Tích cực phát triển Đảng để tạo nguồn cán bộ ở vùng sâu

Trước những khó khăn về nguồn cán bộ của các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, những năm qua Đảng bộ Trung đoàn 741 (Bộ CHQS tỉnh Điện Biên) đã chú trọng ưu tiên phát triển đảng viên là con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), giúp nhiều địa phương ở Điện Biên xóa được thôn 'trắng' đảng viên.

Chúng tôi đến Trung đoàn 741 vào đúng dịp đơn vị triển khai các hoạt động chuẩn bị cho lễ ra quân huấn luyện năm 2018. Sau khi rót nước mời khách, Thượng úy Giàng A Ly, Bí thư Chi bộ Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, tâm sự: “Chi bộ vừa triển khai và giao nhiệm vụ cho đảng viên theo dõi, giúp đỡ các đồng chí đoàn viên ưu tú, tạo nguồn cho phát triển Đảng. Việc làm này không chỉ tăng thêm sức lãnh đạo trong thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, mà còn là bước rèn luyện bản lĩnh cho lực lượng là nguồn cán bộ của địa phương sau này…”.

Được Thượng úy Giàng A Ly giới thiệu, chúng tôi gặp chiến sĩ Cứ A Dình (người dân tộc Mông), quê ở xã Mường Toong, huyện Mường Nhé. Tròn một năm trước, Dình rất lo khi thấy vóc dáng của mình nhỏ bé và sợ sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ của người chiến sĩ. Thế nhưng, sau khi được học tập, rèn luyện tại đơn vị, Dình đã tích lũy thêm nhiều kiến thức bổ ích. Thành công lớn nhất của Dình là sau một năm quân ngũ, anh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Trò chuyện với chúng tôi, Cứ A Dình không giấu nổi niềm vui: “Được kết nạp vào Đảng, tôi thấy rất vinh dự. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục học tập để có hiểu biết sâu hơn, phát huy trách nhiệm và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao”.

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 741, Bộ CHQS tỉnh Điện Biên trong giờ huấn luyện.

Tìm hiểu về quy trình phát triển Đảng, chúng tôi được nghe Thượng tá Nguyễn Mạnh Cường, Chính ủy Trung đoàn 741, kể: Ngay từ khi tiếp nhận chiến sĩ mới, cấp ủy, chỉ huy các cấp chú trọng việc nắm nguồn, lý lịch gia đình của từng chiến sĩ. Thường xuyên trao đổi thông tin với chính quyền địa phương, ưu tiên bồi dưỡng cả về kiến thức văn hóa, lý luận chính trị và tạo điều kiện để chiến sĩ rèn luyện, phấn đấu. Trung bình mỗi năm, đơn vị có khoảng 50 chiến sĩ là con em đồng bào DTTS đủ điều kiện, tiêu chuẩn để kết nạp Đảng. Việc phát triển Đảng của đơn vị vượt gần 200% so với kế hoạch đề ra.

Đến xã Lúa Ngam, huyện Điện Biên, chúng tôi được nghe nhiều người dân kể về việc thanh niên của bản được bồi dưỡng và kết nạp Đảng trong quân đội. Sau khi xuất ngũ, hầu hết các đảng viên đều được phân công công tác tại các tổ chức đoàn thể ở cơ sở, hoặc làm cán bộ ở các thôn, bản. Đây cũng là việc làm tạo thêm động lực cho nhiều thanh niên lên đường nhập ngũ.

Trở về địa phương sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Trần Văn Tuấn tự tin, vượt qua nhiều khó khăn, ổn định cuộc sống bằng việc vận dụng kiến thức có được trong thời gian quân ngũ, phát huy trách nhiệm của một đảng viên trẻ vào phát triển kinh tế gia đình và tích cực tham gia công tác tại địa phương. Chỉ một thời gian sau, Tuấn được nhân dân tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn Phú Ngam (xã Lúa Ngam). Sự trưởng thành của Tuấn trở thành niềm tự hào của bà con, là tấm gương cho nhiều thanh niên noi theo. Nói về Trưởng thôn Trần Văn Tuấn, bà Trịnh Thị Thành, người dân bản Phú Ngam, bộc bạch: “Trước khi đi bộ đội và sau khi xuất ngũ, tham gia công tác tại địa phương, chú Tuấn chín chắn, trưởng thành lên rất nhiều, nên nhân dân rất tín nhiệm. Từ gương chú Tuấn, tôi luôn động viên con em mình phấn đấu, học tập…”. Tìm hiểu chúng tôi được biết, ở xã Lúa Ngam có khá nhiều người được kết nạp Đảng trong quân đội. Sau khi xuất ngũ, một số đồng chí được bầu làm bí thư chi bộ hoặc tham gia lực lượng quân sự, an ninh ở địa phương.

Để có đội ngũ đảng viên tạo nguồn cho cán bộ cơ sở, hằng năm, tổ chức đảng các đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh Điện Biên đều phối hợp với cấp ủy địa phương, Trung tâm bồi dưỡng chính trị mở nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng, ưu tiên kết nạp Đảng, tạo nguồn cán bộ là quân nhân xuất ngũ. Vì vậy năm 2017, toàn tỉnh có 47 quân nhân xuất ngũ được kết nạp Đảng trong thời gian tại ngũ; 26 quân nhân đã được bồi dưỡng để chuẩn bị kết nạp Đảng. Thực tế cho thấy, những cán bộ thôn, xã trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã qua quân ngũ đều khá vững vàng trong thực hiện nhiệm vụ. Đây là điều kiện để tăng cường sức lãnh đạo của Đảng ở cơ sở, cũng như tạo dựng hạt nhân đoàn kết trong đồng bào các DTTS, góp phần tích cực vào công tác xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo ở Điện Biên.

Bài và ảnh: HÀ KHÁNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/tich-cuc-phat-trien-dang-de-tao-nguon-can-bo-o-vung-sau-533851