Tích cực xuống đồng sản xuất vụ Xuân

Những ngày qua, công tác lấy nước cho sản xuất vụ Xuân năm 2018 tiếp tục được các địa phương trên địa bàn Hà Nội tập trung cao độ. Cùng với đổ ải, làm đất, bà con nông dân cũng theo dõi sát sao diễn biến thời tiết, tích cực xuống đồng ngả mạ, gieo cấy.

Bà con nông dân xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh xuống đồng làm đất, gieo mạ sản xuất vụ Xuân năm 2018. Ảnh: Trọng Tùng

Sẵn sàng phương án bổ sung nguồn nước

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, sau hai đợt lấy nước, diện tích gieo cấy vụ Xuân của TP đã có nước mới đạt khoảng 60% kế hoạch. Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Nguyễn Vĩnh Liên, nguyên nhân là bởi lượng nước xả từ các hồ chứa thủy điện trong hai đợt lấy nước vừa qua có nhiều thời điểm không đạt mức +2,2m. Điều này khiến việc vận hành các công trình thủy lợi dọc các tuyến sông Hồng, sông Nhuệ, sông Tích, sông Đáy… gặp rất nhiều khó khăn.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Trần Thanh Nhã thông tin, hiện có 3 địa phương gặp khó khăn về nguồn nước hơn cả là: Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai. Dù vậy, TP cũng đã sẵn sàng phương án bổ sung nguồn nước trong tình huống nguồn cấp từ các hồ chứa thủy điện không như mong muốn.

Theo đó, bên cạnh lắp đặt các trạm bơm dã chiến để lấy nước từ hệ thống kênh tiêu, các địa phương sẽ lấy nguồn tiếp bổ sung từ 13 hồ chứa thủy lợi. Với dung tích hiện tại khoảng 120 triệu mét khối, các hồ chứa thủy lợi có thể bảo đảm cấp nước đầy đủ cho các địa phương.
Cũng với phương án trên, trong những ngày qua, 5 DN thủy lợi của Hà Nội được chỉ đạo tập trung bơm nước, cấp nước theo thứ tự ưu tiên: Cao - xa lấy trước, thấp - gần lấy sau. Các địa phương cũng đang tích cực vận động bà con nông dân tranh thủ tối đa việc lấy nước, thực hiện đưa nước đến đâu, làm đất, giữ nước tới đó. Đồng thời, tăng cường gia cố bờ vùng, bờ thửa, chống thất thoát nguồn nước.
Tập trung gieo cấy khi thời tiết ấm
Những ngày vừa qua, thời tiết tại Hà Nội vẫn còn giá rét. Đây là yếu tố bất lợi đối với sản xuất vụ Xuân. Dù vậy, để bảo đảm khung thời vụ, bà con nông dân nhiều địa phương cũng đã tích cực xuống đồng làm đất, đổ ải, ngả mạ. Đến nay, tổng diện tích đã làm đất của 23 địa phương có gieo cấy vụ Xuân đã đạt gần 50%, diện tích gieo cấy đạt trên 7.500ha trong đó, các huyện Ba Vì, Ứng Hòa và thị xã Sơn Tây hiện dẫn đầu về diện tích đã cấy…
Theo kế hoạch sản xuất vụ Xuân năm 2018, Hà Nội sẽ gieo cấy khoảng 97.870ha, với khung thời vụ kéo dài tới ngày 26/2. Tuy nhiên, do rét đậm, rét hại kéo dài nên thời gian qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chỉ đạo tạm ngừng gieo cấy.

Phó Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Diệu Thúy cho biết, với dự báo thời tiết từ nay tới Tết nguyên đán Mậu Tuất năm 2018, nhiệt độ trung bình vẫn thấp dưới 150C, việc gieo cấy nhiều khả năng sẽ phải lùi ra sau Tết. Tuy nhiên, theo bà Thúy, tốc độ gieo cấy của Hà Nội khá nhanh. Khi thời tiết ấm lên, bà con nông dân chỉ tập trung cấy trong 1 - 2 tuần là sẽ hoàn thành toàn bộ diện tích lúa vụ Xuân.
Trước tình trạng một số vùng sản xuất nông nghiệp của Hà Nội thường xuyên gặp khó khăn về nguồn nước, ảnh hưởng tới tiến độ gieo cấy vụ Xuân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Tỉnh đề nghị UBND TP cần có phương án chuyển đổi cơ cấu sản xuất về lâu dài nhằm giảm tải áp lực cấp nước.

Trước mắt, trong đợt lấy nước thứ 3 bắt đầu từ ngày hôm nay (9/2), Hà Nội cần huy động mọi nguồn lực để lấy nước. Vận động, hướng dẫn người dân thực hiện bừa vỡ mặt ruộng để tăng độ keo đất, bảo đảm cấp đủ nước cho diện tích gieo cấy sau Tết nguyên đán.

Trọng Tùng

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tich-cuc-xuong-dong-san-xuat-vu-xuan-309709.html