Tích hợp tên lửa Israel lên tiêm kích Nga, Trung Quốc một công đôi ba việc

Mới đây Trung Quốc đã tích hợp thành công tên lửa không đối không PL-12 và PL-9 cho tiêm kích Su-30MK2, chứng minh có thể trang bị vũ khí khác hệ lên máy bay Nga.

Sự thành công của Trung Quốc trong việc "bẻ khóa" phần mềm điều khiển vũ khí trên tiêm kích Nga bán ra nước ngoài được xem như một thành công lớn của họ.

Bên cạnh đó, việc làm này đã mở ra hướng đi mới cho các quốc gia khác cũng đang sử dụng chiến đấu cơ Nga.

Cần lưu ý rằng một số loại tên lửa không đối không họ “PL” của Trung Quốc, đặc biệt là các loại sử dụng hệ dẫn đường hồng ngoại có gốc từ đạn Python 3 do Israel chuyển giao công nghệ sản xuất tại chỗ.

Do vậy trước tiền lệ vừa được Trung Quốc tạo ra, một số nước đang biên chế chiến đấu cơ Nga đồng thời có cả tên lửa Israel trong trang bị nhưng không đủ khả năng tự sửa đổi mã nguồn của máy bay hoàn toàn có thể nhờ tới sự trợ giúp của Tel Aviv.

Sự hợp tác với Israel dự báo sẽ mang lại lợi ích rất lớn khi có thể bổ sung vào kho vũ khí của tiêm kích mình những loại đạn không chiến uy lực hơn.

Ở Việt Nam cũng từng có ý tưởng cho rằng chúng ta nên tích hợp cho tiêm kích Su-30MK2 các loại tên lửa Python 5 và Derby đang sử dụng trong tổ hợp phòng không SPYDER để làm phong phú hơn kho vũ khí.

Tên lửa Python 5 và Derby đang sử dụng cho tổ hợp phòng không SPYDER để phóng đi từ mặt đất không có gì khác biệt đáng kể so với đạn sử dụng trên máy bay.

Hai loại đạn tên lửa không đối không trên của Israel đều có chế độ "khóa mục tiêu sau khi phóng" (Lock on After Launch - LOAL) cực kỳ tiên tiến.

Đặc biệt hơn, tên lửa Python 5 nhờ thuật toán dẫn đường đặc biệt còn có thể tiêu diệt mục tiêu từ bán cầu sau mà không yêu cầu máy bay xoay mũi lại.

Nếu được trang bị tên lửa Python 5, năng lực không chiến trong tầm nhìn của Su-30MK2 theo đánh giá sẽ tăng vọt so với hiện nay, thậm chí ngang ngửa Su-35S lắp động cơ kiểm soát vector lực đẩy 3 chiều (3D TVC) AL-41F1S.

Mặc dù ưu điểm của phương án trên có thể thấy rất rõ nhưng trước kia từng xuất hiện không ít nghi ngại thậm chí phản đối từ chính người Nga.

Họ cho rằng giải pháp này sẽ bất khả thi về mặt kỹ thuật, điều này cũng dễ hiểu do Moskva không dễ dàng đồng ý để nước ngoài tích hợp vũ khí ngoại lai lên tiêm kích của mình.

Nhưng nay với tiền lệ do Trung Quốc vừa tạo ra, nhiều nước cũng nên nghĩ tới việc trang bị cho máy bay Su-30MK2 của mình hai loại tên lửa không chiến cực kỳ tối tân do Israel sản xuất.

Ngoài việc làm phong phú thêm kho vũ khí trang bị, nếu tiêm kích Su-30MK2 (và cả Su-27SK/UBK) mang được tên lửa Python 5 cùng Derby thì khách hàng còn tránh phải phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga.

Đối với Việt Nam, rất có thể trong tương lai chúng ta sẽ được cấp giấy phép sản xuất hai loại tên lửa này tại chỗ (tương tự như Trung Quốc trong quá khứ với tên lửa Python 3).

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-tich-hop-ten-lua-israel-len-tiem-kich-nga-trung-quoc-mot-cong-doi-ba-viec/780644.antd