Tiêm chủng ngừa Covid-19: Bảo đảm an toàn cho người dân

Với hơn 120 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 sẽ được nhập về Việt Nam trong năm 2021, công tác bảo đảm an toàn tiêm chủng được đặt ra nhằm luôn bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho người dân.

Tiêm vắc xin Covid-19 tại Hải Dương. Ảnh: Trọng Hải

Kỳ vọng vắc xin

Thời điểm hiện tại, có hai vấn đề quan trọng đối với vắc xin, đó là bảo quản vắc xin và tổ chức tiêm chủng. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, thời gian qua, ngành Y tế đã nỗ lực giám sát chặt chẽ việc bảo quản và vận chuyển vắc xin, bảo đảm chất lượng tốt nhất từ khâu tiếp nhận, vận chuyển cho đến tận bàn tiêm. Bộ Y tế đã tổ chức các lớp tập huấn về quy trình thực hiện tiêm chủng cho các điểm tiêm chủng trên nguyên tắc an toàn, thận trọng, thực hiện từng bước và tăng cường tối đa độ bao phủ.

Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, vấn đề tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 luôn được chú trọng. Theo đó, đối với y tế các tuyến, trước khi tiêm chủng cần chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, dây chuyền lạnh để bảo quản vắc xin. Bên cạnh đó, tại các điểm tiêm chủng, trước khi tiêm mũi 1, cán bộ y tế phải trao đổi, hỏi rõ người được tiêm về tiền sử bệnh tật, dị ứng, sốc phản vệ. Với mũi tiêm tiếp theo, liều thứ 2, cán bộ y tế phải hỏi xem phản ứng ở mũi tiêm trước đó, nếu có phản ứng nặng thì phải tạm hoãn hoặc hướng dẫn cụ thể để tiêm ở các cơ sở điều trị.

Trước sự chuẩn bị kỹ càng, chu đáo của các cơ sở tiêm chủng, nhiều người thuộc đối tượng ưu tiên tiêm chủng cảm thấy rất an tâm. Chị Dương Ngân (Dương Nội, Hà Đông) bày tỏ: "Thấy người dân Israel đã có cuộc sống dễ thở hơn nhờ thành công của chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19, tôi mơ ước một Việt Nam an toàn trong đại dịch bằng chiến dịch tiêm vắc xin. Nếu không có vắc xin, chúng ta khó có thể trở lại cuộc sống bình thường bởi nguy cơ dịch vẫn có thể bùng phát bất cứ lúc nào mà làn sóng sau còn khốc liệt hơn làn sóng trước”.

Bảo đảm nguồn cung vắc xin

Để tăng nguồn cung vắc xin, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, Bộ Y tế sẽ tạo điều kiện tối đa cho tất cả các địa phương và đơn vị, doanh nghiệp trong quá trình nhập khẩu, cấp phép nhập khẩu, kiểm định vắc xin. Đồng thời, Bộ Y tế đã rà soát lại tất cả các quy trình, thủ tục cấp phép và đánh giá kiểm định chất lượng. Khi vắc xin được nhập vào Việt Nam, nếu có đầy đủ hồ sơ hợp lệ thì trong vòng 2 ngày, Hội đồng cấp phép về vắc xin và sinh phẩm của Bộ Y tế sẽ tiến hành họp, thẩm định, rà soát lại toàn bộ hồ sơ và cho phép xuất lô vắc xin đó để có thể sử dụng theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới.

Thông tin thêm về lộ trình nhập khẩu vắc xin phòng Covid-19, ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, cho hay, với các loại vắc xin đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt sử dụng trong tình trạng khẩn cấp (từ các cơ sở sản xuất như AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sinopharm, Johnson & Johnson), Bộ Y tế sẽ xem xét phê duyệt trong thời gian 5 ngày làm việc sau khi nhận đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ và kèm theo ủy quyền chính thức của cơ sở sản xuất vắc xin phòng Covid-19.

Với các vắc xin đã được các quốc gia khác phê duyệt nhưng chưa được WHO phê duyệt sử dụng trong tình trạng khẩn cấp, Bộ Y tế sẽ xem xét, phê duyệt trong thời gian 10 ngày làm việc sau khi nhận được đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ và kèm theo ủy quyền chính thức của cơ sở sản xuất vắc xin phòng Covid-19.

Cam kết tạo mọi điều kiện cho việc nhập khẩu vắc xin, tuy nhiên, Cục trưởng Cục Quản lý dược cũng yêu cầu các địa phương, các tổ chức, cá nhân tiếp cận nhập khẩu vắc xin phải đảm bảo đúng xuất xứ, nguồn gốc và phải có hồ sơ chất lượng để tránh bị lừa đảo.

Minh Châu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-song/1002278/tiem-chung-ngua-covid-19-bao-dam-an-toan-cho-nguoi-dan