Tiềm ẩn tai nạn đuối nước do người dân đổ xô ra sông bắt hến

Để cải thiện bữa ăn giữa những ngày nắng nóng cao điểm, người dân nhiều địa phương ven sông Lam, sông Giăng, sông Gang đã đổ xô ra sông hụp lặn bắt hến, gây nguy cơ đuối nước nhất là đối với trẻ em.

Giữa những ngày nắng nóng cao điểm, để cải thiện bữa ăn, người dân các huyện Anh Sơn, Thanh Chương, Nam Đàn sống ven sông Lam, sông Giăng, sông Gang... lại rủ nhau ra sông bắt hến. Trong ảnh: Người dân xã Hạnh Lâm (Thanh Chương) bắt hến trên sông Giăng. Ảnh: Huy Thư

Giữa những ngày nắng nóng cao điểm, để cải thiện bữa ăn, người dân các huyện Anh Sơn, Thanh Chương, Nam Đàn sống ven sông Lam, sông Giăng, sông Gang... lại rủ nhau ra sông bắt hến. Trong ảnh: Người dân xã Hạnh Lâm (Thanh Chương) bắt hến trên sông Giăng. Ảnh: Huy Thư

Bà con thường đi theo nhóm, thậm chí có nơi cả làng đổ xô ra sông bắt hến với dụng cụ thô sơ là rổ, rá, thau, chậu. Họ tmf đến cả những vùng nước sâu, tay mò hến, tay bưng thau. Trong ảnh: Cảnh mò hến trên sông Gang xã Thanh Ngọc (Thanh Chương) Ảnh: Huy Thư

Một phụ nữ ở xã Hạnh Lâm (Thanh Chương) đang bắt hến trên sông Giăng cho biết: So với trước đây, hến sông Giăng ngày càng ít hơn, để bắt đủ hến cho một bữa ăn của gia đình chị đã phải ngâm mình hàng tiếng đồng hồ dưới sông để mò, cào hến. Ảnh: Huy Thư

Người dân thường ra sông mò hến vào buổi sáng sớm hoặc xế chiều để tránh ánh nắng gay gắt. Nhiều phụ nữ đi bắt hến đã mang theo cả trẻ nhỏ, con cái trong nhà cùng ra sông. Trong ảnh: Người lớn, trẻ em xã Hạnh Lâm (Thanh Chương) đang bắt hến trên sông Giăng. Ảnh: Huy Thư

Để kiếm được hến sông trong thời buổi "nhà nhà tìm, chọn thức ăn sạch", người dân đi bắt hến cũng phải "ê ẩm cả đôi tay", vì dưới đáy sông hến thì ít , đá sỏi thì nhiều. Sau một lúc nỗ lực cào hến bằng tay ở dưới nước, người bắt hến phải đãi sạch cát trong thau, rổ và nhặt từng con hến lẫn trong ngổn ngang đá sỏi. Ảnh: Huy Thư

Với các em nhỏ, được theo bố mẹ, người thân ra sông bắt hến vào những ngày nắng nóng là niềm vui thích, tuy nhiên một số em không được trang bị áo phao, phao bơi đầy đủ để phòng, chống tai nạn đuối nước. Ảnh: Huy Thư

Việc các em đi bắt hến một mình, không có người thân đi cùng, hay các em tranh thủ bắt hến trong lúc đi chăn trâu, bò ven sông, ở những khúc sông sâu, chảy xiết... luôn tiềm ẩn tai nạn, rủi ro. Ảnh: Huy Thư

Hiện nay, bờ sông, đáy sông ở hầu khắp các địa phương đều lồi, lõm, do việc hút cát, tác động của mưa lũ... nên chỗ cạn, chỗ sâu, chảy xiết rất thất thường. Đi bắt hến giữa sông còn tiềm ẩn tai nạn rủi ro, như trượt ngã, dẫm phải miểng chai, mảnh sành, đặc biệt là nguy cơ đuối nước. Ảnh: Huy Thư

Mặc dù trên những bến sông nước sâu, chảy xiết, chính quyền, đoàn thể các địa phương đã dựng các biển cảnh báo đuối nước, cấm bơi lội, nhưng người dân vẫn lơ là chủ quan, bất chấp nguy hiểm, thản nhiên ra sông bắt hến như thường. Ảnh: Huy Thư

Người lớn ra sông bắt hến mang theo trẻ em, nhiều khi bận công việc, quên chú ý con trẻ, để các em tự do vui chơi trên sông nước, không có người giám sát cũng tiềm ẩn rủi ro khôn lường. Trong ảnh: Trẻ em vui chơi trên sông Giăng đoạn qua xã Thanh Nho (Thanh Chương). Ảnh: Huy Thư

Người dân Thanh Chương hụp lặn mò hến trên sông Giăng. Video: Huy Thư

Huy Thư

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/tiem-an-tai-nan-duoi-nuoc-do-nguoi-dan-do-xo-ra-song-bat-hen-288246.html