Tích cực bảo vệ vụ đông xuân

Là vụ lúa chính trong năm, vụ đông xuân 2020-2021 có ý nghĩa rất lớn với toàn ngành nông nghiệp. Giá lúa hiện tại đang ở mức cao, nếu bảo vệ tốt năng suất, chất lượng, nông dân sẽ có mùa vụ khởi đầu thuận lợi cho cả năm 2021.

Đề phòng dịch hại

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) An Giang Nguyễn Văn Hiền cho biết, tính đến ngày 24-12-2020, toàn tỉnh đã xuống giống vụ đông xuân 2020-2021 với diện tích 154.317ha, đạt 67,1% kế hoạch (chậm hơn cùng kỳ 40.815ha, do nước rút chậm). Các trà lúa hiện đang ở các giai đoạn: mạ 127.611ha, đẻ nhánh 20.417ha, đòng - trổ 5.114ha và chín 1.175ha.

Căn cứ tình hình dự báo thời tiết, khí hậu, thủy văn và tình hình xuống giống các trà lúa và cơ cấu giống lúa, Chi cục TT&BVTV An Giang lưu ý, nông dân cần đề phòng một số dịch hại chủ yếu trong vụ lúa đông xuân 2020-2021. Đáng lưu ý nhất là rầy nâu bởi sau khu thu hoạch lúa vụ thu đông 2020, có khả năng rầy sẽ di chuyển sang lúa đông xuân sớm.

Dự báo sẽ có 3 đợt rầy cám chính phát sinh trong vụ gồm: đợt 1 sẽ có đợt rầy cám nở vào khoảng giữa đến cuối tháng 1-2021, gây hại với mức độ nhẹ trên trà lúa sớm ở giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng; đợt 2 sẽ có đợt rầy cám nở vào giữa đến cuối tháng 2-2021 với mức độ từ nhẹ đến trung bình; đợt 3 sẽ có đợt rầy cám nở vào khoảng giữa đến cuối tháng 3-2021 trên trà lúa muộn với mức độ từ nhẹ đến trung bình, cục bộ nặng trên các giống nhiễm.

Nông dân cần thường xuyên thăm đồng, bảo vệ lúa

Trong khi đó, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá có khả năng phát sinh và lây lan do rầy nâu di trú truyền bệnh. Bệnh phát sinh cục bộ trên trà lúa vụ đông xuân sớm và trà lúa xuống giống không đúng lịch thời vụ tập trung né rầy, trên các ruộng canh tác giống lúa nhiễm rầy nâu, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá nặng như: ĐS1, OM5451, OM4218, IR50404... Mức độ thiệt hại dự báo từ nhẹ đến trung bình, gây hại rải rác trên các trà lúa ở các huyện, thị xã, thành phố.

Nông dân cần đề phòng chuột phát triển mật số và tập trung gây hại trong các ruộng lúa chét, các vùng đê bao, vườn tạp, ven thổ cư, vùng gò cao, vùng ven đê lớn, ven đất rừng, gần đất vườn tạp, ven đất rẫy… Đối với ốc bươu vàng, có khả năng gây hại từ nhẹ đến trung bình từ cuối tháng 12-2020 đến cuối tháng 1-2021 nếu thời tiết vụ đông xuân có mưa muộn và liên tục trong thời gian gieo sạ và lúc lúa còn non; gây hại mạnh trong vùng trũng khó thoát nước.

Chủ động phòng trừ

Trong thời gian từ cuối tháng 12-2020 đến nửa cuối tháng 2-2021, nông dân cần đề phòng bệnh đạo ôn trên lá phát sinh ở mức độ từ nhẹ đến trung bình, cục bộ nhiễm nặng trên các giống nhiễm (OM4218, IR50404, Jasmine85, OM2514, OM5451, OM6073, Nàng Hoa 9...). Từ cuối tháng 1 đến cuối tháng 2-2021, bệnh đạo ôn cổ bông có khả năng phát triển mạnh, mức độ gây hại từ nhẹ đến trung bình, chú ý trên các giống nhiễm nặng (OM6976, OM4218, IR50404, OM4900…).

Đối với sâu cuốn lá nhỏ, dự báo sẽ có 3 đợt sâu non nở gây hại trong khoảng giữa đến cuối tháng 12-2020 (đợt 1, trên trà lúa sớm đang đẻ nhánh với mức độ nhẹ); từ giữa đến cuối tháng 1-2021 (đợt 2, cũng là đợt sâu chính trong vụ, gây hại mức độ từ nhẹ đến trung bình trên trà lúa đại trà đang đẻ nhánh đến làm đòng); từ giữa đến cuối tháng 2-2021 (đợt 3, gây hại mức độ nhẹ đến trung bình trên trà lúa muộn đang làm đòng đến trổ). Ngoài ra, cần đề phòng muỗi hành, rầy phấn trắng, nhện gié, sâu đục thân, bệnh đốm vằn... gây hại cục bộ để áp dụng các biện pháp quản lý và phòng trị kịp thời.

Nhằm hạn chế sự phát sinh và gây hại của các loại dịch hại, giảm chi phí trong vụ đông xuân 2020-2021, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV An Giang Nguyễn Văn Hiền đề nghị, bà con nông dân cần áp dụng triệt để các giải pháp kỹ thuật của chương trình “1 phải, 5 giảm”, như: gieo sạ tập trung đồng loạt và né rầy, gieo sạ theo hàng hoặc sạ thưa với lượng giống từ 80-100kg/ha; bón phân cân đối giữa đạm, lân và Kali, tránh bón thừa đạm... Nông dân cũng cần tích cực tham gia áp dụng chương trình công nghệ sinh thái như trồng cây có hoa trên bờ ruộng, giúp hạn chế sâu rầy gây hại lúa nhằm giảm phun thuốc trừ sâu, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường.

Ông Hiền lưu ý, nông dân sau khi thu hoạch lúa thu đông phải tiến hành vệ sinh đồng ruộng thật kỹ và đảm bảo thời gian cách ly ít nhất 10-15 ngày, nhằm cắt đứt nguồn thức ăn của rầy nâu. Bà con tuyệt đối không gieo sạ liên tục gối vụ nhau trên một cánh đồng, phải gieo sạ đồng loạt trong khoảng thời gian ngắn (từ 5-7 ngày) trên cùng một khu vực. Bên cạnh chọn giống chống chịu rầy nâu (OM6976, OM5451, OM6073, OM7347…), cần tránh gieo sạ vào đợt rầy trưởng thành (vào đèn rộ), khi vừa hết rầy vào đèn rộ thì gieo sạ ngay.

Nếu cấy lúa, khi làm mạ phải dùng lưới che chắn để hạn chế rầy nâu mang mầm bệnh di trú chích hút cây mạ sẽ truyền bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, nhất là trên các giống nhiễm vàng lùn nặng. “Đối với rầy nâu di trú từ nơi khác đến khi cây lúa ở giai đoạn mạ thì phải chờ khi có rầy cám nở, theo dõi rầy nếu có mật độ 2-3 con/tép và đa số rầy non ở tuổi 1-3 thì xử lý bằng các loại thuốc đặc trị rầy nâu đã được đăng ký”- ông Hiền khuyến cáo.

Đối với bệnh đạo ôn, cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác đồng bộ và sớm ngay từ đầu vụ như: chọn giống chống chịu, sạ thưa, bón phân cân đối.

Chi cục TT&BVTV An Giang đề nghị, cán bộ kỹ thuật và bà con nông dân phải thường xuyên thăm đồng để phát hiện sinh vật gây hại và phòng trị kịp thời. Nếu trên đồng ruộng phát sinh dịch hại nguy hiểm, có khả năng lây lan rộng, đề nghị báo về Trạm TT&BVTV gần nhất hoặc Chi cục TT&BVTV An Giang (số điện thoại 02963.854.698, Phòng BVTV) để được hướng dẫn cụ thể.

NGÔ CHUẨN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/tich-cuc-bao-ve-vu-dong-xuan-a293360.html