Tiếc nhớ Thiếu tướng Nguyễn Văn Man

Những ngày qua, tôi, thủ trưởng tôi cùng hàng nghìn đồng đội đều mong có phép màu và hy vọng với bản lĩnh của vị tướng cùng bản năng sinh tồn, anh trở về với gia đình, với đơn vị, với đồng chí, đồng đội đã ngày đêm trông ngóng đợi chờ và tìm mọi cách tiếp cận, cứu hộ… Nhưng, đã không có phép màu!

Thiếu tướng Nguyễn Văn Man luôn có mặt ở những nơi xung yếu (Ảnh: Anh trực tiếp chỉ huy ứng cứu, khắc phục lũ lụt tháng 10 năm 2016)

Thiếu tướng Nguyễn Văn Man luôn có mặt ở những nơi xung yếu (Ảnh: Anh trực tiếp chỉ huy ứng cứu, khắc phục lũ lụt tháng 10 năm 2016)

Đồng chí Nguyễn Văn Man sinh ngày 12 tháng 01 năm 1966 tại xã Lý Ninh (nay là phường Nam Lý), thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.

Tháng 8-1989, sau khi tốt nghiệp Trường Sỹ quan lục quân 2, anh được cấp trên điều động nhận công tác tại Sư đoàn 2, Quân khu 5. Từ tháng 9 năm 2004 đến tháng 8-2006, sau khi hoàn thành khóa đào tạo dài hạn cán bộ chỉ huy binh chủng hợp thành cấp trung, sư đoàn tại Học viện lục quân, anh được điều động về nhận công tác tại Bộ chỉ huy quân sự Quảng Bình, Quân khu 4 với nhiều cương vị khác nhau. Tháng 3-2015, Bộ Quốc phòng có quyết định bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh… Tháng 6-2019, anh vinh dự được bổ nhiệm là Phó Tư lệnh

Quân khu 4 và được phong hàm Thiếu tướng đúng 1 năm sau, tháng 6-2020.
Cùng công tác với anh hơn 10 năm tại Bộ chỉ huy quân sự Quảng Bình, không riêng gì tôi mà những người lính chung thế hệ đều có cùng cảm nhận: Anh là một sỹ quan có bản lĩnh, ý chí quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; một lòng vì nước, vì dân.

Còn nhớ, tháng 10 năm 2013, cả nước nói chung, Quảng Bình nói riêng chưa kịp nguôi ngoai niềm tiếc thương về sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì bão lũ ập đến, anh, lúc ấy là Thượng tá, Trung đoàn trưởng Trung đoàn bộ binh 996, đã cầm quân đi trước lũ, trong lũ và sau lũ cứu giúp nhân dân. Sự cố gãy đổ cột phát sóng VOV ở Quảng Bình, trong đêm tối, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, anh tức tốc cùng chiến sỹ đơn vị đến hiện trường, kịp thời ứng cứu người bị nạn, khắc phục hậu quả.

Tháng 10 năm 2016, khi bão lũ tàn phá quê hương, anh lúc ấy là Đại tá, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, đứng ngồi không yên, lúc thì lên với bà con Minh Hóa, Tuyên Hóa, lúc lại chạy xuống địa bàn hai huyện Quảng Trạch, Ba Đồn để nắm tình hình, trực tiếp chỉ đạo ứng cứu nhân dân. Khi nước lũ rút, anh kịp thời chỉ đạo các đơn vị triển khai ngay công tác khắc phục hậu quả lũ lụt. Anh vẫn bảo, thủy, hỏa đã rồi mới đến đạo, tặc…, nên trong suốt quá trình chỉ huy anh em phòng chống bão lũ, giúp đỡ nhân dân, anh canh cánh đủ nỗi lo. Lo thiệt hại tài sản của nhân dân! Lo đồng đội gian nguy, vất vả…

Tháng 9 năm 2017, trước sự tàn phá bất ngờ của cơn bão số 10, anh, với cương vị là Đại tá, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, khi hỏi về công tác ứng cứu, giúp đỡ nhân dân để tường thuật trực tiếp trên sóng phát thanh Quân đội nhân dân, không ghế, không bàn, không chuẩn bị văn bản… anh đứng ngay tiền sảnh cơ quan quân sự tỉnh trả lời... Bà con Quảng Bình nói riêng, nhân dân cả nước nói chung nghe anh kể những việc đã làm, đang làm và sẽ làm để giúp đỡ nhân dân đều thấy yên dạ, ấm lòng. Anh em đơn vị nghe Đài, khen anh nói hay, xúc động, anh cười hiền: Người thật, việc thật… Chi chơ nói về việc đồng đội mình đã làm và sẵn sàng lăn xả để giúp đỡ bà con nhân dân thì ai trong chúng ta cũng nói tốt, có khi còn tốt hơn anh…

Hơn 1 tháng trước, khi mấy anh em Phòng Chính trị Bộ chỉ huy quân sự tỉnh tiễn đồng đội của mình ra Cục Chính trị Quân khu 4 nhận công tác mới, gặp anh ở tiền sảnh khu nhà làm việc của Bộ Tư lệnh Quân khu, anh chỉ gật đầu chào rồi rút điện thoại gọi cho ai đó. Anh em buột miệng, sao mới đó có đây mà Thủ trưởng có vẻ hững hờ… Sau đó chừng mấy phút, anh gọi cho tôi rồi ân cần hỏi thăm anh em và bảo, anh mời mấy anh em lên Phòng anh uống nước…Trò chuyện, chúng tôi mới vỡ lẽ, hóa ra lúc đó, anh đang vội xử lý công việc liên quan đến cơn bão số 5 sắp đổ bộ chớ trong anh, quê hương luôn nghĩa nặng tình sâu… Đêm hôm ấy, anh em chúng tôi về đến Hà Tĩnh thì trời mưa như trút nước, gió đánh tơi bời…

Cách đây mấy hôm, cơ quan Bộ chỉ huy thông báo, Bộ Tư lệnh Quân khu cử Đoàn công tác kiểm tra, ứng cứu bão lũ ở Phong Điền, Thừa Thiên Huế và cử anh làm chỉ huy, ai nấy đều tin tưởng ở kinh nghiệm và tài thao lược của anh trong những trận chiến đấu chống thiên tai, bão lũ ngày còn ở quê nhà… Nhìn hình ảnh anh đội mưa, lội nước đến hiện trường chỉ huy công tác ứng cứu, anh em đơn vị vừa tự hào, vừa khâm phục… Ấy vậy mà tai nạn bất ngờ ập đến… Trời đất chùng xuống, lòng người tiếc thương… Rất buồn!
Rất nhớ, những lúc cùng anh xông pha bão lũ, anh luôn dặn dò anh em, cứu dân là trên hết nhưng để cứu được dân, các O, các chú luôn nhớ phải bảo đảm an toàn trước đã. Dặn chúng tôi mà nơi khó khăn, nguy hiểm, anh cứ thế xông pha…

Rất nhớ, khi công tác ở Bộ chỉ huy quân sự Quảng Bình, anh hẹn, lúc mô công việc rảnh rang, mấy anh em mình bỏ quân phục, bỏ chức tước, quần shoc, áo ba lỗ ngồi xếp hàng uống với nhau bữa rượu cá khô nướng chắc vô phải biết!

Anh còn mẹ già trên 90 tuổi, các con anh chưa kịp trưởng thành và những lời hứa với người vợ yêu thương suốt những năm tháng qua tự nguyện đứng sau, chấp nhận hy sinh những ước mơ để chồng yên tâm cống hiến…

Rất buồn và vô cùng tiếc thương anh – Vị tướng đã vì dân mà hóa thân vào đất mẹ!

Lan Anh(Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình)

Theo Báo Quảng Ninh

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/24-7/tiec-nho-thieu-tuong-nguyen-van-man-182718.html