Tiệm độ bình yên

Cuối tuần rồi, gia đình tôi và vài người bạn có chuyến leo núi ở tiểu bang Thueringen, CHLB Đức. Mục tiêu là leo lên đỉnh Kickelhahn, nơi có túp lều gỗ dành cho những lúc đi săn của đại thi hào Goethe và trên vách lều là thi phẩm tuyệt đỉnh của ông viết về sự bình yên…

Một trong những câu hỏi mà bạn bè thường cật vấn tôi là sự khác biệt giữa văn hóa Đức và Việt.

Nếu quan sát kỹ về mặt văn hóa, văn hóa người Việt và văn hóa Đức khác xa nhau ở các tiệm độ. Tiệm cận góc độ nào cũng thấy ở các đầu pha khác nhau. Hôm trước, đi dự một đám tang ở Đức, trong không gian tĩnh lặng, những người quen biết người đã khuất sẽ lên nói vài kỷ niệm đặc biệt với người đã mất trong tĩnh lặng, nhẹ nhàng và tích cực. Đúng với không khí của “rest in peace - RIP” (yên nghỉ).

Tác giả dừng chân tại túp lều gỗ dành cho những lúc đi săn của đại thi hào Goethe, trên đỉnh Kickelhahn, Đức.Ảnh: TLTG

Trên đường đi dự đám tang về, cậu bạn người Đức hỏi tôi, ở Việt Nam đám tang thế nào. Tôi bảo, văn hóa đám tang ở Việt Nam ở trên một chiều kích khác, đám tang hoặc sẽ là buồn sầu não hoặc là vui tột độ.

Ở miền Bắc và Trung bộ, mỗi đám tang sẽ là tiếng trống, kèn, nhị… ai oán nỉ non từng hồi, đọc điếu văn than khóc tiếc thương. Thậm chí gia chủ không khóc được sẽ thuê “thợ khóc” là thầy cúng, ma chay khóc cho não nề giùm con cháu.

Ở quê tôi, việc thuê khóc như vậy, sau mỗi bài khóc sẽ được trả tiền. Nhà nào có người mất, phải một - hai năm không được bật loa đài, tivi hay cười nói. Ở một trạng thái ngược lại, đám tang ở Nam bộ nhiều khi lại là một dịp để có cơ hội giải trí. Nhiều đám ma thuê ca sĩ về hát inh ỏi và nhậu tưng bừng. Nó là ví dụ của sự lạc quan của việc chia ly âm dương cách biệt.

Dù là nỉ non khóc thét hay hát hò tưng bừng, cả hai trạng thái đối lập này đều thể hiện người Việt ta khá “động” để cầu chúc một người “an giấc ngàn thu”.

Còn người Đức, ít có đám tang nào vật vã hay mừng vui quá độ. Mọi thứ ở một chừng mực đủ để thể hiện sự tiếc thương, nhưng cũng không rút cạn năng lượng tích cực của những người còn ở lại thế gian. Cái “động” đôi khi đánh cắp sự cân bằng và bình yên tĩnh tại cần có.

Có một thực tế, không hẳn cứ trẻ tuổi thì không đạt được tiệm độ bình yên, bởi có khi nhiều người luống tuổi vẫn còn thích chếnh choáng trong “động”.

Người bạn hỏi: Giữa bình yên và hạnh phúc, thành công, anh chọn cái gì? Tôi không lưỡng lự mà nói ngay: “Tôi chọn bình yên”.Ảnh: TLTG

Bạn tôi hỏi, giữa bình yên và hạnh phúc, thành công, anh chọn cái gì? Tôi không lưỡng lự mà nói ngay: “Tôi chọn bình yên”. Bình yên là một loại hạnh phúc, và được sống bình yên là một loại thành tựu lớn của đời người. Ở tiệm độ bình yên, người ta tự do với chính mình, làm điều họ thích, suy tư về chính họ. Sống cũng bình yên, và giã từ trong sự bình yên (RIP), há chẳng phải là hạnh phúc sao?!

Người Đức đặc biệt coi trọng sự bình yên. Đi tàu ít khi nghe tiếng nói chuyện ồn ào, bởi họ nói với âm lượng vừa đủ nghe. Sự yên tĩnh giúp mọi người tập trung vào thế giới của họ. Thế nên, trên các chuyến tàu hay các bến đợi, ta thường bắt gặp cảnh người Đức cầm những cuốn sách yêu thích của mình lên để đọc.

Và trên thực tế, Đức được coi là một trong những nước có tỷ lệ đọc sách cao nhất thế giới. Chẳng thế mà, quay lại câu chuyện túp lều gỗ trên đỉnh Kickelhahn, Goeth đã viết một tuyên ngôn triết học về giá trị của sự bình yên: Über allen Gipfeln ist Ruh (Phạm Công Thiện dịch là Trên tất cả những đỉnh cao là sự bình yên). Sự bình yên trong thơ của Goethe thật đẹp và tinh tế.

Có lẽ nhiều người sẽ hỏi, làm sao để đạt đến tiệm độ bình yên? Có lẽ câu trả lời là phải ly cách hóa chính mình ra khỏi các đám đông. Bình yên không bao giờ là một món quà với những người vọng động. Chỉ khi tách mình ra khỏi các đám đông ồn ào, dành tâm an trí tĩnh để luận lý và chiêm nghiệm về chính ý nghĩa cuộc đời mình.

Lê Ngọc Sơn - Đại học Công nghệ Ilmenau, CHLB Đức

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/tiem-do-binh-yen-20266.html