Tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn

Thời gian gần đây, nhiều vụ ngộ độc, mất an toàn thực phẩm (ATTP) xảy ra tại các trường học khiến dư luận hết sức lo ngại về chất lượng, độ an toàn của những suất ăn cho học sinh bán trú. Nếu không có một chế tài đủ mạnh và có biện pháp siết chặt quản lý sẽ không thể ngăn ngừa được những vụ ngộ độc thực phẩm lớn xảy ra đối với học sinh.

Nguyên nhân từ sự thiếu kiểm tra, giám sát

“Nhận được tin báo về việc một số phụ huynh phát hiện, chặn giữ một xe ô tô chở thực phẩm bẩn cung cấp cho trường tiểu học của xã, ngay lập tức tôi cùng đại diện một số lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường để kiểm tra cụ thể sự việc. Tại hiện trường, chúng tôi thấy một xe ô tô tải thùng kín loại nhỏ chở đầy các loại rau, củ, quả, trứng gia cầm, trong đó phần lớn các loại rau, củ đã ở tình trạng thối rữa, bốc mùi hôi và một số trứng gia cầm đã bị ung, không phân biệt được lòng trắng, lòng đỏ… Chúng tôi tiến hành lập biên bản xử phạt hành chính và yêu cầu lãnh đạo nhà trường không nhập số thực phẩm trên…”-Đây là những thông tin do ông Trần Hùng Mạnh, Chủ tịch UBND xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc cung cấp.

Ảnh minh họa / dantri.

Trước đó, nhiều phụ huynh có con em đang học tại Trường Tiểu học xã Lý Nhân nghi ngờ bộ phận cấp dưỡng của trường thường xuyên nhập thực phẩm bẩn để chế biến thành các suất ăn bán trú cho học sinh nên đã tổ chức người theo dõi và chặn xe để làm rõ. Ngay sau khi phát hiện vụ việc, UBND xã Lý Nhân đã lập biên bản, mời đại diện công ty cung cấp thực phẩm và người chở rau, quả lên làm việc, đồng thời báo cáo với công an huyện, các cơ quan chuyên môn khác để tiếp tục xử lý.

Còn tại TP Hà Nội, địa phương hiện có nhiều trường thực hiện mô hình bán trú nhất so với cả nước với hơn 1,7 triệu học sinh, trong đó 50% số trường có tổ chức ăn bán trú thì vụ việc phát hiện giòi trong khay đựng đồ ăn của học sinh Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình, TP Hà Nội) đã làm bùng lên sự bất an về thực trạng ATTP tại các trường học vốn vẫn âm ỉ trong dư luận từ nhiều năm qua.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước hàng loạt sự việc liên quan đến việc không bảo đảm ATTP được phát hiện tại các đơn vị: Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình); Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai) và Trường Mầm non Lại Yên (huyện Hoài Đức)…, thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng của TP Hà Nội đã vào cuộc, tiến hành điều tra và đều cho thấy có nguyên nhân từ sự chủ quan, lơ là trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm cho bữa ăn bán trú ở các trường học nêu trên. Đó là việc không thực hiện tốt quy trình tiếp nhận thức ăn an toàn, sử dụng nguyên liệu chế biến thực phẩm rẻ tiền, chất lượng kém, nhân viên chế biến thực phẩm đại khái, thiếu hiểu biết về bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, cơ sở vật chất và điều kiện tại nơi chế biến, bảo quản thực phẩm không bảo đảm… Và trên hết là thiếu sự giám sát của nhà trường, ban phụ huynh học sinh đối với nguồn thực phẩm đưa vào các bữa ăn bán trú.

Nhiều bất cập chưa có lời giải

Trách nhiệm thuộc về ai? Câu hỏi này luôn được đặt ra mỗi khi có sự cố về mất ATTP và tất nhiên tại các trường học thì trách nhiệm sẽ thuộc về hiệu trưởng, cho dù “công tác tổ chức ăn bán trú thực sự là một thách thức lớn đối với các trường” như nhận định của ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội. Theo ông Dũng, sở dĩ đây được xem là thách thức bởi vì bản thân các trường không đủ cơ sở vật chất, nhân lực để tự tổ chức bữa ăn cho học sinh nên phải ký hợp đồng với các công ty cung cấp suất ăn sẵn. Nhà trường cũng không thể cử người đến giám sát quy trình tiếp phẩm, chế biến, đóng gói, bảo quản, vận chuyển suất ăn từ cơ sở đến nhà trường. Chỉ khi nào có sự cố xảy ra thì mới truy đến hợp đồng, trách nhiệm. Sau các sự việc vừa qua, phòng giáo dục các quận, huyện đều khẳng định “sẽ siết chặt quản lý, tăng cường kiểm tra trực tiếp tại các trường, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc tuân thủ quy trình bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm của nhân viên, kiên quyết xử lý đối với những người không chấp hành quy định”. Vấn đề đặt ra là liệu khẳng định này sẽ được duy trì trong bao lâu, hay khi sự việc lắng xuống, việc “siết chặt quản lý, tăng cường kiểm tra trực tiếp” cũng sẽ lại bị lãng quên, nhất là khi thực tế, việc kiểm tra hoạt động tổ chức bán trú cho học sinh vẫn được tiến hành và luôn được kết luận là “đúng quy trình, bảo đảm chất lượng”.

Nhưng có một điều khiến dư luận bức xúc là hầu hết những bất cập trong bữa ăn bán trú cho học sinh bị phát giác lại bởi chính các bậc phụ huynh. Có phụ huynh vì lo lắng an toàn cho sức khỏe của con em mình đã tổ chức “mật phục” và phát hiện xe cung cấp thực phẩm cho đơn vị chế biến bữa trưa của học sinh chuyển đến cả những rau, củ, quả sắp thối rữa, nhiều quả trứng ung, dập hỏng. Dù việc giám sát, phát hiện của phụ huynh thời gian qua là mang tính nhỏ lẻ, tự phát, song nếu không có sự phát hiện kịp thời này thì không ít học sinh còn phải tiếp tục ăn những bữa ăn thiếu an toàn do được chế biến từ những nguyên liệu không bảo đảm vệ sinh, ATTP.

Thực tế hiện nay, với không ít học sinh, bữa ăn ở trường vẫn là nỗi ám ảnh. Sự thiếu đa dạng trong thực đơn, cách chế biến đơn điệu, thức ăn nguội lạnh… đã biến những bữa ăn trở nên nhàm chán. Chăm sóc, nuôi dạy trẻ phát triển lành mạnh là nhiệm vụ của ngành giáo dục và toàn xã hội, trong đó có chăm sóc sức khỏe. Do đó, bữa ăn bán trú của học sinh cần được các cơ quan chức năng, ngành giáo dục mà cụ thể là các trường học sớm có giải pháp quản lý, kiểm soát, nghiêm khắc xử lý những sai phạm.

MAI CHU ANH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/tiem-an-nhieu-nguy-co-mat-an-toan-524684