Tích cực khắc phục hậu quả bão số 9

Thống kê sơ bộ, đến 17 giờ ngày 28-10, bão số 9 đã làm 1 người chết, 2 người bị thương; 34 nhà bị sập và 56.163 nhà bị tốc mái. Ngoài ra, bão cũng làm 31 trụ sở, cơ quan và 35 điểm trường bị tốc mái. Hiện, các địa phương đang khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện để khắc phục hậu quả bão số 9.

Một ngôi nhà nằm cạnh biển tại xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bị sóng khoét sâu và nền nhà. Ảnh: Lê Văn Chương

Một ngôi nhà nằm cạnh biển tại xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bị sóng khoét sâu và nền nhà. Ảnh: Lê Văn Chương

Quảng Ngãi hơn 53.000 ngôi nhà bị tốc mái

Cho tới thời điểm này, Quảng Ngãi là địa phương chịu thiệt hại nặng nhất. Đã có 1 người chết, 53.390 nhà bị tốc mái, hư hỏng, 9 nhà bị sập. Điều đáng lo ngại là nước lũ trên các sông tại Quảng Ngãi đang lên, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt.

Ngay sau bão số 9 tan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng đã đi kiểm tra tình hình thiệt hại do bão gây ra tại huyện Nghĩa Hành và chỉ đạo địa phương tiếp tục khẩn trương sơ tán dân để tránh lũ. Theo báo cáo sơ bộ của huyện Nghĩa Hành, trong bão số 9, huyện Nghĩa Hành không có thiệt hại về người, 1 người bị thương. Toàn huyện có trên 12.500 ngôi nhà bị tốc mái, 1 nhà bị sập hoàn toàn, 37 điểm trường bị hư hỏng, 31 điểm trụ sở cơ quan bị tốc mái, hư hỏng, cây xanh ngã đổ gây chia cắt nhiều tuyến đường.

Ngay sau bão số 9 tan, nước lũ đang dâng lên rất nhanh, cô lập 6 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Nhiều xóm, thôn ở các xã Hành Minh, Hành Tín Đông và Hành Tín Tây đã ngập sâu trên 1m.

Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đinh Xuân Sâm cho biết, huyện đã chỉ đạo các xã trên địa bàn huyện tiếp tục sơ tán 2.000 hộ dân ở vùng thấp, vùng trũng đến các điểm trường học, trụ sở cơ quan, đến ở xen ghép các nhà kiên cố để tránh lũ.

Huyện cũng đang huy động mọi lực lượng dọn cây xanh đổ ngã để sớm thông tuyến trên các tuyến đường huyện, xã, thôn xóm, chuẩn bị lương thực phẩm kịp thời đảm bảo cho người dân vùng lũ.

Sau khi đi kiểm tra thực tế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng đề nghị huyện Nghĩa Hành tiếp tục sơ tán người dân ở vùng trũng, vùng bị ngập lũ đến nơi an toàn, đặc biệt là người già và trẻ em, trên tinh thần an toàn tính mạng cho người dân là trên hết. Không để người dân nào bị thương, bị lũ cuốn trôi… Sau khi nước lũ rút, khẩn trương thống kê thiệt hại, huy động các lực lượng giúp dân khắc phục thiệt hại, sớm ổn định cuộc sống.

Phú Yên sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn các hồ chứa và hạ du

Tại Phú Yên, thống kê ban đầu có 45 nhà bị tốc mái, 2 tàu nhỏ bị chìm. Bão số 9 đã làm 12 trụ điện đổ, hư hỏng đường dây làm mất điện tại 51/110 xã, phường, thị trấn với 85 nghìn khách hàng. Ngay sau khi bão tan, Công ty Điện lực Phú Yên huy động 35 nhóm/155 người dùng xe cẩu, xe tải và các phương tiện khác để cùng hỗ trợ. Đến 15 giờ chiều nay (28-10), đã khôi phục được 976/1.751 trạm biến áp. Ngành Điện lực Phú Yên đặt mục tiêu khẩn trương khắc phục, khôi phục cấp điện trở lại cho nhân dân ổn định cuộc sống trong thời gian sớm nhất.

Mái tôn của trường mẫu giáo ở xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên bị sập do bão. Ảnh: Quốc Cường.

Các lực lượng vũ trang trong tỉnh Phú Yên cũng ra quân hỗ trợ giúp đỡ người dân địa phương dọn dẹp vệ sinh môi trường, đắp đường, sửa chữa lại nhà cửa bị hư hỏng, góp phần sớm ổn định đời sống nhân dân. Trong đó, Đồn Biên phòng An Hải, BĐBP Phú Yên đã cử cán bộ xuống địa bàn xã An Hòa Hải, huyện Tuy An giúp nhân dân sửa chữa lại nhà cửa và lợp mái nhà của trường mẫu giáo.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên cho biết, do ảnh hưởng của bão số 9, ngày 25-10, trong lúc đi đánh cá trên biển, thuyền của ông Đặng Lượng (sinh năm 1985, ở xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, Phú Yên) bị sóng lớn đánh chìm, ông Lượng tử vong. Thi thể của ông Lượng cũng đã được lực lượng chức năng tìm thấy đưa về gia đình mai táng.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, hiện, vùng ven biển Phú Yên nước dâng cao từ 0,5-1,5m; sóng lớn kết hợp triều cường có nguy cơ xảy ra xâm thực bờ biển tại thị xã Đông Hòa, Sông Cầu, thành phố Tuy Hòa và huyện Tuy An.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai- tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương và người dân tiếp tục triển khai các biện pháp khắc phục thiệt hại do bão số 9 gây ra và sẵn sàng các phương án bảo đảm an toàn cho người và tài sản khi có mưa lũ sau bão. Đồng thời, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực, vận hành điều tiết xả lũ hợp lý và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Bình Định dồn mọi nỗ lực để khắc phục hậu quả bão số 9

Tại Bình Định, ông Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã trực tiếp kiểm tra chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 9 tại các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ và thị xã An Nhơn vào ngày 28-10.

Theo thống kê ban đầu, đến chiều 28-10, bão số 9 với sức gió cấp 8, giật cấp 9 đã làm 16 ngôi nhà bị sập tại huyện Tuy Phước cùng 40 ngôi nhà khác bị tốc mái. Bão cũng đã làm gãy đổ nhiều cây xanh, cột điện, gây hư hỏng hoa màu của bà con nhân dân. Ngay sau bão tan, chính quyền địa phương đã thành lập nhiều đoàn công tác xuống địa phương để kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả.

Bộ đội khắc phục tình trạng cây xanh ngã đổ gây ách tắc giao thông trên Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn thị trấn Phù Mỹ (huyện Phù Mỹ). Ảnh: Báo Bình Định

Tại thị xã An Nhơn, bão số 9 đã làm 2 người bị thương. Bão cũng đã làm sập 3 ngôi nhà của dân; gây tốc mái 325 ngôi nhà khác; trường Tiểu học và trường Mẫu giáo xã Nhơn Lộc cũng bị tốc mái 7 phòng học. Ngoài ra, trên địa bàn thị xã đã có 40 bảng hiệu quảng cáo bị ngã, hàng trăm cây xanh bị trốc gốc, gãy đổ cành… Đối với các trường hợp bị thương, sau khi sơ cứu ban đầu tại trạm y tế xã, chính quyền địa phương đã hỗ trợ đưa đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa tỉnh.

Tại huyện Phù Cát, bão số 9 với sức gió cấp 9, giật cấp 10 đã làm đứt dây neo của 6 tàu vỏ sắt đánh bắt cá xa bờ đang neo đậu tại cảng trôi dạt vào cầu cảng Đề Gi, gây hư hỏng các giàn khung sắt cầu cảng và bê tông mặt cầu. Sau khi bão tan, Ban quản lý cảng cá đã yêu cầu các chủ tàu nhanh chóng đưa phương tiện ra xa cầu cảng để tránh bị va đập hư hỏng tàu.

Còn tại huyện Phù Mỹ bão đã làm 6 người bị thương. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện có 57 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng, 2.544 ha lúa vụ Mùa bị ngập, đổ ngã; 124 ha hoa màu bị thiệt hại từ 30 - 50%; 48m kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; 518m3 đất, bê tông, nhựa đường bị sạt lở, gây ách tắc 4 điểm giao thông trên địa bàn các xã: Mỹ Lợi, Mỹ Châu, Mỹ Thọ và thị trấn Phù Mỹ… Ước tính tổng giá trị thiệt hại ban đầu gần 9 tỷ đồng.

Bão số 9 đã làm nhiều ngôi nhà ở Bình Định bị tốc mái. Ảnh: Hải Luận

Tại các các phường, xã ven biển thị xã Hoài Nhơn (địa bàn Đồn Biên phòng Tam Quan Nam, BĐBP Bình Định) nhiều ngôi nhà bị tốc mái. Người dân đang khẩn trương đi mua tấm lợp để lợp lại mái nhà.

Được biết, trước khi bão số 9 đổ bộ vào đất liền, Đồn Biên phòng Tam Quan Nam đã cử 6 tổ công tác tăng cường cho các xã, phường trong địa bàn. Bộ Chỉ huy BĐBP Bình Định tăng cường 5 tổ công tác, với quân số 150 đồng chi cho đồn Biên phòng. Tối ngày 27-10, Đồn Biên phòng Tam Quan Nam đã đón 15 người dân vào tránh trú.

Lưu ý vấn đề sau khi bão tan, hoàn lưu bão còn diễn biến phức tạp, có thể gây ra các đợt mưa lũ lớn, ông Lê Kim Toàn yêu cầu, chính quyền các địa phương phải tập trung để chủ động ứng phó và dồn mọi nỗ lực để khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân. Trước mắt, UBND các huyện xuất kinh phí dự phòng để mua lương thực, mì tôm, nước uống, thuốc men, nhu yếu phẩm… hỗ trợ cho các hộ gia đình có người bị thương, nhà bị sập, tốc mái; tuyệt đối không để hộ gia đình nào bị đói, rét. Bên cạnh đó, kịp thời huy động lực lượng bộ đội, công an, thanh niên xung kích, dân quân tự vệ hỗ trợ người dân sớm khắc phục hậu quả, ổn định đời sống.

2 cán bộ tỉnh Quảng Nam bị đất đá vùi lấp

Tại Quảng Nam, đất đá đã sạt lở tại Nam Trà My khiến nhiều nhà dân bị vùi lấp, rất may không có thiệt hại về người.

Ông Lê Chí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, tính đến chiều 28-10, có 2 cán bộ đi ứng cứu người dân ở Phước Sơn bị đất vùi lấp. Hệ thống điện bị ảnh hưởng nặng, nhiều cây xanh bị ngã đổ, nhà cấp 4 bị tốc mái. Khoảng 18.000 hộ dân đã được sơ tán về nơi an toàn

Hiện, Lực lượng vũ trang của tỉnh đã triển khai ngay các phương án giúp người dân, chúng tôi cũng có giải pháp khắc phục đoạn đường giao thông bị hư hỏng để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

Ngay trong chiều nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 9 tại Quảng Nam. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, sau bão có 5 nhiệm vụ quan trọng là tìm kiếm người mất tích; hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn do thiệt hại trong bão (hỗ trợ lương thực, thực phẩm...); tập trung ứng phó với mưa lũ sau bão; tập trung sửa chữa các công trình, đặc biệt là công trình công sở, sản xuất kinh doanh và giúp người dân phục hồi sản xuất, ổn định cuộc sống.

Đà Nẵng tập trung dọn dẹp cây xanh gãy đổ để đảm bảo giao thông

Tại Đà Nẵng, đến khoảng 17 giờ, gió bão trên địa bàn thành phố Đà Nẵng bắt đầu giảm xuống. Tuy nhiên, khi quét qua địa phương này, bão số 9 đã làm đổ nhiều cây cối và cột điện. Thông tin đáng mừng là hơn 1.500 tàu, thuyền tránh trú bão tại Khu neo đậu tàu thuyền Thọ Quang (phượng Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) đều đảm bao tuyệt đối an toàn.

Nhiều cây xanh tại thành phố Đà Nẵng bị gẫy đổ. Ảnh: Viết Lam

Sau khi gió giảm, lực lượng chức năng, người dân địa phương đang tổ chức dọn dẹp để lưu thông đường giao thông. Tuy nhiên, trong điều kiện đêm tối, thành phố bị mất điện trên diện rộng, việc khắc phục hậu quả gặp nhiều khó khăn.

Bích Nguyên (Tổng hợp)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tich-cuc-khac-phuc-hau-qua-bao-so-9-post434609.html