Tích cực phòng, chống dịch bệnh trong quân đội

Hiện nay, tình hình một số dịch bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp, nhất là dịch sốt xuất huyết (SXH) Dengue đang bùng phát mạnh ở nhiều địa phương. Theo dõi sát, dự báo đúng, ngành quân y đã triển khai đồng bộ những giải pháp phòng, chống dịch lây lan vào các đơn vị quân đội cũng như phối hợp chặt chẽ với ngành y tế địa phương giúp nhân dân phòng, chống dịch hiệu quả.

Ngăn chặn dịch sốt xuất huyết vào các đơn vị

Trong quân đội, từ đầu năm 2019 đến nay, có hơn 600 ca mắc SXH điều trị tại bệnh viện, bệnh xá, phân bố rải rác, trong đó các đơn vị phía Nam đang gia tăng. Điều đáng lo ngại là đang bước vào những tháng cao điểm mùa dịch, cộng với diễn biến bất lợi của thời tiết, xen kẽ các đợt nắng nóng kéo dài và các đợt mưa lớn làm cho muỗi truyền bệnh phát triển mạnh, do đó thời gian tới, số người mắc SXH có thể gia tăng và bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống.

 Học viên Trường Trung cấp Kỹ thuật mật mã giúp dân dọn vệ sinh môi trường. Ảnh: PHẠM VƯỢNG

Học viên Trường Trung cấp Kỹ thuật mật mã giúp dân dọn vệ sinh môi trường. Ảnh: PHẠM VƯỢNG

Theo Đại tá, TS Nguyễn Chính Phong, Trưởng phòng Vệ sinh phòng dịch, Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần: Cho tới nay, bệnh SXH chưa có vắc-xin hay thuốc điều trị đặc hiệu. Vì thế, các cơ quan, đơn vị cần hiểu đúng và có giải pháp phòng ngừa, tránh dịch lây lan, ảnh hưởng đến huấn luyện, công tác của bộ đội. Mọi cán bộ, nhân viên, chiến sĩ cần nắm chắc, thực hiện đúng các nguyên tắc trong phòng, chống SXH, đó là: “Phòng chống véc-tơ”; giám sát ca bệnh để phát hiện sớm, điều trị sớm, ngăn chặn dịch lây lan; điều trị phân tuyến theo mức độ bệnh; phối hợp chặt chẽ với hệ thống y tế dự phòng khu vực đơn vị đóng quân để điều trị bệnh nhân SXH và ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

Trong các nguyên tắc trên thì “phòng chống véc-tơ” là biện pháp cơ bản, cần làm thường xuyên và huy động cộng đồng tham gia. Đó chính là việc kiểm tra kỹ nhằm phát hiện các ổ loăng quăng, bọ gậy để loại bỏ môi trường sinh sản của muỗi truyền bệnh, bằng cách che đậy kín hoặc thả cá vào các vật dụng chứa nước; loại bỏ các ổ nước đọng xung quanh doanh trại, ở các bình hoa, các chai, lọ phế thải. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh. Đây chính là biện pháp cơ bản hàng đầu, hiệu quả nhất, cần duy trì thực hiện thường xuyên và sự tham gia của toàn đơn vị.

Tạo “lá chắn” từ chính cán bộ, chiến sĩ

Khảo sát của chúng tôi tại một số đơn vị thuộc quân khu, quân đoàn, binh chủng khu vực phía Bắc cho thấy, ngành quân y của các đơn vị kịp thời tham mưu với người chỉ huy tổ chức lồng ghép nội dung phòng, chống dịch SXH trong các buổi giao ban, sinh hoạt, học tập. Nhận thức của cán bộ, chiến sĩ về bệnh, nguồn lây bệnh, cách phòng, chống khá tốt. Các đơn vị đã huy động hàng chục nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ giúp nhân dân địa phương nơi đóng quân tổng dọn vệ sinh, phun thuốc phòng dịch, phát tờ rơi, tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cộng đồng. Tại các đơn vị cơ sở đều duy trì tốt việc bộ đội ngủ trong màn. Các lực lượng làm nhiệm vụ canh gác, nơi bộ đội huấn luyện dã ngoại, quân y đã sử dụng hương, thuốc xua muỗi, xoa thuốc chống muỗi đốt lên vùng da hở khi làm việc tại khu vực có dịch SXH và khi đi dã ngoại. Các trường hợp nhiễm SXH được cách ly và điều trị theo đúng phác đồ, bảo vệ, phục hồi sức khỏe bộ đội, bảo đảm quân số tham gia học tập, công tác đạt hơn 99%.

Cục Quân y cũng lưu ý, các đơn vị cần giám sát, phát hiện sớm ca bệnh. Việc này vừa giúp điều trị sớm ca bệnh, ngăn ngừa tử vong, vừa giúp triển khai sớm các biện pháp khống chế, dập tắt ổ dịch, không để lây lan trong đơn vị. Các cơ sở điều trị cần nắm vững và thực hiện nghiêm nội dung “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh SXH Dengue” do Bộ Y tế ban hành. Tùy theo mức độ bệnh, bệnh nhân SXH cần được điều trị ở tuyến bệnh xá, bệnh viện, không được điều trị tại tuyến đại đội, tiểu đoàn, đồng thời phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh để chuyển tuyến bệnh viện kịp thời khi bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa mưa lũ

Thời gian qua, mưa to trên diện rộng gây ra lũ lớn và ngập lụt tại nhiều địa phương, nhất là ở một số tỉnh, như: Yên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Kiên Giang và các tỉnh Tây Nguyên, do đó, dự báo sẽ có hiện tượng dịch bệnh bùng phát. Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần cho biết: "Cơ quan quân y đã có công văn gửi quân y các cơ quan, đơn vị trong toàn quân kiểm tra, bổ sung vật tư, phương tiện và nhân lực, các cơ số thuốc phòng, chống dịch, các tổ, đội cơ động phòng, chống dịch để có thể thực hiện nhiệm vụ tăng cường khi có lệnh của trên. Rà soát, điều chỉnh kế hoạch công tác phòng, chống dịch SXH và dịch bệnh mùa mưa bão để chủ động thực hiện khi tình huống xảy ra...". Nhằm tăng cường tính chủ động trong phòng, chống dịch, chúng tôi cho rằng, các đơn vị cần nắm chắc tình hình ô nhiễm môi trường, triển khai các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Nắm chắc tình hình dịch bệnh trong khu vực đóng quân, tổ chức giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra sau mưa lũ. Tăng cường truyền thông, hướng dẫn bộ đội thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, bảo đảm ăn chín, uống sôi; huấn luyện bộ đội các kiến thức phòng, chống một số dịch bệnh hay gặp sau lũ, lụt. Phối hợp tốt với y tế dự phòng của địa phương trong công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh cho bộ đội và nhân dân trong vùng bão, lũ.

TIẾN ĐẠT

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/tich-cuc-phong-chong-dich-benh-trong-quan-doi-591011