Xô. Vào cuối những năm 1960, có hai lý do để Liên Xô quyết tâm chế tạo bằng được MiG-31: Đó là Mỹ đã đẩy mạnh triển khai các tên lửa hành trình chiến lược và loại máy bay ném bom FB-111 của họ vào phục vụ.

FB-111 có thể bay trên bầu trời Bắc Cực và vươn tới biên giới của Liên Bang Xô Viết (USSR) ở độ cao thấp, men theo địa hình tránh bay vào khu vực quan sát của các vệ tinh Liên Xô để tiến hành các hoạt động uy hiếp nghiêm trọng.

Lý do tiếp theo MiG-31 ra đời là tại thời điểm đó Liên Xô đang để hở một khoảng trống nghiêm trọng về radar giám sát ở biên giới phía Bắc rộng lớn. Và để bù đắp cho khoảng trống này, cũng như sẵn sàng phản ứng với bất kỳ vị khách không mời mà đến nào từ bên ngoài, Moscow đã quyết định chế tạo một loại máy bay có khả năng giám sát vùng không phận rộng và độ cao lớn.

Sự xuất hiện của MiG-31 sau đó đã khiến các máy bay do thám của Mỹ phải giảm tần xuất bay dọc theo USSR. Ngày nay, khi mà nhiệm vụ bảo vệ lợi ích của Nga ở khu vực Bắc Cực là cực kỳ quan trọng, MiG-31 với đầy kinh nghiệm có thể thực hiện những nhiệm vụ tuyệt vời để hình thành một bộ phận phía Bắc của Quân đội Nga.

MiG-31 có khả năng đánh chặn và phá hủy bất kỳ mục tiêu nào, từ tên lửa hành trình hay cả vệ tinh bằng loại vũ khí đặc biệt. Một nhóm tiêm kích đánh chặn này có thể giám sát một phần không phận rộng lớn.

Người ta còn gọi MiG-31 với cái tên "radar bay" bởi khả năng của hệ thống điện tử hàng không độc nhất của nó. Tổ hợp này cơ bản dựa trên hệ thống giám sát Barrier, được trang bị một ăng-ten mảng pha đầu tiên trên thế giới.

Ăng-ten radar mảng pha khác biệt so với các radar cổ điển ở chỗ, nó cho phép dịch chuyển chùm tia bức xạ trong khi ăng-ten được gắn cố định, cũng như tạo ra số lượng những tia bức xạ cần thiết để theo dõi đồng thời nhiều mục tiêu khác nhau.

Barrier có thể phát hiện được 24 mục tiêu ở khoảng cách xa 320km. Hệ thống máy tính trên khoang cho phép phi công có thể lựa chọn ra 4 mục tiêu nguy hiểm nhất và trực tiếp phóng tên lửa không - đối - không tầm xa để tiêu diệt.

Bốn mục tiêu khác (MiG-31 có thể tấn công tối đa 8 mục tiêu cùng lúc) sẽ bị phá hủy bằng tên lửa không - đối - không tầm trung hoặc tầm ngắn, thậm chí tọa độ của mục tiêu cũng có thể được truyền cho máy bay khác và tên lửa phòng không dưới mặt đất tham chiến.

Các chuyên gia nói rằng, trong 10 đến 15 năm nữa sẽ không có một hệ thống hàng không nào có thể bắt kịp được MiG-31. Tất cả các chiến đấu cơ hiện đại đều không có khả năng bay hoàn toàn siêu hành trình như MiG-31, bởi chúng thường bị giới hạn thời gian bay siêu hành trình trong khoảng từ 5 - 15 phút do hạn chế về thiết kế khung máy bay.

Trong khi đó, với MiG-31, thời gian bay hành trình của nó chỉ phụ thuộc vào lượng nhiên liệu mang theo. Hơn thế nữa, MiG-31 có thể vượt qua bức tường âm thanh khi bay ngang và leo cao, trong khi phần lớn các máy bay siêu âm khác thường chỉ vượt qua bức tường âm thanh ở độ cao thấp.

Màn diễn tập ở độ cao 20.000m của MiG-31

Thùy Dung

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/tiem-kich-sieu-am-nga-danh-chan-muc-tieu-cao-20km-3420306/