Tích tụ ruộng đất phục vụ phát triển kinh tế nông thôn

Thái Bình cần chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, gắn với thực hiện tích tụ ruộng đất, đảm bảo cho phát triển sản xuất hàng hóa lớn.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại hội nghị.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại hội nghị.

Ngày 12/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cùng đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình về góp ý xây dựng Dự thảo văn kiện trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Bình đánh giá tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm và cầu thị của Tỉnh ủy trong xây dựng văn kiện; đánh giá cao những chỉ tiêu phát triển Thái Bình đạt được trong nhiệm kỳ qua, nhất là kết quả xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Văn Bình nêu vấn đề Thái Bình có thể trở thành một tỉnh nông nghiệp hiện đại hay một tỉnh công - nông nghiệp hiện đại?

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Thái Bình có truyền thống tăng năng suất, là địa phương được Trung ương cho thí điểm nhiều chủ trương, chính sách, nhất là trong nông nghiệp, để tổng kết, nhân rộng ra cả nước (như thí điểm “cánh đồng mẫu lớn”, tích tụ, tập trung ruộng đất…); tỉnh Thái Bình đã hoàn thành mục tiêu nông thôn mới.

Trong giai đoạn mới, phát triển “tam nông” của tỉnh Thái Bình cần chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, gắn với thực hiện tích tụ ruộng đất, đảm bảo cho phát triển sản xuất hàng hóa lớn; phục vụ phát triển công nghiệp và dịch vụ đi kèm.

Về định hướng phát triển công nghiệp, xây dựng, ông Nguyễn Văn Bình cho biết định hướng của nước ta trong 10 năm tới là đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa. Tỉnh Thái Bình nằm trong tứ giác phát triển (Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Thanh Hóa), vì vậy Thái Bình phải xác định rõ hướng phát triển các ngành công nghiệp chủ đạo, sao cho phù hợp và trở thành thế mạnh trong mối quan hệ tứ giác này.

Tập trung phát triển một số ngành Thái Bình có lợi thế như chế biến nông sản, khai thác khí, nước khoáng. Thúc đẩy hình thành các chuỗi công nghiệp gắn với nông nghiệp; quy hoạch các cụm, khu công nghiệp tập trung để đón đầu các làn sóng đầu tư lớn trong tương lai; phát huy tối đa, hiệu quả nguồn nhân lực của tỉnh...

Về động lực tăng trưởng của Thái Bình, theo ông Nguyễn Văn Bình, hiện Thái Bình đang ở nhóm phát triển thấp trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Bên cạnh những thuận lợi đã có, Thái Bình phải nghiên cứu tìm ra những động lực mới để giúp Thái Bình có thêm dư địa để đẩy mạnh phát triển kinh tế trong thời gian tới. Ví dụ, nghiên cứu khả năng lấy kinh tế biển và vùng ven biển là một động lực mới, tạo thế tiến ra biển để mở rộng không gian phát triển của tỉnh.

Trong định hướng phát triển, cần coi trọng phát triển yếu tố con người. Đầu tư phát triển công tác giáo dục, đào tạo, nhất là giáo dục phổ thông và đào tạo nghề; coi trọng gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống, nhất là tinh thần yêu nước, hiếu học cho học sinh, sinh viên và thanh niên.

Về phát triển giao thông, để phát triển kinh tế thuận lợi về mặt logistic, giao thương hàng hóa, nhất là kết nối giao thông phá vỡ tính biệt lập, tỉnh Thái Bình cần tập trung hai hướng kết nối với các tỉnh, kết nối với khu vực đồng bằng sông Hồng, duyên hải bắc bộ, kết nối giao thông đường sông.

Về công tác xây dựng Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Nhiệm vụ trọng tâm tới đây là xây dựng sự đoàn kết trong hệ thống chính trị, đảm bảo tập trung dân chủ, chuẩn bị tốt mọi mặt cho Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025. Bên cạnh hoàn thiện các văn kiện, cần đặc biệt coi trọng công tác nhân sự.

Duy Hưng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tich-tu-ruong-dat-phuc-vu-phat-trien-kinh-te-nong-thon-504150.html