Tích tụ ruộng đất - từ chuyện những người 'mê ruộng' và khát vọng nền nông nghiệp hiện đại (bài 3): Trồng lúa, 'gọi' rươi và khát vọng xuất khẩu sản vật bên bờ sông La

Tích tụ ruộng đất - từ chuyện những người 'mê ruộng' và khát vọng nền nông nghiệp hiện đại (bài 3): Trồng lúa, 'gọi' rươi và khát vọng xuất khẩu sản vật bên bờ sông La

Giờ đây, khi đi qua cánh đồng lúa ở vùng Hồng Thái, thôn Quy Vượng, xã Yên Hồ (Đức Thọ - Hà Tĩnh), nhiều người không còn hình dung được quang cảnh xưa nữa. Suốt một dải dài rộng 25 ha xưa kia là vùng lò gạch bỏ hoang, giờ đã được san ủi, cải tạo để cấy lúa. Mô hình sản xuất kết hợp lúa - rươi - cáy hữu cơ đã và đang hình thành với khát vọng mở cánh cửa đưa những sản vật bên bờ sông La đến với thị trường rộng lớn.

Nhiều người làng còn nhớ, ngày ông Trần Văn Kỉnh - Trưởng thôn Quy Vượng quyết định nhận thầu lại 6 ha khu vực lò gạch bỏ hoang tại thôn Hồng Thái, ai cũng lắc đầu ái ngại, chỉ vợ ông là ủng hộ nhiệt tình. Đó là mùa hè năm 2016, vùng quê Yên Hồ nắng đỏ đồng, thế mà ông Kỉnh vẫn lăn lộn với đất, cải tạo, phục hóa để cấy lúa.

“Không ai làm thì tôi làm!” - ông Kỉnh nhiều lần nói với vợ, với chính mình câu nói ấy. Một câu nói để trấn an, để khẳng định về tình yêu của mình đối với đồng đất quê hương, về quyết tâm thay đổi tập quán sản xuất xưa nay ở làng quê ven sông La này. “Việc thầu lại vùng lò gạch bỏ hoang để tích tụ ruộng đất lúc bấy giờ của tôi bị nhiều người cho là “điên rồ”. Họ ái ngại việc tôi đầu tư tiền tỷ vào vùng đất hoang hóa ấy. Họ nghi ngại rồi tôi sẽ sớm trở thành con nợ. Thực ra, không phải họ không hiểu đất mà họ không dám làm. Cha ông nói rồi: “Tấc đất tấc vàng” và tôi nghĩ, nếu mình biết “đãi” thì sẽ tìm được “vàng”. Được vợ ủng hộ nên tôi càng tin vào quyết định của mình. Khi nhìn thấy dòng nước đầu tiên chảy vào ruộng, tôi đã thấy việc mình làm là đúng” - ông Kỉnh chia sẻ.

...........

Video: Ông Trần Văn Kỉnh chia sẻ về quá trình xây dựng mô hình “Sản xuất lúa hữu cơ, khai thác rươi, cáy tự nhiên”.

Không chỉ thầu lại 6 ha vùng đất lò gạch, ông Kỉnh còn gom thêm 7 ha ruộng bỏ hoang của các xã viên, tiếp tục đầu tư nạo vét, tạo độ sâu cho ruộng để “gọi” rươi, “gọi” cáy về. Nhìn 13 ha ruộng lúa phát triển xanh tốt, bà Bùi Thị Sửu - vợ ông không thể quên những ngày cùng chồng lăn lộn ngoài đồng.

Bà Sửu cho biết: “Làng quê tôi xưa nay sản xuất nông nghiệp, người dân vốn quen với tập quán cũ, những người không an phận thì bỏ làng mà đi, bỏ đồng đất tìm nghề khác. Cả một dải dài ven sông La này, ruộng có rươi khá nhiều nhưng vùng Yên Hồ vẫn được trời ban cho nhiều “lộc” hơn. Nghe ông nhà nói, chỉ cần hạ ruộng sâu hơn là có thể “gọi” được rươi về nhiều. Tôi tin ông ấy. Thế nên có bao nhiêu tiền của tôi dốc cho ông ấy đầu tư hết, thiếu tiền tôi cầm cố tài sản để vay ngân hàng. Hồi ấy, riêng tiền thuê máy cải tạo 13 ha ruộng đã hết hơn 1,5 tỷ đồng. Về sau, chúng tôi còn đầu tư mua máy làm đất, máy gặt đập, máy xay xát và xây dựng nhà kho để thu mua lúa. Mấy ai dám nghĩ, dám làm như ông nhà tôi”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cùng đoàn công tác đi kiểm tra mô hình sản xuất lúa, gạo hữu cơ trên ruộng rươi của ông Trần Văn Kỉnh ở xã Yên Hồ - Đức Thọ. Ảnh tư liệu

Ý tưởng hạ ruộng sâu để “gọi” rươi về thực ra đã được ông Kỉnh thực hiện trước đó. Ấy là năm 2008, khi xã bắt đầu triển khai dồn điền đổi thửa, ông Kỉnh trong vai trò là Phó Giám đốc HTX Yên Diên (Yên Hồ) đã bàn với ban giám đốc trích quỹ cải tạo lại một số diện tích ruộng vùng Hồng Thái để có thể “gọi” rươi về nhiều hơn. “Trong 136 ha ruộng của HTX Yên Diên có hơn 90 ha vùng trong đê có nhiều diện tích ruộng xấu không ai muốn nhận. Tôi đề xuất với HTX phương án, ai nhận ruộng xấu thì sẽ được chia ruộng rươi đã cải tạo ở vùng Hồng Thái (phần trăm diện tích ruộng rươi được tính tỷ lệ thuận với diện tích ruộng xấu). Có 20 hộ được nhận ruộng rươi đã cải tạo để canh tác (mỗi hộ từ 1 - 3 sào)” - ông Kỉnh kể lại.

Nhận được sự hỗ trợ lớn của mô hình về giống, phân..., các xã viên rất phấn khởi bám ruộng để chăm sóc (ảnh trái). Tham gia mô hình “Sản xuất lúa hữu cơ, khai thác rươi, cáy tự nhiên”, các xã viên sẽ được cung cấp phân bón hữu cơ (ảnh phải).

Video: Anh Bùi Xuân Hiếu nói về hiệu quả “gọi” rươi từ việc hạ ruộng và sản xuất lúa hữu cơ.

Hiện nay, bình quân mỗi sào ruộng sản xuất lúa - rươi - cáy ở Hồng Thái thu lãi khoảng 20 triệu đồng/năm. Tính ra, hiệu quả kinh tế đạt gấp 5 lần so với sản xuất lúa truyền thống. Ông Bùi Xuân Hiếu - một xã viên cho biết: “Từ sau khi được cải tạo, lượng rươi nhiều lên thấy rõ. Từ chỗ mỗi vụ chỉ thu được chừng 3 kg rươi/sào thì sau cải tạo đã tăng lên 10 lần. Năm 2020, khi thấy ông Kỉnh “làm lớn”, tôi cũng đầu tư thuê máy múc đất hạ sâu thêm diện tích ruộng của mình. Thêm vào đó, tôi thay đổi tập quán, sử dụng giống lúa mới, chất lượng, năng suất cao hơn. Chỉ với 3 sào ruộng lúa - rươi - cáy, mỗi năm, gia đình tôi có nguồn thu tầm 50 triệu đồng”.

Thấy ruộng lúa - rươi - cáy của ông Kỉnh phát huy hiệu quả, các xã viên cũng thay đổi tư duy, nhiều người bắt đầu tích tụ thêm ruộng bỏ hoang để đầu tư cải tạo. Ngoài người nhiều nhất là ông Kỉnh với 13 ha thì có người tích tụ được 3 - 4 ha, người ít cũng tích tụ được 1 - 1,5 ha. Lâu dần, cánh đồng Hồng Thái rộng 25 ha đều đã được cải tạo để khai thác tối đa “lộc trời”. Gần 19 ha ruộng vùng Yên Hòa ven bờ hữu sông La có tiềm năng về con rươi đang được người dân nghiên cứu, cải tạo để sản xuất. Hơn nữa, nhiều hộ sản xuất lúa ở các vùng không có rươi - cáy trong HTX cũng hướng đến việc sản xuất hữu cơ với giống lúa mới.

Sau thành công của việc “gọi” rươi, ông Trần Văn Kỉnh vẫn chưa thôi trăn trở làm sao để nâng cao hơn nữa chất lượng lúa và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Trong vai trò của Phó Giám đốc HTX Yên Diên và cả trong tư duy của một người nông dân hiện đại, ông đã đến tham quan nhiều vùng, tìm hiểu qua nhiều kênh thông tin để bồi đắp kiến thức, kinh nghiệm về làm ruộng rươi lúa. Tuy nhiên, để làm được điều đó cần rất nhiều yếu tố mà nếu tự mày mò, tự xoay xở thì rất khó và mất nhiều thời gian.

Ông Kỉnh cùng xã viên kiểm tra sự sinh trưởng của giống lúa ST24 - được gieo thử nghiệm trong vụ xuân năm 2021.

“Thật may là đúng lúc ấy, ông Dương Tất Thắng (lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nay là Bí thư Thành ủy Hà Tĩnh), trong một chuyến đi kiểm tra thực tế tình hình sản xuất của bà con đã nhìn thấy tiềm năng để hỗ trợ xây dựng mô hình ruộng lúa - rươi - cáy của vùng đất này. Thế rồi, năm 2020, cùng với 2 mô hình ở xã Đức Vĩnh và Bùi La Nhân, HTX Yên Diên được Bộ NN&PTNT hỗ trợ 3,8 tỷ đồng xây dựng mô hình “Sản xuất lúa hữu cơ, khai thác rươi, cáy tự nhiên” (áp dụng cho 43,8 ha ruộng vùng Hồng Thái và Yên Hòa ven sông La). Trong quá trình xây dựng mô hình, các hộ nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, ngành nông nghiệp, nhất là Văn phòng Điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh và chính quyền địa phương. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa, đây là cơ hội “vàng mười” để chúng tôi có thể nâng tầm sản phẩm của mình” - ông Kỉnh chia sẻ.

Video: Ông Trần Huy Oánh, Chánh văn phòng Điều phối NTM Hà Tĩnh nói về triển vọng của mô hình “Sản xuất lúa hữu cơ, khai thác rươi, cáy tự nhiên”.

Mô hình “Sản xuất lúa hữu cơ, khai thác rươi, cáy tự nhiên” đã mở ra hướng đi mới cho hơn 80 hộ tham gia sản xuất trên vùng 43,8 ha ruộng ven sông La. Từ đây, khu vực sản xuất này sẽ được hỗ trợ làm đường nội đồng, kênh, mương tưới tiêu. Các hộ tham gia sản xuất, trước mắt sẽ được hỗ trợ mỗi sào 25 kg phân bón, 3 kg giống, được cán bộ Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh tư vấn về cách cải tạo ruộng, phòng trừ sâu bệnh.

Không chỉ đầu tư tiền tỷ để cải tạo ruộng, ông Kỉnh còn đầu tư máy móc để cơ giới hóa sản xuất trên diện tích rộng.

Không chỉ đầu tư tiền tỷ để cải tạo ruộng, ông Kỉnh còn đầu tư máy móc để cơ giới hóa sản xuất trên diện tích rộng.

Vươn tới “địa hạt” OCOP là mong muốn bao lâu nay của ông Kỉnh và các hộ sản xuất lúa trên ruộng rươi. Chính vì thế, trong quá trình sản xuất, những hộ có diện tích lớn đã liên kết với một số doanh nghiệp để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình. Ông Bùi Anh Sơn - Chủ tịch UBND xã Yên Hồ cho biết: “Mô hình sản xuất lúa hữu cơ trên ruộng rươi đã được huyện và xã quy hoạch theo hướng hàng hóa. Hiện nay, chúng tôi đang hướng tới xây dựng sản phẩm OCOP đối với lúa, rươi và cáy. Muốn làm được như thế, cần người dân thống nhất sản xuất 1 loại giống chất lượng cao. Chúng tôi đang định hướng cho bà con sản xuất lúa ST24, ST25. Vụ xuân năm nay, đã có hơn 15 ha ruộng ở vùng Hồng Thái triển khai gieo cấy giống ST24, đến thời điểm này, lúa đã chín vàng đều, chắc hạt, dự kiến năng suất sẽ đạt khoảng 3 tạ/sào. Người dân đang rất phấn khởi, chuẩn bị cho việc gặt hái”.

Hiện nay, mặc dù sản lượng lúa hữu cơ sản xuất trên ruộng rươi, cáy chưa nhiều, chưa có thương hiệu để đứng vững trên thị trường nhưng nếu vươn tới “địa hạt” OCOP, chắc chắn sẽ nâng tầm giá trị trong các đơn vị liên kết bao tiêu sản phẩm. Anh Trần Trung Kiên - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Bảo An HT (đơn vị liên kết bao tiêu sản phẩm cho nhiều hộ sản xuất trong mô hình “Sản xuất lúa hữu cơ, khai thác rươi, cáy tự nhiên”) cho biết: “Khi sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, thương hiệu gạo La Giang của chúng tôi cũng sẽ được nâng tầm trên thị trường. Tôi hy vọng, hiệu quả kinh tế của lúa hữu cơ sẽ tạo nên “cú hích” giúp người dân thay đổi tư duy, chuyển hướng sản xuất hữu cơ theo một giống thống nhất trên những vùng sản xuất khác nữa, có như thế mới tạo nên vùng hàng hóa tập trung, tạo sự ổn định về nguồn cung cho sản phẩm gạo La Giang. Nếu được, tôi vẫn muốn đưa hạt gạo quê hương đi xa hơn nữa, vượt ra ngoài biên giới đất nước, cạnh tranh với gạo của các nước khác”.

Được biết, ngoài gạo rươi, doanh nghiệp này còn hướng đến sản xuất ruốc cáy và mắm rươi theo cách làm truyền thống để hướng tới xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.

Lúa ruộng rươi, ruốc cáy, mắm rươi… đã bắt đầu bước vào cuộc hành trình xây dựng sản phẩm OCOP với khát vọng đưa sản phẩm vươn tầm xuất khẩu. Hành trình mới sẽ còn nhiều thử thách, đòi hỏi những người nông dân thời đại mới tiếp tục bắt nhịp xu thế sản xuất, tích tụ, tập trung ruộng đất, xây dựng mối hợp tác và liên kết chặt chẽ để hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững trên những vùng quê lúa.

Video: Ông Trần Văn Kỉnh nói về dự định của mình trong chế biến nông sản, tiến tới xây dựng sản phẩm OCOOP.

Nhóm PV CTXH

thiết kế: huy tùng

(còn nữa)

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/nong-nghiep/tich-tu-ruong-dat-tu-chuyen-nhung-nguoi-me-ruong-va-khat-vong-nen-nong-nghiep-hien-dai-bai-3-trong-lua-goi-ruoi-va-khat-vong-xuat-khau-san-vat-ben-bo-song-la/212011.htm