Tiềm ẩn tai nạn giao thông khi lưu thông trong làn đường hỗn hợp

Đường Phan Văn Hớn (quận 12) nhỏ hẹp, các phương tiện lưu thông hỗn hợp, một trường hợp do tránh một xe gắn máy nên phanh gấp và ngã xe, người điều khiển xe máy đã rơi vào bánh xe tải tử vong.

Đường Nguyễn Duy Trinh, quận 9 nhỏ hẹp, xuống cấp, xe gắn máy lưu thông hỗn hợp cùng với xe đầu kéo, xe tải nặng, chiều 14-1, anh Lưu Tuấn Quang, quê Long An khi lưu thông trên đoạn đường này đã bị xe đầu kéo tông tử vong. Đây chỉ là 2 nạn nhân trong hàng trăm nạn nhân tử vong, bị thương tại TP Hồ Chí Minh khi lưu thông trong làn đường hỗn hợp.

Việc sử dụng điện thoại khi lưu thông trên đường cũng dễ dẫn đến tai nạn.

Qua thực tế ghi nhận, tại TP Hồ Chí Minh hầu hết các tuyến đường, phương tiện đều di chuyển trong làn hỗn hợp, rất ít tuyến tách xe máy ra khỏi các phương tiện xe ôtô, xe chuyên chở hàng hóa cho nên nguy cơ tiềm ẩn TNGT tại các tuyến đường này là rất cao…

Xe đầu kéo kéo rơ-mooc chở container loại 40 feet chạy liên tục với tốc độ khá cao trên QL1A, đoạn qua quận Bình Tân, trong khi đó các phương tiện khác như xe khách, xe 7 chỗ và xe máy cũng hòa đan xen vào dòng phương tiện này tạo ra hình ảnh đau tim cho những người lưu thông qua đây. Chỉ cần một va quệt nhỏ, người điều khiển xe máy dễ dàng ngã xuống đường, mất mạng và bị thương chỉ trong tích tắc.

Tại tuyến cửa ngỏ phía Đông thành phố, xa lộ Hà Nội có nhiều đoạn được tách riêng hẳn làn xe máy và xe ôtô, tuy nhiên nhiều xe 7 chỗ, xe khách vẫn cố lấn vào làn xe gắn máy. Ngược lại, trên cầu Sài Gòn, nhiều xe máy do những người thiếu ý thức điều khiển cố tăng tốc trong làn xe đầu kéo xe tải để thoát cảnh kẹt xe. Bởi vậy, nhiều vụ TNGT chết người đã xảy ra ở trên cầu Sài Gòn.

Tương tự như xa lộ Hà Nội, đại lộ Võ Văn Kiệt được phân làn rõ ràng cho các loại phương tiện, tuy nhiên nhiều người vẫn bất chấp nguy hiểm chạy vào làn xe ôtô. Chị Thạnh, một người bán thuốc gần cầu số 6, quận 6 cho hay: “Buổi sáng và buổi chiều rất nhiều người bất chấp nguy hiểm điều khiển xe máy lưu thông trong làn xe ôtô với tốc độ cao. Chỉ cần một chiếc xe tải không “nhường nhịn” thì những người này sẽ gặp tai nạn mà không dám kêu ai vì đi sai luật!”.

Nhiều bác tài điều khiển xe đầu kéo, xe tải trên các tuyến quốc lộ ngao ngán bởi nhiều người điều khiển xe 2 bánh cố len lỏi vào giữa các phương tiện lưu thông trên đường để vượt mặt, hay chạy trong làn hỗn hợp nhưng vô tư sử dụng điện thoại.

Tài xế Võ Trung (ngụ quận 1) từng có hơn 20 năm chạy xe tải cho biết, xe tải loại 11 tấn hay xe đầu kéo kéo rơ-mooc chở container loại 40 feet thường có vài vị trí được gọi là điểm mù khó có thể quan sát. Nhiều xe máy chạy sát với hông xe tải hoặc bất ngờ băng ngang đầu xe khiến tài xế khó quan sát và thường gây ra tai nạn nhưng không biết mình gây tai nạn. Nguy hiểm nhất là khi điều khiển xe tải vào cua, tài xế thường không kiểm soát được hết phía trước đầu xe và 2 bên hông xe.

Tai nạn xảy ra trên đường hỗn hợp có rất nhiều nguyên nhân, do sự cố, do tài xế chạy ẩu, sử dụng bia rượu, ma túy không tỉnh táo khi điều khiển phương tiện nhưng cũng phải kể đến nguyên nhân từ xe gắn máy. Tài xế Thảo, ngụ quận 12 cho hay, khi tai nạn xảy ra tất cả các lỗi đều thuộc về xe lớn, ít ai vào thời điểm đó nhận định xe gắn máy đi sai luật, vượt ẩu, chen lấn, luồn lách. Vào giờ cao điểm, xe máy chen chúc nhau chạy loạn xạ trong làn xe ôtô, chỉ cần tài xế không chú ý quan sát thì va chạm sẽ xảy ra tức thì.

Đúng như cánh tài xế xe tải, xe đầu kéo chạy đường dài than thở, tình trạng xe lưu thông trong làn hỗn hợp rất bát nháo, dường như chẳng phương tiện nào nhường phương tiện nào, nhất vào giờ cao điểm. Tuy nhiên, việc tách làn riêng cho xe máy và các phương tiện tải nặng khác tại TP Hồ Chí Minh và các địa phương trong cả nước vẫn chưa thể thực hiện được do quỹ đất làm đường, giải phóng mặt bằng và thiếu vốn.

Sau vụ TNGT ở Bến Lức, Long An khiến 4 người tử vong, 18 người bị thương, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ nhận xét, hiện tại các địa phương lớn trong cả nước chỉ có một số tuyến đường được đầu tư đồng bộ có phân làn riêng biệt cho xe máy và phương tiện cơ giới, đa phần các tuyến đường còn lại là tuyến đường giao thông hỗn hợp, nhất là các tuyến quốc lộ với lưu lượng phương tiện lớn.

Nói về các nguyên nhân dẫn đến TNGT không chỉ xuất phát từ nguyên nhân hạ tầng cơ sở không đảm bảo mà còn có yếu tố phương tiện và người điều khiển phương tiện. Qua các vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra tại các tuyến quốc lộ, trong làn xe hỗn hợp, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhận định cần nghiên cứu phân luồng phương tiện riêng biệt để tránh những tai nạn thảm khốc.

Anh Thư

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-thong/tiem-an-tai-nan-giao-thong-khi-luu-thong-trong-lan-duong-hon-hop-529531/