Tiềm ẩn nguy cơ dịch lây nhiễm COVID -19 chỗ đông người

Dưới góc nhìn chuyên môn về phương án nới lỏng cách ly xã hội, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM) phân tích, khi nới lỏng cách ly xã hội, Việt Nam sẽ phải đối mặt với các nguy cơ lây nhiễm ở mức cao hơn do giao thương, đi lại, tiếp xúc nhiều trong cộng đồng.

Ảnh: Như Ý

Ảnh: Như Ý

Nếu không có giải pháp kiểm soát tốt, để xuất hiện ca bệnh (F0) trong cộng đồng thì việc kiểm soát dịch trong tình hình mới sẽ gặp nhiều khó khăn.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo, khi nới lỏng cách ly xã hội, việc phòng ngừa vẫn sẽ tập trung ở khuôn mặt và bàn tay. Cộng đồng cần tuân thủ việc đeo khẩu trang, đội mũ che giọt bắn, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, hạn chế tập trung đông người. Cần bảo vệ người lớn tuổi, người có bệnh lý nền và trẻ nhỏ trước các nguy cơ lây nhiễm của dịch COVID-19.

“Nếu chúng ta giám sát chặt các yếu tố nguy cơ, toàn dân đều tuân thủ quy định phòng chống dịch, cơ quan chức năng ngăn chặn được nguồn bệnh từ biên giới tràn vào thì khó có khả năng bùng phát trở lại trên cả nước. Tình huống xấu hơn thì dịch cũng chỉ xuất hiện cục bộ ở một số điểm đơn lẻ, có thể nhanh chóng kiểm soát được”, bác sĩ Khanh nhận định.

Để kiểm soát tiến tới “chung sống an toàn” với dịch như chiến lược của Chính phủ đặt ra, Bộ Y tế đẩy mạnh chiến dịch truyền thông “Vững vàng Việt Nam” nhằm tuyên truyền để người dân duy trì các biện pháp an toàn sức khỏe, lối sống vệ sinh, quyết tâm bảo vệ những thành quả mà chúng ta đạt được. Chương trình có sự hỗ trợ của Unilever Việt Nam tại những điểm nóng, như: bệnh viện tuyến đầu, khu cách ly, bệnh viện dã chiến, trường học, xây dựng trạm rửa tay dã chiến nơi công cộng... nhằm chung sức cùng cộng đồng duy trì các biện pháp vệ sinh an toàn khi quay trở lại cuộc sống bình thường.

Chương trình tập trung xây dựng theo các hình thức đa dạng và sáng tạo, với sự tham gia của những người có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng, những câu chuyện người thật, việc thật trong cuộc chiến chống COVID-19. Sẽ có ít nhất 25 triệu người tiếp cận chương trình và hỗ trợ những thông tin bổ ích đến hàng triệu người Việt Nam.

Ngày 23/4, Bộ Y tế cho biết, liên tục 7 ngày rưỡi Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới nào. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, Việt Nam đã có 224/268 ca được chữa khỏi (chiếm 84% tổng số bệnh nhân). Hiện cả nước còn 44 bệnh nhân đang được điều trị tại 8 cơ sở y tế.

TPHCM cho phép nhiều dịch vụ hoạt động lại

Chiều 23/4, TPHCM cho ngừng hoạt động 62 chốt kiểm dịch phòng chống COVID-19 tại các cửa ngõ, đồng thời tháo dỡ lệnh phong tỏa quán bar Buddha (quận 2) từng là một trong những ổ dịch nguy hiểm nhất cả nước.

Sở Y tế TPHCM cũng có văn bản khẩn cho phép hoạt động trở lại đối với các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân trên địa bàn sau 22 ngày tạm ngưng. Tuy nhiên, Sở Y tế TPHCM lưu ý các cơ sở cần nghiêm túc thực hiện các quy định của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 về việc mang khẩu trang, rửa tay, đo thân nhiệt, giữ khoảng cách tối thiểu 2 m…

Huy Thịnh - Văn Minh

Thái Hà

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/suc-khoe/tiem-an-nguy-co-dich-lay-nhiem-covid-19-cho-dong-nguoi-1647495.tpo