Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn từ thú vui thả diều ở Bắc Giang

Gây mất an toàn lưới điện, giao thông, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe khiến nhiều người lo ngại trước tình trạng thả diều ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện nay.

Nhập viện vì dây diều

Một ngày cuối tháng 2 vừa qua, ông Hoàng Văn Cường, phường Xương Giang (TP Bắc Giang) đi xe máy đến gần khu vực hầm chui quốc lộ 1 giao với đường Nguyễn Thị Minh Khai thuộc địa bàn tổ dân phố Phú Mỹ, phường Dĩnh Kế thì bị một sợi dây diều vắt qua đường cứa vào cổ. Vào viện điều trị, bác sĩ thông tin rất may ông đi chậm, sợi dây diều là dây dù nên vết thương không quá nặng, nếu là dây cước thì rất nguy hiểm.

“Vẫn biết đó là thú chơi dân dã nhưng tình trạng thả diều bừa bãi nơi công cộng như hiện nay không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, an toàn lưới điện mà còn ảnh hưởng đến đời sống do sáo diều. Tôi rất mong chính quyền địa phương, cơ quan chức năng có biện pháp chấn chỉnh”, ông Cường bày tỏ.

Một người dân ở TP Bắc Giang đang tham gia giao thông bất ngờ bị dây diều cứa ngang cổ.

Một người dân ở TP Bắc Giang đang tham gia giao thông bất ngờ bị dây diều cứa ngang cổ.

Thời gian qua, không chỉ ở khu vực đô thị, dân cư đông đúc; bất kể ngày hay đêm, tại một số phường, xã trên địa bàn TP Bắc Giang như: Thọ Xương, Xương Giang, Dĩnh Kế, Lê Lợi… xuất hiện nhiều chiếc diều kích thước lớn, có chiếc được gắn đèn nhấp nháy, gắn đủ loại sáo cỡ như tra tấn những hộ dân xung quanh. Nhiều người dân phản ánh, không ít lần diều lớn đứt dây rơi xuống cửa nhà tiềm ẩn nguy hiểm.

Tại nhiều xã ở các huyện Hiệp Hòa, Tân Yên, những ngày trời có gió, hàng trăm cánh diều đua nhau bay trên bầu trời. Có chiếc diều dài từ 3- 6m như con thuyền lớn chao đảo trên không trung. Một số người chơi diều gắn sáo cỡ lớn mô phỏng tiếng máy bay phản lực, tiếng còi gây tiếng ồn và đã có người tham gia giao thông bị ngã do vướng phải dây diều chăng qua đường.

Ông Lại Xuân Phượng, Giám đốc Điện lực Hiệp Hòa cho biết, mỗi năm, trên địa bàn huyện xảy ra hàng chục sự cố gây mất điện, nguyên nhân được xác định chủ yếu liên quan đến diều mắc vào đường dây. Đơn vị đã nhiều lần kiến nghị UBND huyện chỉ đạo các xã, thôn tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, phối hợp với đơn vị thu, hạ diều, xử lý vi phạm song những trường hợp thả diều gây mất an toàn lưới điện vẫn diễn ra. Theo thống kê, từ đầu năm 2021 đến nay trên địa bàn huyện Hiệp Hòa xảy ra 22 vụ vi phạm lưới điện do thả diều.

Chỉ trong ngày 24/2/2021, hệ thống lưới điện trên địa bàn huyện Tân Yên nhiều lần xảy ra sự cố mất điện. Nguyên nhân chính do dây diều mắc, quấn vào đường dây làm nhảy máy cắt đầu nguồn gây mất điện diện rộng, kéo dài. Cụ thể, chỉ tính từ khoảng 14 giờ đến 22 giờ ngày 24/2 liên tiếp xảy ra 4 sự cố mất điện do diều tại các xã: Liên Chung, Quế Nam, Việt Lập, Ngọc Thiện, Cao Xá, Ngọc Châu, thị trấn Cao Thượng. Nhân viên Điện lực huyện phải mất nhiều giờ sửa chữa mới khôi phục được hệ thống, cấp điện trở lại cho nhân dân.

Gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm

Nhiều người lo ngại khi thú vui thả diều gây chập cháy, mất điện ảnh hưởng đến hàng nghìn doanh nghiệp đang sản xuất, trường học, bệnh viện đang hoạt động cũng như đời sống, sinh hoạt của hàng vạn gia đình.

Tại Điều 4, Nghị định 14 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực nêu rõ những hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có "Thả diều, vật bay gần công trình lưới điện cao áp có khả năng gây sự cố lưới điện". Khoản 1, Điều 15, Nghị định 134 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng quy định “Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi “Thả diều hoặc bất kỳ vật gì gây sự cố lưới điện”.

Trước hết, chính quyền cơ sở cần tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, không thả diều ở những khu vực tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn. Cùng đó, căn cứ các quy định, xử lý nghiêm những cá nhân cố tình vi phạm an toàn lưới điện, gây mất an toàn giao thông và cả bảo vệ môi trường do sáo diều gây tiếng ồn quá cường độ cho phép. Người thả gây thiệt hại về người và tài sản thì phải đền và bị xử lý theo quy định".

Luật sư Trần Văn An - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh

Thế nhưng, vì đam mê, nhiều người dân vẫn vô tư thả diều bất chấp thời gian, địa điểm. Để chấn chỉnh, một số phường, xã ở TP Bắc Giang đã yêu cầu người dân không thả diều gần hành lang lưới điện, hành lang giao thông, trong đó lực lượng công an các phường Dĩnh Kế, Xương Giang tăng cường kiểm tra, thu hồi khi phát hiện diều tiềm ẩn mất an toàn.

Bộ CHQS tỉnh cũng có văn bản chỉ đạo Ban CHQS các huyện, TP tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đăng ký thiết bị bay tự động và cấm thả diều tại khu vực gần sân bay Kép để bảo đảm an toàn vùng trời. Mới đây, UBND xã Hương Lâm (Hiệp Hòa) đã phạt một người dân tại thôn Đông Lâm mức 1 triệu đồng do để dây diều mắc vào đường điện, gây nguy hiểm an toàn lưới điện.

Diều vướng vào dây điện tại xã Cao Xá (Tân Yên) gây mất an toàn.

Công tác tuyên truyền, quản lý, không để người thả diều gây nguy hiểm cho người dân, mất an toàn lưới điện là trách nhiệm của chính quyền cơ sở việc xử lý vi phạm trên thực tế gặp nhiều khó khăn. Ông Trần Công Việt, Chủ tịch UBND xã Việt Ngọc (Tân Yên) cho biết: "Thường người dân thả diều vào chiều tối và ban đêm. Trong nhiều trường hợp, khi diều mắc vào lưới điện, chúng tôi không biết của ai để quy trách nhiệm”.

Theo Luật sư Trần Văn An - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, Trưởng Văn phòng Luật sư Dân An: Thả diều vốn là thú chơi dân gian nên trước tiên chính quyền cơ sở tăng cường tuyên truyền, giáo dục để người dân nâng cao nhận thức, không thả diều ở những khu vực tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn. Cùng đó, căn cứ các quy định, xử lý nghiêm những cá nhân cố tình vi phạm an toàn lưới điện, gây mất an toàn giao thông và cả bảo vệ môi trường do sáo diều gây tiếng ồn quá cường độ cho phép. Điều chắc chắn là người thả gây thiệt hại về người và tài sản thì phải đền bù và bị xử lý theo quy định.

Để phòng ngừa nguy cơ mất an toàn từ thú vui thả diều, chính quyền cơ sở, ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức về các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân vi phạm. Mỗi người dân cũng cần có trách nhiệm trong việc thả diều và thả diều đúng quy định, để không mất đi giá trị văn hóa truyền thống nhưng không làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt chung của cộng đồng xã hội, bảo đảm an toàn lưới điện và an toàn giao thông.

Công Doanh - Quế Thương

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/xa-hoi/353568/tiem-an-nguy-co-mat-an-toan-tu-thu-vui-tha-dieu-o-bac-giang.html