Tiêm kích Nga không thể rời khỏi Kaliningrad khi NASAMS được bố trí sát biên giới?

Vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad được xem như bàn đạp để Nga tiến sang châu Âu trong trường hợp nổ ra chiến sự, bởi vậy các đối thủ tiềm tàng của họ cũng dồn tới đường biên những vũ khí tối tân nhất của mình.

 Mới đây Nga đã phải giật mình khi Quân đội Litva - một quốc gia không mấy thân thiện triển khai các hệ thống pháo tự hành PzH 2000 do Đức sản xuất tới sát biên giới tỉnh Kaliningrad.

Mới đây Nga đã phải giật mình khi Quân đội Litva - một quốc gia không mấy thân thiện triển khai các hệ thống pháo tự hành PzH 2000 do Đức sản xuất tới sát biên giới tỉnh Kaliningrad.

Nhưng có vẻ chưa dừng lại tại đây, Bộ Quốc phòng Litva vừa qua còn công bố hợp đồng trị giá 110 triệu USD để mua 2 tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung tiên tiến NASAMS.

Địa điểm bố trí NASAMS của Quân đội Litva được nhận định chắc chắn vẫn là khu vực giáp đường biên tỉnh Kaliningrad, tổ hợp vũ khí này theo nhận định đủ sức kiểm soát không phận, khiến máy bay chiến đấu Nga không thể xâm phạm.

NASAMS có nguồn gốc từ SLAMRAAM (Surface Launched AMRAAM) - hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung của Mỹ được phát triển dựa trên cơ sở tên lửa không đối không AIM-120 AMRAAM.

SLAMRAAM có rất nhiều biến thể được tích hợp vào các phương tiện mang phóng khác nhau từ cố định cho đến di động, ngoài tên lửa AIM-120 thì mới đây Mỹ còn trang bị cho tổ hợp tên lửa AIM-9X.

Khi phóng đi từ mặt đất tên lửa AIM-120 chỉ đạt tầm bắn 25 - 40 km so với 55 - 180 km khi phóng từ trên không, tầm bắn của tên lửa AIM-9X khi phóng đi từ dưới đất chưa được công bố rõ ràng.

Biến thể thường gặp nhất của SLAMRAAM là CLAWS (hay còn gọi là HUMRAAM) gồm bệ phóng mang từ 4 -5 tên lửa AIM-120 hoặc AIM-9X tích hợp trên xe thiết giáp hạng nhẹ HUMVEE.

Gần đây Mỹ đã cho ra đời biến thể ZRK SLAMRAAM với tên lửa AIM-120 lắp trên xe chiến thuật hạng trung FMTV có kết cấu bọc thép chắc chắn hơn hẳn HUMVEE.

Biến thể NASAMS do Na Uy sản xuất gồm 6 tên lửa AIM-120 chứa trong các ống phóng kín kiêm container bảo quản, bệ phóng của NASAMS có thể đặt cố định hoặc trên khung xe tải bọc thép.

Nhờ đặt trong các container kín kiêm ống bảo quản mà hệ số kỹ thuật của đạn tên lửa AIM-120 AMRAAM được đảm bảo tốt hơn so với cách bố trí "lộ thiên" của SLAMRAAM.

Tuy vậy hệ thống phòng không do Na Uy hợp tác sản xuất với Mỹ được nhận định là vẫn chưa có khả năng tích hợp tên lửa AIM-9X để đối phó với các mục tiêu bay cự ly gần có độ cơ động lớn.

Cảm biến chính của NASAMS là radar mảng pha quét điện tử AN/MPQ-64 Sentinel hoạt động trên băng tần X có khả năng bao quát 360 độ. Ăng ten có tốc độ quay 30 vòng/phút, phạm vi phát hiện mục tiêu khoảng 40 km.

Ngoài khí tài tích hợp sẵn là radar AN/MPQ-64 Sentinel thì NASAMS còn có khả năng kết nối để nhận tham số mục tiêu từ các đài radar cảnh giới và điều khiển hỏa lực của những tổ hợp khác, giúp tận dụng hết tiềm năng của tên lửa AIM-120 AMRAAM.

Nga sẽ cần có giải pháp đối phó đặc biệt khi triển khai lực lượng tại vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad bởi từ bây giờ máy bay chiến đấu của họ sẽ gặp nhiều khó khăn trong hoạt động hơn hẳn trước kia.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-tiem-kich-nga-khong-the-roi-khoi-kaliningrad-khi-nasams-duoc-bo-tri-sat-bien-gioi/795069.antd