Tiêm kích Ấn bị bắn hạ do tên lửa R-77

Không quân Ấn Độ cho biết, việc chiếc MiG-21 của lực lượng này bị Pakistan bắn hạ hồi tháng 2/2019 là do lỗi của tên lửa đối không R-77.

Thông tin này được truyền thông Nga cho biết, trong cuộc đối đầu trên không diễn ra hôm 27/2 trên bầu trời đường phân giới LoC giữa Ấn Độ và Pakistan, tiêm kích MiG-21 mang theo tên lửa đối không R-77 đã bị chiến đấu cơ JF-17 của Pakistan bắn hạ.

Theo thông tin ban đầu, cuộc không chiến diễn ra ở tầm gần nhưng MiG-21 lại lại mang theo R-77 dòng tên lửa tầm trung.

Chưa cần nói đến khả năng của chiến đấu cơ, chỉ với cách trang bị vũ khí của Không quân Ấn Độ cho thấy sự thất thế khi đối đầu với JF-17 là điều dễ nhận thấy.

Tiêm kích Su-30MKI.

Tiêm kích Su-30MKI.

Mặc dù vậy, phía Ấn Độ vẫn khẳng định, khả năng tác chiến kém hiệu quả của R-77 chính là nguyên nhân khiến MiG-21 bị bắn hạ và đây cũng chính là lý do khiến Không quân nước này đang khẩn trương lên kế hoạch thay thế R-77 bằng tên lửa I-Derby ER do Israel sản xuất.

Chương trình thay thế này sẽ được hoàn tất trước khi kết thúc năm 2021. Theo kế hoạch, tất cả số tên lửa không đối không tầm trung R-77 do Nga sản xuất sẽ được thay thế bằng tên lửa I-Derby ER - sản phẩm của công ty Rafael, Israel.

Điều đặc biệt là dù không được trọng dụng tại Ấn Độ nhưng hiện nay R-77 vẫn là tên lửa đối không tiêu chuẩn của hầu hết chiến đấu cơ Nga, kể cả tiêm kích tàng hình Su-57 và hầu hết các khách hàng mua tiêm kích do Nga sản xuất.

Nhà sản xuất Nga cho biết, tên lửa R-77 vượt xa các tên lửa thế hệ cũ hơn R-24, R-27, các tên lửa nước ngoài như AIM-7F Sparrow, Skyflash, Matra super 530F, theo một số đặc điểm còn vượt trội hơn cả tên lửa AMRAAM AIM-120A của Mỹ.

R-77 có điều khiển tự dẫn tầm trung trang bị đa hệ thống dẫn đường. Tên lửa được sử dụng cho các mục tiêu: máy bay siêu cơ động, tên lửa hành trình, tên lửa đất đối không và không đối không, máy bay ném bom chiến dịch chiến thuật, máy bay trực thăng.

Đầu đạn của tên lửa là đầu đạn nổ phá mảnh thanh đặc trưng với các thành phần hiệu ứng nổ lõm nhỏ. Các mảnh đạn dạng thanh được sắp xếp liên kết với nhau để khi nổ sẽ tạo thành một đám mây mảnh thép cắt xé mục tiêu.

Các thành phần nổ lõm cấu thành đầu đạn nhằm tiêu diệt mục tiêu cần có độ chính xác cao trong chế độ phòng thủ tên lửa của máy bay chiến đấu. Ví dụ như đánh chặn tên lửa phòng không đối phương. Tên lửa có thể tiêu diệt hiệu quả mục tiêu ở khoảng cách 90km và lên tới trên 150km ở phiên bản mới.

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/tiem-kich-an-bi-ban-ha-do-ten-lua-r-77-3381277/