Tịch thu hơn 10.000 tuýp kem nám Melacare nhập khẩu trái phép

Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) vừa phối hợp với các đơn vị chức năng tịch thu khoảng 10.000 tuýp kem nám Melacare của Ấn Độ nhập khẩu trái phép về sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội).

Cụ thể, ngày 11/3/2021, tại một kho hàng ở khu vực sân bay quốc tế Nội Bài, Đội 1 (Cục Điều tra chống buôn lậu) chủ trì, phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài (Cục Hải quan Hà Nội); Phòng An ninh kinh tế - PA04 (Công an TP. Hà Nội) thực hiện khám xét thực tế lô hàng nghi vấn.

Kết quả khám xét cho thấy, hàng hóa vi phạm, thuộc vận đơn chủ số 6072…và vận đơn thứ cấp số 2021…được vận chuyển trên chuyển bay mang số hiệu EY0971 của Hãng hàng không Etihad Airways đến Sân bay Quốc tế Nội Bài ngày 20/1/2021.

Người nhận hàng trên vận đơn chủ là HOANG HA FORWARDING TRADING LIMITED COMPANY NO. 25; NO. 15 ADJACENT BLOCK, VAN PHU URBAN AREA, PHU LA WARD, HA DONG DISTRICT, HANOI CITY, VIETNAM. Theo đại diện Đội 1, kết quả khám thực tế hàng hóa là mặt hàng kem nám Melacare của Ấn Độ, với số lượng khoảng 10.000 tuýp kem.

Để được nhập khẩu mặt hàng này là hàng hóa nhập khẩu có điều kiện, phải được cấp phép của Bộ Y tế. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, người nhận hàng trên vận đơn không xuất hiện, và lô hàng cũng không có các giấy phép theo quy định. Vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục xác minh, làm rõ để xử lý theo quy định.

Lô kem nám Melacare nhập khẩu trái phép bị phát hiện. Ảnh: BCĐ 389 Quốc gia

Lô kem nám Melacare nhập khẩu trái phép bị phát hiện. Ảnh: BCĐ 389 Quốc gia

Liên quan tới tác hại khi sử dụng mỹ phẩm nhập lậu, các bác sĩ tại Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, để có giá thành rẻ hơn nhiều so với hàng thật, tác dụng nhanh, dễ lừa người dùng, các cơ sở sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm giả đã đưa vào những thành phần độc hại, bị cấm như corticoid, parabens, formaldehyde, propylen glycol, chì, thủy ngân, kẽm, cyanua.

Hậu quả, nhiều người sau khi sử dụng đã bị dị ứng, thậm chí đáng lẽ chữa sạm da, trẻ hóa da thì lại càng bị sạm nặng hơn. Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân, trong đó nhiều bệnh lý do dùng mỹ phẩm giả. Điểm chung của các trường hợp sử dụng mỹ phẩm giả thường là mắc các triệu chứng viêm da tiếp xúc cấp tính, có dị ứng hoặc kích ứng. Việc điều trị, khắc dị ứng thường mất thời gian dài và tốn kém tiền bạc, chưa kể nếu không may bị nặng sẽ để lại hậu quả trên da suốt đời, thậm chí tử vong do nhiễm độc chì.

Hơn nữa, trong những sản phẩm làm giả, sản phẩm chất lượng kém thường có các loại hoạt chất, hóa chất gây ra dị ứng, hóa chất chấm sẽ làm tổn thương da, khiến nổi mẩn đỏ, ngứa, thậm chí mưng mủ. Nếu sử dụng mỹ phẩm giả lâu dài, hậu quả nặng nề hơn khiến da bị ngộ độc do mỹ phẩm có chứa kim loại nặng hoặc thủy ngân. Có nhiều trường hợp người dùng phải nhập viện, để lại di chứng về sau hoặc điều trị không hết.

Mỹ phẩm giả thường không có những chất bảo vệ da hoặc thành phần không được nghiên cứu kỹ càng dễ dẫn đến việc chúng phản ứng với nhau gây kích ứng da. Mỹ phẩm giả cũng không qua khâu kiểm nghiệm nào vì thế chẳng ai đảm bảo chắc chắn nó an toàn cho làn da của người dùng.

Rõ ràng, theo các bác sĩ, việc làm đẹp là nhu cầu cần thiết và biết làm đẹp một cách thông minh cũng không phải là điều khó khăn. Để tránh mua nhầm mỹ phẩm giả, kém chất lượng, người tiêu dùng nên đến những địa điểm bán uy tín, tránh những hậu quả đáng tiếc, không vì ham rẻ mà "tiền mất, tật mang".

Bảo Linh

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/tich-thu-10000-tuyp-kem-nam-melacare-nhap-khau-trai-phep-d184623.html