Tích cực xử lý nợ chưa đủ để giải bài toán nợ xấu tiềm ẩn

'Chúng ta phải rất lưu ý ở đây là tăng trưởng tín dụng rất mạnh trong 5 năm vừa qua có khả năng sẽ gây hậu quả trong thời gian sắp tới. Nợ xấu trong giai đoạn 2011 - 2012 đã được giải quyết 'hòm hòm' tại một số ngân hàng, nhưng còn phần phát sinh từ tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn 2012 đến giờ thì sao?', ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam đặt vấn đề.

Tính chung từ 2013 đến 2018, VAMC cùng với các ngân hàng thương mại đã xử lý khoảng 231 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Tính chung từ 2013 đến 2018, VAMC cùng với các ngân hàng thương mại đã xử lý khoảng 231 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Sôi động rao bán nợ tại các ngân hàng

Thông tin liên quan đến mua bán nợ, thu giữ và phát mại tài sản đảm bảo (TSĐB) trong vài năm trở lại đây luôn được các nhân hàng thương mại cổ phần cập nhật liên tục trên website của mình. Việc các lô đất được công khai đấu giá hay các bất động sản và khoản nợ được phát mại đã không còn xa lạ trong một động thái tích cực của các ngân hàng nhằm xử lý các khoản nợ xấu khổng lồ phát sinh trong trong giai đoạn trước.

Sacombank là một ví dụ. Trong 2 năm gần đây, ngân hàng này đang ráo riết xử lý các khối nợ xấu có giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng vướng tại nhiều dự án động sản khu đô thị và khu công nghiệp quy mô lớn.

Trên website của mình, ngân hàng này đang giao bán 37 quyền sử dụng đất diện tích 7,2 ha thuộc dự án KDC - DV Phuớc Yên tại tỉnh Vĩnh Long với giá 343,4 tỷ đồng cùng nhiều bất động sản có giá trị khác tại TP. HCM, Hà Nội và các tỉnh thành khác.

Một khoản nợ xấu khác của Sacombank lên tới 2.400 tỷ đồng phát sinh từ dự án Diamond City của Tập đoàn Hoàn Cầu, sau khi bán lại cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã được mua lại bởi Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Xuân Mai Sài Gòn. Dự án này sau đó đã được hồi sinh dưới tên gọi mới là Eco Green Sài Gòn, giúp Sacombank thoát khỏi hàng nghìn tỷ đồng nợ xấu tồn đọng.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của Sacombank cũng giảm mạnh từ 6,7% năm 2016, xuống 4,59% năm 2017 và 2,11% trong năm 2018. Năm 2018, ngân hàng này thu hồi và xử lý các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng/ nợ đã bán chho VAMC với tổng thu hồi/xử lý đạt gần 12.500 tỷ đồng.

Tại các ngân hàng khác như Agribank và Vietcombank, nhiều tài sản thế chấp được đăng tải liên tục trên website của ngân hàng này để bán đấu giá.

Agribank hiện đang rao bán tài sản bảo đảm của Dự án nhà máy sản xuất cồn ở Lâm Đồng với giá khởi điểm là 319,2 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm cho khoản vay của Tập đoàn Thiên Thanh, gồm quyền sử dụng 29.755,1 m2 đất tại tỉnh Bình Dương hiện cũng đang được ngân hàng này mang ra đấu giá.

Vietcombank đang phát mại quyền sử dụng đất tại nhiều tỉnh thành trên cả nước và mua bán nợ của nhiều công ty như Công ty CP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (Vitranschart) và Công ty CP Thép Thuận Phát.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, năm 2018 là năm VAMC và bản thân các ngân hàng nội đã có những bước tiến đáng kể trong công cuộc xử lý nợ xấu. Mặc dù vậy, lượng nợ xấu còn tồn trong ngân hàng vẫn rất lớn.

Theo ông Quản Trọng Thành, Trưởng phòng Nghiên cứu Phân tích - Khách Hàng Tổ Chức của công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, trong giai đoạn năm 2017 - 2018, việc xử lý nợ xấu nằm ở VAMC có tiến triển đáng kể từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 có hiệu lực. Kết quả thu hồi nợ của VAMC trong năm 2017 và 2018 khá cao, đạt 68.103 tỷ đồng, bằng gần 50% tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế từ năm 2013 đến nay.

Tính chung từ 2013 đến 2018, VAMC cùng với các ngân hàng thương mại đã xử lý khoảng 231 nghìn tỷ đồng nợ xấu (tương đương 69% số nợ xấu được chuyển qua VAMC) thông qua hình thức trích lập dự phòng (biện pháp chủ đạo), thu hồi nợ (thu hồi nợ gốc hoặc bán tài sản đảm bảo), và tái cơ cấu nợ.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tại thời điểm quí IV năm 2018, tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ của toàn hệ thống đã giảm xuống còn 1,.91% từ 2,13% trong quí IV.

Trong năm 2018, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được 149,22 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 1,89%, giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016 và mức 1,99% cuối năm 2017.

Nợ xấu vẫn đáng ngại

Theo nhận xét của ông Thành, sang đến quí I năm 2019, tình hình nợ xấu không có đột biến và việc xử lý nợ xấu khá trầm lắng.

“Nợ xấu tại các ngân hàng không có thay đổi đáng kể trong quý I/2019. Tổng số nợ xấu của 12 ngân hàng niêm yết lớn nhất tăng nhẹ 6% lên khoảng 70.280 tỷ đồng, tương đương 1,71% tổng cho vay khách hàng. Lượng trái phiếu VAMC ròng tại nhóm 12 ngân hàng này cũng giảm nhẹ còn 61.850 tỷ đồng (~1,5% tổng cho vay khách hàng) do một số ngân hàng (vẫn còn trái phiếu VAMC) tăng nhẹ trích lập dự phòng, như: BID, CTG, và VPB”, ông Thành chia sẻ.

Thêm vào đó, việc mua bán nợ xấu theo giá thị trường chưa được như kỳ vọng (chỉ đạt giá trị khoảng 3.000 tỷ đồng) do VAMC thiếu vốn. Vốn điều lệ hiện nay của VAMC mới chỉ có 2.000 tỷ đồng, và đang hy vọng được tăng lên 5.000 tỷ đồng trong năm 2019 theo lộ trình tại Đề án 1058, ông Thành nói.

Tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch ngày 9/5 đã nâng triển vọng cho Việt Nam từ ‘Ổn định’ lên ‘Tích cực’ đồng thời khẳng định xếp hạng tín nhiệm phát hành nợ ngoại tệ của quốc gia ở mức BB.

Fitch tuy nhiên cũng lưu ý những điểm yếu về cấu trúc trong lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam có thể ảnh hưởng đến xếp hạng tín nhiệm quốc gia, bao gồm các khoản nợ xấu trong hệ thống ngân hàng chưa được báo cáo và chất lượng tài sản của hệ thống có thể sẽ yếu hơn trong thực tế.

Còn theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, dù Việt Nam đã từng bước giảm tỷ lệ nợ xấu nhưng đây vẫn là một vấn đề đáng ngại trong hệ thống ngân hàng.

“Chúng ta phải rất lưu ý ở đây là tăng trưởng tín dụng rất mạnh trong 5 năm vừa qua có khả năng sẽ gây hậu quả trong thời gian sắp tới. Nợ xấu trong giai đoạn 2011 - 2012 đã được giải quyết ‘hòm hòm’ tại một số ngân hàng, còn phần phát sinh từ tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn 2012 đến giờ thì sao? Dấu hỏi đặt ra là khi tăng trưởng tín dụng nhanh (trên 20% như các năm trước đây) có để lại hậu quả (nợ xấu) trong các năm tới hay không?”, ông Hải nhấn mạnh.

Cần phát triển thị trường mua bán nợ

Để việc xử lý nợ xấu đạt hiệu quả cả về chất và lượng, ông Thành nêu quan điểm, các vướng mắc trong quá trình triển khai xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 cần có sự vào cuộc của các bộ, ngành liên quan như Bộ Tài chính và Bộ Tài Nguyên Môi trường.

Ví dụ việc giải quyết tranh chấp theo thủ tục rút gọn hiện còn rất hạn chế, thứ tự ưu tiên xử lý trong vụ việc có nhiều tài sản thi hành án được hiểu và áp dụng khác nhau. Trong chuyển nhượng dự án bất động sản cũng gặp vướng mắc.

Trên nguyên tắc người cho vay có quyền xử lý TSĐB khi người đi vay không trả được nợ, nhưng việc bán nợ xấu dưới giá thị trường vẫn gặp phản ứng của người đi vay. Điều này buộc các bên liên quan phải đem nhau ra tòa, nhưng thời gian xử lý tại tòa là bất định. Mặc dù Nghị quyết 42 đã có quy định rút gọn xử lý nợ xấu, nhưng thực tế vẫn khó xử lý.

“Chúng ta hiện vẫn chưa có khung pháp lý cho thị trường mua bán nợ. Được biết, vụ Tài chính - Ngân hàng (Bộ Tài chính) được giao chủ trì dự thảo Nghị định của Chính phủ về hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, tiến độ thực hiện trong 2 năm 2018 - 2019. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có Dự thảo Nghị định này”, ông Thành nói.

“Hơn nữa, để cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường mua bán nợ (trong đó liên quan đến tài sản đảm bảo là bất động sản) thì sẽ còn cần điều chỉnh một số luật liên quan đến sở hữu nước ngoài. Để thực sự làm được điều này cần lập một cơ quan có đủ quyền lực để phối hợp các bộ liên quan xây dựng một hành lang pháp lý hoàn chỉnh”.

Trang Nguyễn

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/tich-cuc-xu-ly-no-chua-du-de-giai-bai-toan-no-xau-tiem-an-1557978188797.htm