Tiêm kích Israel sẽ phải hứng chịu đòn đánh của S-400 Nga nếu muốn phá hủy S-300 Syria?

Những tấm ảnh vệ tinh vừa được công bố cho thấy vị trí mà Quân đội Syria triển khai các tổ hợp tên lửa phòng không S-300PM chỉ cách địa điểm đóng quân của S-400 Nga có hơn 1 km.

 Hôm 24/10, Công ty ảnh vệ tinh thương mại ImageSat International (iSi) của Israel đã công bố một chùm ảnh, được cho là trận địa chiến đấu đầu tiên của hệ thống phòng không S-300PM Syria.

Hôm 24/10, Công ty ảnh vệ tinh thương mại ImageSat International (iSi) của Israel đã công bố một chùm ảnh, được cho là trận địa chiến đấu đầu tiên của hệ thống phòng không S-300PM Syria.

Cụ thể, hệ thống S-300 này được triển khai gần làng Masyaf thuộc tỉnh Hama, mặc dù có vẻ như tổ hợp S-300 chưa hoạt động nhưng 4 xe mang phóng tự hành đã vào vị trí.

Như vậy đây là lần đầu tiên xuất hiện các bức ảnh cho biết vị trí đóng quân của các tổ hợp S-300PM (đã được nâng cấp lên chuẩn S-300PM-2) của Syria sau khi Nga chuyển giao.

Mặc dù còn phải kiểm nghiệm thêm về tính xác thực nhưng đây vẫn là một thông tin rất đáng chú ý, có thể sẽ giúp ích rất nhiều cho Không quân Israel nếu họ có ý định tiến hành oanh kích trong tương lai.

Tuy nhiên những bức ảnh sau đó mới lại cho thấy một sự thật đáng sợ phía sau, đó là các tổ hợp S-300PM của Syria không đứng đơn độc mà sát nó còn có cả Pantsir-S1 lẫn S-400 của Nga.

Căn cứ vào khoảng cách trên ảnh thì địa điểm mà Syria triển khai hệ thống S-300PM-2 của mình chỉ nằm cách tổ hợp Pantsir-S1 và S-400 của Nga khoảng hơn 1 km mà thôi.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc nếu Không quân Israel muốn tấn công vào khu vực đóng quân của S-300PM Syria thì nguy cơ rất cao là họ phải đối mặt với cả S-400 của Nga.

Việc Quân đội Syria triển khai S-300 của mình sát cạnh S-400 của Nga có lẽ mong muốn nhận được sự che chở trong giai đoạn đầu, khi họ vẫn chưa thực sự làm chủ tính năng kỹ chiến thuật của khí tài.

Nếu quân đội Israel dự định tấn công vào địa điểm trên, sẽ rất khó cho họ để ngắm bắn chính xác xem đâu là S-400 của Nga và đâu là S-300PM của Syria nếu sử dụng tên lửa hành trình tầm xa.

Về phía lực lượng phòng không Nga, họ hoàn toàn có thể phóng đạn nhằm trực tiếp vào các tên lửa hoặc tốp tiêm kích của Israel với lý do cảm thấy bị nguy hiểm.

Thực tế khi nhìn thấy trên màn hình radar một cơ số đạn không đối đất của đối phương tiến sát vị trí đóng quân của mình thì sẽ chẳng có kíp trắc thủ nào yên tâm được rằng tên lửa đối phương sẽ biết phân biệt rõ mục tiêu và không bắn nhầm.

Bởi vậy nếu Không quân Israel có ý định tấn công phá hủy S-300 của Syria vào thời điểm này thì chắc chắn họ sẽ phải đối mặt luôn với S-400 mà Nga đang bố trí gần đó.

Có lẽ vì nhận thấy tình hình trên cho nên chiến đấu cơ của Không quân Israel mới chưa vội tung đòn tiêu diệt S-300 Syria "ngay từ trong trứng nước" như tuyên bố ban đầu của họ.

Thời điểm mà Israel quyết định ra tay hành động có lẽ là sau khoảng thời gian 3 tháng, khi kíp trắc thủ S-300 Syria hoàn thành chương trình huấn luyện và được triển khai tới vị trí khác nhằm bảo vệ mục tiêu trọng yếu của nước này.

Đó là diễn biến ở thì tương lai, còn hiện tại có lẽ các chiến đấu cơ Israel chẳng thể nào làm gì khác ngoài việc tiến hành những chuyến bay trinh sát nhằm thu thập tín hiệu radar của S-300 để tìm ra cách đối phó phù hợp.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-tiem-kich-israel-se-phai-hung-chiu-don-danh-cua-s400-nga-neu-muon-pha-huy-s300-syria/787676.antd