Tịch thu 3.240 chiếc đồng hồ nhái các thương hiệu nổi tiếng thế giới

Cục quản lý thị trường (QLTT) Khánh Hòa vừa thu giữ số lượng lớn đồng hồ bị nghi làm giả, nhái danh hiệu nổi tiếng như: Rolex, Hublot, Tag Heuer, Patek Philippe, Vacheron Constantin, Omega, Rado, Longines, Tisso…

Cán bộ quản lý thị trường kiểm tra hàng vi phạm. Ảnh: Nguồn BCĐ 389 Quốc gia

Cán bộ quản lý thị trường kiểm tra hàng vi phạm. Ảnh: Nguồn BCĐ 389 Quốc gia

Thực hiện chỉ đạo khẩn của Tổng cục QLTT, Cục QLTT Khánh Hòa đã ra quân kiểm tra đột xuất 5 cửa hàng bán đồng hồ lớn ở TP Nha Trang (Khánh Hòa). Trong hai ngày kiểm tra (ngày 15 - 16/3), cơ quan chức năng đã tịch thu 3.240 chiếc đồng hồ nhái các thương hiệu nổi tiếng thế giới nêu trên. Tại thời điểm kiểm tra, các chủ cửa hàng đều không xuất trình được các loại giấy tờ và chứng minh được nguồn gốc xuất xứ.

Tình trạng hàng nhái, hàng giả luôn là vấn đề nhức nhối trong xã hội từ nhiều năm nay. Không chỉ hoạt động ở TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nhiều mặt hàng túi xách, quần áo, mỹ phẩm hay phân bón giả... còn ngang nhiên được bày bán ở nhiều tỉnh, thành.

Ông Lê Quốc Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết: Phân bón là một trong những mặt hàng bị làm giả, nhái nhãn hiệu, vi phạm quyền SHTT nhiều nhất trên thị trường. “Doanh nghiệp cần tự bảo vệ mình bằng cách quản lý đến từng đại lý, từng bao phân bón… bán ra thị trường để loại bỏ các loại phân bón giả, kém chất lượng. Bên cạnh đó, Nhà nước cần ban hành các chế tài trong xử lý hàng giả, vi phạm quyền SHTT, vì mức xử phạt hiện không đủ sức răn đe”, ông Phong nói.

Từ năm 2016 - 2018, các Trạm giao dịch ngoài Công ty cổ phần Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao (đặc biệt là vùng Sơn La, Bắc Giang, Lạng Sơn và Hải Dương) đã phát hiện nhiều trường hợp làm nhái hoặc giả mẫu mã các sản phẩm phân bón của Lâm Thao, bày bán trà trộn với các sản phẩm “thật” của Lâm Thao, nhưng với giá thấp hơn từ 100 – 200 đồng/kg để đánh lừa người dân.
Theo Công ty Supe phố phát và hóa chất Lâm Thao, mặc dù hàng tuần, Công ty vẫn liên tục tổ chức các lớp tập huấn “Hướng dẫn sử dụng phân bón Lâm Thao” tại các địa phương, nhưng vẫn không ít vụ phân bón giả, nhái và kém chất lượng khác bị phát hiện và bà con vẫn phải hàng ngày chịu cảnh “tiền mất, tật mang”.

Nhiều chuyên gia thương mại đề xuất: Biện pháp hình sự là cách xử lý mạnh nhất, nghiêm khắc nhất đối với các hành vi phạm tội, được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi cố ý thực hiện các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, xâm phạm sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại, các biện pháp xử lý có thể áp dụng là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm, phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dự báo sẽ còn phức tạp. Đại diện cơ quan QLTT nhiều địa phương đều khẳng định, sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa; rà soát, phát hiện những bất cập trong cơ chế chính sách để kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành xem xét, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

"Để góp phần loại trừ hàng giả, vi phạm quyền SHTT, nhà sản xuất cần hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc khai báo sản phẩm bị xâm hại kiểu dáng, bản quyền; người tiêu dùng cần “nói không” với các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng giả mạo", ông Nguyễn Văn Bách, Quyền Cục trưởng Cục QLTT TP Hồ Chí Minh nói.

Minh Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/chong-buon-lau-hang-gia/tich-thu-3240-chiec-dong-ho-nhai-cac-thuong-hieu-noi-tieng-the-gioi-20190317171411594.htm