Tiềm ẩn mối nguy từ việc khắc phục dở dang

Đợt mưa lũ cuối năm 2017 gây nên tình trạng sạt lở lớn tại đồi ông Tượng (phường Chăm Mát, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình).

Ngay sau khi thiên tai, xảy ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và chính quyền địa phương đã chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả. Thế nhưng, 3 năm đã trôi qua, việc khắc phục hậu quả sạt lở vẫn chưa thể hoàn thành. Vậy, đâu là nguyên nhân của sự chậm trễ này? Phóng viên Báo Quân đội nhân dân vừa về Hòa Bình để tìm hiểu.

Công trình dang dở

 Vị trí sạt lở đe dọa an toàn các cơ quan của tỉnh Hòa Bình.

Vị trí sạt lở đe dọa an toàn các cơ quan của tỉnh Hòa Bình.

Trận mưa lịch sử vào trung tuần tháng 10-2017, trên địa bàn TP Hòa Bình xảy ra sạt trượt tại khu vực phía đông đồi ông Tượng. Nơi đây là khu vực trụ sở các cơ quan, gồm: Tỉnh ủy, HĐND, các ban Đảng của tỉnh Hòa Bình nằm bên sườn đồi. Phía đông đồi ông Tượng xuất hiện 18 vết nứt rộng 2-15cm, dài 10-90m và hình thành cung trượt kéo dài hơn 300m, rộng 200m, chiều sâu cung trượt khoảng 30m, hình thành khối trượt ước tính 1,8 triệu m3 đất đá và đã bị dịch chuyển 5-80cm. Việc sạt lở đồi ông Tượng không chỉ uy hiếp đến sự an toàn của các trụ sở cơ quan tỉnh Hòa Bình mà còn là nguy cơ gây mất an toàn đến nhà cửa của khoảng 50-60 hộ dân thuộc phường Chăm Mát (phía đối diện) và hệ thống đường giao thông tại khu vực này. Điều đáng lo ngại nữa là vị trí sạt lở chỉ cách công trình thủy điện Hòa Bình khoảng 500 mét.

Ông Nguyễn Anh Quân, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hòa Bình bày tỏ: "Do khó khăn về nguồn vốn, nên chúng tôi đã có nhiều văn bản trình UBND tỉnh và tỉnh cũng có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đề nghị hỗ trợ địa phương kinh phí thực hiện dự án. Tuy nhiên đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được kết quả nên công trình rơi vào tình trạng "có tiền đến đâu, làm tới đó". Tôi cho rằng, nếu không tập trung nguồn vốn để giải quyết dứt điểm tình trạng sạt lở ở đây thì càng kéo dài, càng gây tốn kém và tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn. Do công trình chưa hoàn thành nên mỗi khi có mưa, đất đá, nước mưa lại tràn vào trụ sở các cơ quan của tỉnh".

Việc dự án khắc phục sạt lở bị chậm, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình lo lắng, còn người dân sống xung quanh khu vực gần vị trí sạt lở thì cũng chẳng yên tâm. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai cho hay: "Dự án không chỉ bảo vệ các cơ quan của tỉnh và người dân sinh sống ở khu vực này, mà còn bảo đảm an toàn cho đập hồ Hòa Bình. Nếu chúng ta không sớm đầu tư xây dựng kè khắc phục tình trạng sạt lở ở khu vực này thì nguy cơ Quốc lộ 6 sẽ bị uy hiếp, đứt gãy là rất cao".

Khắc phục chậm do thiếu vốn

Dự án chưa thể hoàn thành do thiếu vốn.

Ông Nguyễn Anh Quân, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình cho biết: "Sau khi thiên tai xảy ra, tỉnh đã lập dự án “Khẩn cấp xử lý khối sạt trượt các khu vực phía đông đồi ông Tượng, địa bàn thuộc: Tổ 4, 5, 6 phường Chăm Mát; tổ 4 phường Thái Bình, TP Hòa Bình”, với tổng kinh phí 339,9 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương và địa phương. Mục tiêu của dự án là xử lý khối sạt các khu vực phía đông đồi ông Tượng, bảo đảm an toàn cho trụ sở làm việc của các cơ quan tỉnh Hòa Bình; các hộ dân cư sinh sống xung quanh khu vực sạt trượt; tuyến đường An Dương Vương, TP Hòa Bình (trước đây là Quốc lộ 6) và công trình đập hồ Hòa Bình".

Dẫn chúng tôi đi thăm công trình, ông Nguyễn Hữu Thiên, Giám đốc dự án cho biết: "Hiện dự án đã hoàn thành khoảng 75-80% các hạng mục, tổng giá trị các hạng mục của dự án đã thực hiện 230,5 tỷ đồng. Đến nay, nguồn vốn ngân sách mới chỉ giải ngân được 169 tỷ đồng (100 tỷ đồng ngân sách Trung ương, tỉnh Hòa Bình 69 tỷ đồng). Dự án còn nợ nhà thầu 61,5 tỷ đồng chưa thanh toán. Do thiếu vốn nên nhiều hạng mục dự án vẫn chưa hoàn thành, như: Đào bạt mái, giảm tải, tiêu thoát nước mặt, thoát nước ngầm, chống thấm bề mặt, xử lý chống sạt trượt từ cao trình 62,5 mét, mặt đường và hệ thống chiếu sáng, hệ thống quan trắc... Nguồn vốn ngân sách được cấp đã giải ngân hiện mới chỉ đạt 50% tổng kinh phí đã được phê duyệt của dự án. Vì vậy, để hoàn thành dự án cần phải bố trí số vốn còn thiếu khoảng 170 tỷ đồng".

Bài và ảnh: NGUYỄN KIỂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tiem-an-moi-nguy-tu-viec-khac-phuc-do-dang-618925