Tiêm kích Nga tung hỏa lực, chặn đứng tên lửa hành trình

Hai máy bay tiêm kích đánh chặn siêu thanh MiG-31BM của Quân khu miền Trung Nga đóng tại vùng Perm đã chặn một tên lửa hành trình giả định ở độ cao hơn 15 nghìn mét. Đó lá thông tin vừa được đưa ra trong báo cáo của Quân khu trung tâm hôm thứ Tư (12/12).

"Căn cứ tín hiệu báo động huấn luyện, phi hành đoàn của MiG-31 đã cất cánh và bay tới khu vực được chỉ định. Sau đó, các phi công đã tiến hành tìm kiếm và phá hủy mục tiêu trên không dựa trên các thông số thu được từ thiết bị phòng không. Đích giả định của phi đội MiG-31 là tên lửa có cánh, bay với tốc độ 800 km/giờ tại các tầng bình lưu thấp, khoảng cách hủy diệt là khoảng 100 km", thông cáo cho biết.

Điểm đặc biệt của những cuộc đánh chặn này là phi hành đoàn của MiG-31 phải lên tới tầng bình lưu ở độ cao 15 km và bay với tốc độ hơn 2,5 nghìn km giờ để tạo điều kiện tối ưu nhất nhằm phát hiện mục tiêu, Quân khu miền trung cho biết thêm.

MiG-31 siêu thanh là máy bay chiến đấu duy nhất trong lịch sử của không quân Liên Xô và Nga được đặt tên chính thức là tàu bay. MiG-31 được thiết kế để đánh chặn và tiêu diệt các mục tiêu, bao gồm tên lửa hành trình và đạn đạo, ở độ cao cực kỳ nhỏ, trung bình và lớn, trong điều kiện khí tượng đơn giản và phức tạp.

Mikoyan MiG-31 là loại máy bay tiêm kích đánh chặn siêu âm được phát triển cho Không lực Nga. MiG-31 được mệnh danh là huyền thoại đánh chặn của Không lực Nga.

Đây là một mẫu máy bay đánh chặn cao cấp do Phòng thiết kế Mikoyan thiết kết và chế tạo. Nó được triển khai và phát huy hiệu quả mạnh mẽ trên chiến trường của Liên Xô, trước khi Liên Xô tan rã.

Máy bay tiêm kích chiến lược MiG-31 là một hệ thống vũ khí đường không được thiết kế chuyên biệt cho các nhiệm vụ phòng thủ và tấn công chiến lược thuộc lực lượng tiêm kích phòng không Liên Xô và Nga. Nó được thiết kế và triển khai nhằm đáp trả nguy cơ bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân tầm xa từ lực lượng máy bay tấn công chiến lược, và các hệ thống vũ khí tấn công hạt nhân từ quĩ đạo thấp của Không quân Mỹ.

Loại tiêm kích này được trang bị nhiều tính năng hiện đại như hệ thống điện tử, dữ liệu kỹ thuật số, ra-đa đa năng với hệ thống kiểm soát vũ khí cực mạnh.

MiG-31 có thể tự tìm kiếm và hạ gục các mục tiêu trên không mà không cần đài chỉ huy từ mặt đất. Loại ra-đa mới cho phép nó có thể phát hiện mục tiêu máy bay chiến lược từ cách xa 500 km và 200 km đối với các máy bay tiêm kích, hay tên lửa có cánh, kể cả trong điều kiện thời tiết không thuận lợi.

MiG-31 Foxhound có 2 động cơ loại lớn, với cửa hút khí nằm ở dưới cánh, cánh được đặt trên lưng với tỷ lệ kích cỡ là 2.94, có 2 cánh đuôi thẳng đứng. Không giống MiG-25, nó có 2 chỗ ngồi, phía trước là phi công điều khiển bay, còn đằng sau là phi công vận hành hệ thống vũ khí.

MiG-31 được trang bị động cơ tuốc bin phản lực Aviadvigatel D30-F6 lực đẩy đạt 34.000 cân Anh (cũng được mô tả như "động cơ đường vòng" vì tỷ lệ đường vòng thấp) cho phép nó đạt tốc độ tối đa mach 1.23 ở độ cao thấp. Tốc độ tới hạn trên độ cao lớn đạt Mach 2,83, nếu dùng nhiên liệu phụ trội thì tốc độ của nó vượt qua Mach 3,2.

MiG-31 có tốc độ bay tối đa khoảng 3.000 km/giờ với tầm bay 3.000 km. Chiến đấu cơ 2 chỗ ngồi này được trang bị 4 tên lửa tầm xa AA-9 Amos, 2 tên lửa tầm trung AA-6 Acrid, 4 tên lửa tầm ngắn AA-8 Aphid, cùng một khẩu súng 23 mm Gatling nhiều nòng.Người ta còn gọi MiG-31 với cái tên "radar bay" bởi khả năng của hệ thống điện tử hàng không độc nhất của nó. Tổ hợp này cơ bản dựa trên hệ thống giám sát Barrier, được trang bị một ăng-ten mảng pha đầu tiên trên thế giới.

Có thể nói, bầu trời nước Nga đang được bảo vệ bởi "độc nhất" một loại máy bay, có thể đánh chặn bất kỳ mục tiêu nào, từ các tên lửa hành trình cho đến cả vệ tinh, trong mọi điều kiện thời tiết, cả ngày lẫn đêm và ở bất kỳ tốc độ nào.

Sức mạnh tuyệt đối của máy bay đánh chặn nhanh nhất thế giới MiG-31MiG-31 là thứ vũ khí quân sự có thể đánh chặn mọi mục tiêu.

Các nhà phân tích tin rằng, không có một loại máy bay chiến đấu nào khác có thể cạnh tranh được với tiêm kích MiG-31 của Nga trong thời gian 10 - 15 năm tới. MiG-31 có khả năng đánh chặn và phá hủy bất kỳ mục tiêu nào, từ tên lửa hành trình hay cả vệ tinh. Một nhóm tiêm kích đánh chặn này có thể giám sát một phần không phận rộng lớn.

MiG-31 được sản xuất từ năm 1979 đến 1992 với số lượng hơn 500 chiếc. Hiện nó vẫn là con át chủ bài của Không lực Nga.

Đan Khanh (tổng hợp)

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/quan-su/201812/tiem-kich-nga-tung-hoa-luc-chan-dung-ten-lua-hanh-trinh-621813/