Tiêm đại trà vaccine ngừa COVID-19, bước ngoặt trong đại dịch

Vương quốc Anh đã trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên bắt đầu tiêm chủng đại trà vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Đây được coi là khoảnh khắc bước ngoặt trong đại dịch COVID-19. Kế hoạch tiêm và mua vaccine quy mô lớn cũng đang được xúc tiến ở nhiều quốc gia.

Anh, Nga khởi động tiêm chủng đại trà

Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho cụ bà Margaret Keenan tại một bệnh viện địa phương ở Coventry, miền Trung vùng England ngày 8/12. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho cụ bà Margaret Keenan tại một bệnh viện địa phương ở Coventry, miền Trung vùng England ngày 8/12. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo kênh CNN, người Anh đầu tiên được tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech là bà Margaret Keenan 90 tuổi. Bà nhận mũi tiêm vào lúc 13 giờ 31 ngày 8/12 (giờ Việt Nam), chưa đầy một tuần sau khi Anh trở thành quốc gia đầu tiên phê chuẩn loại vaccine này.

Hình ảnh về những người đầu tiên được tiêm vaccine như bà Keenan đã lan truyền khắp Anh và cả thế giới. Họ nhanh chóng trở thành biểu tượng trong cuộc đua phát triển vaccine quan trọng. Vaccine phát huy hiệu quả thế nào trong cơ thể họ sẽ trở thành niềm hy vọng cho thế giới đang bị đại dịch tàn phá.

Nước Anh chưa bao giờ thực hiện một chương trình tiêm chủng đại trà khó khăn đến vậy. Với mỗi khay đựng 975 liều vaccine, các bệnh viện trữ vaccine quý giá trong tủ đông lạnh tới -70 độ C, rã đông và bơm vào xi lanh, tiêm cho những người được ưu tiên. Mọi giây phút đều quý giá vì những liều vaccine rã đông nếu không được tiêm trước ngày 11/12 sẽ không thể dùng được nữa.

Thách thức về mặt hậu cần trong sản xuất và phân phối hàng chục triệu liều vaccine ngừa COVID-19 khiến chương trình tiêm chủng phải được thực hiện dần dần, theo thứ tự ưu tiên. Những người dễ bị tổn thương nhất và nhân viên y tế là hai đối tượng được tiêm đầu tiên.

Anh đã đặt hàng 40 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech, nhưng chỉ có 800.000 liều trong đợt tiêm chủng đầu tiên bắt đầu từ ngày 8/12. Anh sẽ có đủ vaccine để tiêm cho khoảng 1/3 dân số. Anh cũng đặt hàng 7 triệu liều vaccine của công ty Moderna và vaccine này có thể được phê duyệt để sử dụng khẩn cấp ở Anh sau vài tuần tới.

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock gọi đợt khởi động trong chương trình tiêm chủng này là “khoảnh khắc lớn của nỗ lực khoa học”, nói rằng vaccine có thể bắt đầu giải quyết căn bệnh này khắp thế giới và bảo vệ người dân ở mọi nơi. Dù vậy, ông Hancock cho biết vẫn còn rất nhiều việc phải làm nhưng có thể sẽ dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch ở Anh vào mùa xuân tới nếu có đủ số người được tiêm vaccine.

Với nhiều người ở Anh và cả trên thế giới, tin tức về tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 được coi như tia sáng hy vọng khi một năm đen tối sắp kết thúc. Dù vậy, giới chức y tế Anh vẫn cảnh báo rằng mùa đông này sẽ vẫn đặc biệt khó khăn và người dân không được mất cảnh giác với dịch bệnh.

Nhân viên y tế tiêm thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 trên tình nguyện viên tại Moskva, Nga ngày 10/9. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, Nga cũng bắt đầu khởi động tiêm chủng hàng loạt vaccine Sputnik V do công ty trong nước sản xuất. Từ ngày 5/12, các trung tâm tiêm chủng khắp thủ đô Moskva đã bắt đầu phân phối Sputnik V cho các nhóm ưu tiên gồm giáo viên, nhân viên y tế… Có trên 5.000 người đã đăng ký tiêm chủng trong 5 giờ đầu tiên.

Bà Natalya Nikolaevna Kuzenkova, bác sĩ trưởng tại Bệnh viện 68 ở Moskva, nói ngày 5/12: “Tiêm chủng cho người dân đã bắt đầu tại 70 điểm ở Moskva ngày hôm nay. Chúng tôi làm việc từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối, 7 ngày mỗi tuần”.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh tiêm chủng quy mô lớn trên cả nước bắt đầu từ tuần này. Nga đã trở thành nước đầu tiên thông qua vaccine ngừa COVID-19 do mình sản xuất từ hồi tháng 8. Giới chức Nga cho biết có đủ liều vaccine cho trên 2 triệu trong tổng số 145 triệu người Nga.

Các nước đẩy nhanh kế hoạch tiêm chủng

Tiêm thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 cho tình nguyện viên tại Detroit, bang Michigan, Mỹ ngày 5/8. Ảnh: AFP/TTXVN

Một số quốc gia cũng sắp tới giai đoạn quyết định tiêm chủng đại trà như Anh và Nga. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) dự kiến cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine của Pfizer/BioNTech ngay trong tuần này. Ủy ban cố vấn về vaccine của FDA có lịch họp ngày 10/12 (giờ Mỹ) để thảo luận về cấp phép vaccine. Ủy ban sẽ họp lại vào ngày 17/12 để cân nhắc cấp phép cho vaccine của Moderna.

Theo truyền thông Mỹ, Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp trong ngày 8/12 (giờ Mỹ) nhằm đảm bảo tất cả người dân Mỹ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 trước khi chính phủ Mỹ bắt đầu hỗ trợ các quốc gia khác.

Trước đó, giới chức Mỹ ngày 1/12 thông báo sẽ bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng vaccine cho hàng triệu công dân, sớm nhất là từ giữa tháng 12. Theo đó, cố vấn hàng đầu của chương trình "Triển khai chiến dịch tiêm chủng" của chính quyền Mỹ cho biết 20 triệu người dân có thể sẽ được tiêm vaccine vào cuối năm 2020 và đến giữa năm 2021, hầu hết người dân Mỹ có thể tiếp cận các loại vaccine hiệu quả cao.

Tại châu Âu, Cơ quan Y tế châu Âu sẽ chốt quyết định về vaccine của Pfizer/BioNTech vào ngày 29/12.

Tới nay, một số quốc gia đã tiến hành đàm phán mua vaccine của Pfizer/BioNTech. Ngày 7/12, Brazil thông báo đang đàm phán giai đoạn cuối để đặt mua 70 triệu liều vaccine này. Nếu mọi việc thuận lợi Brazil sẽ có thể phân phối vaccine cho toàn dân vào năm 2021. Trước đó, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tuyên bố chính phủ nước này sẽ cung cấp vaccine COVID-19 miễn phí cho tất cả người dân nếu vaccine được cơ quan quản lý y tế Anvisa cấp phép đưa vào sử dụng. Chính phủ liên bang Brazil dự kiến sẽ triển khai chương trình chủng ngừa vaccine COVID-19 vào tháng 2/2021.

Hình ảnh minh họa vaccine ngừa COVID-19 do Pfizer và BioNTech phối hợp phát triển. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Canada, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết 249.000 liều vaccine phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech sẽ được chuyển tới Canada trong tháng 12 này và hàng triệu liều vaccine sẽ tiếp tục được chuyển tới Canada trong năm 2021. Tiến trình xem xét phê duyệt vaccine của Pfizer/BioNTech đang được các cơ quan chức năng của Canada khẩn trương tiến hành. Ngoài vaccine của Pfizer, Canada cũng đang xem xét phê chuẩn vaccine của Moderna. Nếu vaccine của Moderna được cấp phép lưu hành, 2 triệu liều vaccine của hãng này sẽ được chuyển tới Canada trong quý I/2021.

Cũng trong ngày 7/12, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết trong năm nay, chính phủ nước này chi gần 45 triệu USD để mua 3 triệu liều vaccine của công ty công nghệ sinh học Sinovac và 100.000 liều vaccine của công ty Cansino, đều của Trung Quốc. Vào giai đoạn đầu, 1,2 triệu liều vaccine của Sinovac đã được chuyển đến Indonesia trong ngày 7/12 và sẽ được sử dụng vào đầu năm 2021. Ở giai đoạn tiếp theo, 1,8 triệu liều vaccine Sinovac sẽ được chuyển đến Indonesia trong tháng 1/2021.

Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã yêu cầu Bộ Y tế và Bộ Kinh tế-Tài chính nước này chuẩn bị ngân sách để mua 1 triệu liều vaccine phòng COVID-19 và cung cấp miễn phí cho nhân dân.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nguồn Nhân lực Hungary Miklos Kasler cho biết khoảng 3.000 - 5.000 người Hungary có thể tham gia thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa COVID-19 Sputnik V của Nga.

Tại Thụy Sĩ, chính phủ nước này lên kế hoạch khởi động chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 vào đầu tháng 1/2021 và dự kiến mùa hè tới sẽ tiêm chủng cho khoảng 70% trong tổng số dân 8,5 triệu người. Với mục tiêu tiêm chủng cho 6 triệu người vào mùa hè, Thụy Sĩ sẽ cần có tới 70.000 mũi vaccine/ngày.

Tính tới ngày 9/12, toàn thế giới ghi nhận trên 68,5 triệu ca mắc COVID-19, trong đó trên 1,56 triệu người tử vong. Đã có 14 quốc gia ghi nhận trên 1 triệu ca mắc COVID-19. Mỹ là quốc gia có số ca mắc và ca tử vong cao nhất thế giới. Nước này đã ghi nhận trên 15,5 triệu ca và trên 293.000 người chết, liên tục lập kỷ lục về số ca mắc cũng như số ca tử vong hàng ngày. Các nước châu Âu cũng đang chứng kiến làn sóng COVID-19 thứ hai, khiến một số nước phải phong tỏa hoặc áp đặt các biện pháp hạn chế để phòng dịch bệnh lây lan. Châu Âu đã ghi nhận trên 18,7 triệu ca mắc, trong đó trên 433.000 ca tử vong. Tại châu Á, Ấn Độ có diễn biến dịch bệnh nghiêm trọng nhất với trên 9,7 triệu ca mắc. Tại Đông Nam Á, Indonesia vẫn là tâm dịch với trên 586.000 ca mắc.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/tiem-dai-tra-vaccine-ngua-covid19-buoc-ngoat-trong-dai-dich-20201209105610092.htm