Tích cực tìm nguồn hỗ trợ doanh nghiệp

Ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam có bước phát triển ấn tượng, khi doanh nghiệp (DN) mạnh dạn đầu tư công nghệ để đáp ứng nhu cầu các chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội DN Cơ khí - Điện TP. Hồ Chí Minh (HAMEE), kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội DN CNHT Việt Nam - đã trả lời phỏng vấn Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.

Ông đánh giá như thế nào về sự phát triển ngành CNHT thời gian qua và cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm CNHT?

Hiện nay, DN sản xuất linh kiện CNHT Việt Nam có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như: Khuôn mẫu các loại, linh kiện cơ khí, dây cáp điện, linh kiện nhựa, cao su kỹ thuật... Thêm vào đó, nhu cầu của thị trường CNHT rất lớn nên nhiều DN đã mạnh dạn đầu tư, mua công nghệ từ DN nước ngoài để nâng cao năng lực sản xuất, chú trọng phát triển các dòng sản phẩm chất lượng, phục vụ DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hướng vào xuất khẩu.

Đối với xuất khẩu, chúng tôi kỳ vọng rất lớn vì các nước công nghiệp phát triển cần tìm kiếm sản phẩm chất lượng với giá hợp lý. Dựa trên lợi thế các sản phẩm CNHT sản xuất tại Việt Nam với giá cả cạnh tranh, chất lượng, quản trị DN tốt... sẽ là cơ hội lớn để tham gia xuất khẩu với khả năng cạnh tranh cao.

Để đáp ứng yêu cầu của đối tác, đến nay, nhiều DN CNHT trong nước đã nâng cao năng lực sản xuất, tiếp cận công nghệ mới, nâng cao trình độ quản trị, năng lực cạnh tranh, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Các DN nước ngoài cũng đang trong quá trình rà soát các DN CNHT Việt Nam đáp ứng được những tiêu chí, tiêu chuẩn để tập đoàn nước ngoài chọn làm nhà cung cấp nhằm gia tăng tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm CNHT.

Theo ông, chính sách hỗ trợ cho ngành CNHT hiện nay đã phù hợp và đủ để thúc đẩy DN phát triển chưa?

Dù DN CNHT chủ động tham gia chuỗi cung ứng, nhưng thực tế, để phát triển CNHT trong dài hạn, DN cần chính sách ổn định, xuyên suốt để có điều kiện chủ động căn chỉnh chiến lược phát triển bền vững. Trong nhiều năm qua, với sự quan tâm và đẩy mạnh hỗ trợ về cơ chế, chính sách, các DN CNHT Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định. DN CNHT Việt Nam được tạo điều kiện áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý chất lượng hiện đại; nâng cao chất lượng sản phẩm, độ tin cậy và từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu nhất là trong việc tạo sự gắn kết với DN có vốn FDI.

Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy phát triển CNHT gắn với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên, các DN vẫn cần môi trường kinh doanh thông thoáng hơn nữa, chính sách tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn để DN có thể mạnh tay đầu tư mở rộng sản xuất; hỗ trợ hiệu quả cho DN CNHT nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển giao ứng dụng đổi mới công nghệ trong sản xuất, chế tạo linh kiện, nguyên vật liệu...

Hiệp hội đã có những hoạt động cụ thể nào để hỗ trợ cho DN CNHT, thưa ông?

Ngoài chính sách phát triển vĩ mô chung, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến các hoạt động mở rộng hợp tác với những tổ chức xúc tiến thương mại như TAITRA, KOTRA, MATRADE... để tìm kiếm cơ hội giao thương, thị trường cho DN. Cùng đó, đưa DN tham gia triển lãm nước ngoài theo nhu cầu về ngành như điện tử, cao su nhựa và cơ khí chế tạo; thực hiện chương trình hợp tác với các trường, viện như: Đại học Bách Khoa, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Công nghiệp... để thực hiện các chương trình đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho DN bài bản, có hệ thống; tạo cơ hội tiếp cận việc làm của sinh viên và nhu cầu tuyển dụng của DN CNHT...

Đặc biệt, trong năm 2020, chúng tôi sẽ liên kết hợp tác với các tổ chức phi Chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận như JETRO, JICA, USAID... để tìm kiếm các nguồn ngân sách hỗ trợ thêm cho DN tái cơ cấu, đầu tư nâng cao năng lực sản xuất với mục tiêu quan trọng là giúp DN tham gia cung ứng được trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

Xin cảm ơn ông!

Ngọc Thảo (thực hiện)

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tich-cuc-tim-nguon-ho-tro-doanh-nghiep-132728.html