Tiêm kích Rafale của Ấn Độ vượt trội J-20 của Trung Quốc

Các chuyên gia quân sự nói rằng tiêm kích Rafale do Pháp chế tạo cho Ấn Độ được trang bị những công nghệ tiên tiến cho phép đối phó hiệu quả với tiêm kích J-20 của Trung Quốc.

Lô 5 chiếc tiêm kích Rafale đầu tiên do Pháp chế tạo đã được bàn giao cho Ấn Độ, India Today cho biết. Những chiếc tiêm kích Rafale này được triển khai đến căn cứ Ambala, bang Haryana, Ấn Độ, trong bối cảnh căng thẳng giữa New Delhi và Bắc Kinh đang theo lang.

Không quân Ấn Độ (IAF) cho biết các phi công, nhân viên mặt đất cũng như các tiêm kích đã sẵn sàng làm nhiệm vụ khi chúng tới Ấn Độ. Dù Rafale là tiêm kích thế hệ 4,5 và Trung Quốc tuyên bố J-20 là tiêm kích tàng hình thế hệ 5, Rafale đủ khả năng để đối phó với chiến đấu cơ hàng đầu của Trung Quốc, theo các chuyên gia.

Vượt trội hơn nhiều

“Tiêm kích Rafale vượt trội hơn nhiều so với J-20. Trung Quốc gọi nó là chiến đấu cơ thế hệ 5, nhưng có lẽ nó chỉ là máy bay thế hệ 3,5 tốt nhất. J-20 có động cơ thế hệ 3 như trong những tiêm kích Sukhoi”, Raghunath Nambiar, đại tướng Không quân Ấn Độ, người từng lái thử tiêm kích Rafale nhận xét.

J-20 được Trung Quốc tuyên bố là máy bay có khả năng tàng hình cao. Nó có thể qua mặt các hệ thống radar và rất khó bị phát hiện. Tuy nhiên, đặc tính tàng hình của J-20 đang bị nghi ngờ dựa trên một số phân tích được thực hiện bởi IAF.

J-20 (trước) sử dụng động cơ kém chất lượng hơn so với Rafale. Ảnh: Tân Hoa Xã/Asia Times.

J-20 (trước) sử dụng động cơ kém chất lượng hơn so với Rafale. Ảnh: Tân Hoa Xã/Asia Times.

Tiêm kích J-20 đang sử dụng loại động cơ phản lực tương tự Su-30MK do Nga chế tạo. Trong khi đó, Rafale được trang bị động cơ phản lực Snecma M88 vượt trội so với động cơ sử dụng trên J-20.

Trung Quốc đang nỗ lực phát triển động cơ WS-15 để trang bị cho tiêm kích thế hệ 5, nhưng quá trình phát triển vẫn gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật. Động cơ phản lực được xem là “nút cổ chai” đối với công nghiệp hàng không quân sự Trung Quốc.

Một số nhà phân tích quân sự đặt nghi vấn, nếu tiêm kích J-20 thực sự tốt như những gì Trung Quốc tuyên bố, vậy tại sao họ lại nhập khẩu thêm tiêm kích Su-35 của Nga. Có nguồn tin cho rằng Bắc Kinh nhập khẩu Su-35 để nghiên cứu công nghệ động cơ kiểm soát vector lực đẩy trên tiêm kích này.

Nguồn khác nhận định Trung Quốc nhập khẩu Su-35 để lấp đầy khoảng trống về sức mạnh trên không trong khi chờ J-20 được hoàn thiện, hoặc một phiên bản khác tiên tiến hơn.

Vũ khí mạnh mẽ

Một quan chức của IAF từng nói Rafale có thể cất cánh với tải trọng gấp 1,5 lần trọng lượng rỗng của nó. Điều đó cho phép nó mang nhiều vũ khí và nhiên liệu hơn so với J-20.

Rafale có thể mang theo 9,5 tấn vũ khí với 14 điểm treo dưới cánh. Trong khi J-20 chỉ có thể mang theo 4 tên lửa không đối không tầm xa trong khoang dưới bụng và 2 tên lửa tầm ngắn trong khoang nhỏ bên hông động cơ.

Tải trọng vũ khí của Rafale (trước) vượt trội so với J-20 cả về số lượng và khả năng đa nhiệm. Ảnh: Dassault_OnAir/Tân Hoa Xã.

Sự khác biệt lớn nhất của Rafale so với J-20 là khả năng đa nhiệm. Rafale có thể đảm nhận cùng lúc 4 nhiệm vụ trong một lần xuất kích, còn J-20 chỉ có thể đảm nhận vai trò nhất định trong một lần xuất kích.

Các loại vũ khí mà Rafale mang theo cũng vượt trội so với vũ khí trên J-20. Cụ thể, Rafale có thể lắp tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn MBDA Meteor. Đây là một trong những tên lửa không đối không tầm xa hàng đầu thế giới. Nó có hiệu suất khí động học gấp 3 lần so với các tên lửa không đối không hiện có.

Ngoài ra, Rafale còn mang theo tên lửa hành trình không đối đất Storm Shadow, tầm bắn tới 560 km, cho phép tấn công các mục tiêu mặt đất từ ngoài tầm với của các hệ thống phòng không hiện đại nhất, một tính năng mà J-20 không có được, ít nhất ở thời điểm hiện tại.

Một tính năng đặc biệt trên Rafale mà ngay cả Su-35 của Nga cũng không có, đó là hệ thống hỗ trợ phòng thủ tích hợp Spectra. Nó cho phép Rafale hoạt động trong môi trường có mối đe dọa về phòng không, mà không cần sự có mặt của tiêm kích chuyên áp chế phòng không đối phương. Đặc tính này đã được Rafale chứng minh trên chiến trường Libya.

Dù không phải là tiêm kích tàng hình thực thụ, Rafale vẫn có diện tích phản hồi radar rất nhỏ, nhờ vào việc sử dụng nhiều vật liệu tổng hợp cùng lớp sơn ngụy trang đặc biệt.

“Su-35 cũng không thể sánh được với Rafale về vũ khí và cảm biến, cũng như khả năng bay siêu thanh với 4 tên lửa. Rafale mạnh mẽ hơn nhiều so với Su-35”, đại tướng Nambiar nói.

Sự có mặt của Rafale sẽ giúp IAF nâng cao sức mạnh chiến đấu trên không. Rafale kết hợp với Su-30MKI đem lại nhiều lợi thế trên không cho Ấn Độ so với Trung Quốc.

Trung Hiếu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tiem-kich-rafale-cua-an-do-vuot-troi-j-20-cua-trung-quoc-post1112489.html