Tiêm kích Israel hết thời kỳ 'dạo chơi' khi Không quân Syria tham chiến?

Trong các vụ tấn công do máy bay chiến đấu Israel thực hiện, Không quân Syria lẽ ra phải cất cánh để phối hợp với các khẩu đội tên lửa phòng không thì họ lại chọn giải pháp 'nằm đất'.

Trong những trận oanh kích các mục tiêu trên lãnh thổ Syria, máy bay chiến đấu Israel đã dễ dàng tung hoành như chỗ không người, bất chấp các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại bố trí dày đặc quanh Damascus.

Sở di tiêm kích Israel có thể dự do hoạt động như trên là vì họ chỉ phải lo đối đầu với các hệ thống tên lửa phòng không vốn chịu nhiều hạn chế khi phải tác chiến trước máy bay đối phương.

Phụ thuộc hoàn toàn vào tên lửa phòng không thì phía Syria thực chất đã đẩy mình vào tình thế phòng ngự thụ động, cho nên việc phải hứng chịu thiệt hại như một lẽ tất nhiên.

Nếu muốn đẩy lui các đợt tấn công của Israel thì có lẽ Quân đội Syria phải xây dựng được cho mình chiến thuật phòng ngự chủ động hơn, tức là có sự phối hợp chặt chẽ giữa tên lửa phòng không và máy bay tiêm kích.

Sự góp mặt của tiêm kích quân nhà sẽ khiến cho các khẩu đội tên lửa phòng không được giảm tải đi rất nhiều, khi đối phương sẽ phải vứt bớt bom đạn để lo đối phó với tốp chiến đấu cơ đang tiếp cận đánh chặn.

Thậm chí Không quân Israel sẽ phải giảm số lượng máy bay mang tên lửa hành trình trong mỗi vụ không kích để thay vào đó là cấu hình tiêm kích đánh chặn chuyên nhiệm để bảo vệ số làm nhiệm vụ cường kích.

Việc sử dụng không quân đánh chặn kẻ địch mặc dù cũng có nguy cơ lớn là phải chịu tổn thất, nhưng ngược lại sẽ gây ra đe dọa nghiêm trọng hơn với đối phương, tăng xác suất bắn hạ mục tiêu.

Những ưu điểm của việc kết hợp giữa phòng không và không quân trong thế trận phòng thủ là rất lớn, vậy nhưng trong các trận oanh kích của máy bay chiến đấu Israel thì chiến đấu cơ Syria hoàn toàn vắng bóng.

Điều này được giải thích với lý do đầu tiên là số lượng chiến đấu cơ Syria còn lại hiện quá ít, trong đó hiện đại nhất chỉ là vài chiếc MiG-29 cùng MiG-25 thế hệ đầu, còn lại là MiG-21/23 và Su-22/24.

Đối đầu với Không quân Israel được trang bị một dàn tiêm kích F-15I Ra'am, F-16I Sufa và nhất là F-35I Adir thì rõ ràng các loại chiến đấu cơ của Syria không phải đối thủ xứng tầm.

Một lý do nữa được đưa ra đó là thời gian phản ứng của Syria quá chậm, không đủ để đưa tiêm kích lên đánh chặn khi phần lớn thời gian chiến đấu cơ Israel hoạt động là ở trên không phận Lebanon.

Còn trong trường hợp tiêm kích Israel bay sâu vào trong lãnh thổ Syria thì họ lại sử dụng F-35I Adir có khả năng tàng hình, khiến cho radar cảnh báo sớm của Syria bị "bịt mắt".

Khi không thể nhận biết được máy bay chiến đấu của đối phương đã xâm nhập lãnh thổ thì dĩ nhiên tiêm kích Syria sẽ không nhận được lệnh cất cánh để đánh chặn.

Với những lý do trên, có lẽ là quá khó để mong chờ sẽ xảy ra một trận không chiến giữa tiêm kích Israel và Syria, các cuộc đối đầu trong tương lai vẫn sẽ do tên lửa phòng không đảm nhiệm.

Mọi việc chỉ có thể thay đổi nếu Nga nối lại việc cung cấp tiêm kích hiện đại cho Syria, ví dụ như hợp đồng MiG-31E vốn đã bị đóng băng suốt thời gian qua.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-tiem-kich-israel-het-thoi-ky-dao-choi-khi-khong-quan-syria-tham-chien/794891.antd