Tia UV ở ngưỡng nguy hại, làm thế nào để điều trị bỏng nắng?

Làm mát da bằng khăn ướt, gạc ẩm hoặc dùng đá bọc trong một chiếc khăn xoa nhẹ lên vùng da cháy nắng, bôi kem dưỡng ẩm, kem chống nắng...

Bác sĩ Thái Thanh Yến, Khoa Da liễu Thẩm mỹ da, Bệnh viện đại học Y dược TP HCM, cho biết bỏng nắng là hiện tượng da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời khiến da bị bỏng, hồng ban, bong tróc hoặc mụn rộp kèm theo đau rát. Khi đó, bạn cần ngay lập tức hạ nhiệt và làm dịu vùng da bị tổn thương.

Bỏng nắng là một tình trạng cấp tính tạm thời của da, nhưng cháy nắng do tiếp xúc quá nhiều với tia cực tím (UV) mặt trời có thể gây tổn thương lâu dài, làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư da.

Ngoài tổn thương da tại chỗ như đỏ da, bỏng rát, mụn rộp, nó có thể gây ra triệu chứng toàn thân nếu có tổn thương rộng như đau đầu, sốt và mệt mỏi. Khi đó, bạn cần đi khám chuyên khoa da liễu để được khám và tư vấn, tránh các tổn thương ngày càng rộng và ảnh hưởng triệu chứng toàn thân nghiêm trọng.

Da bị cháy nắng cần được làm mát da càng sớm càng tốt. Bạn có thể sử dụng khăn lạnh, khăn ướt, gạc ẩm hoặc đá được bọc trong một chiếc khăn, xoa nhẹ lên vùng da cháy nắng để giúp da có cảm giác mát hơn, cân bằng nhiệt độ cho vùng da bị cháy nắng. Không nên đặt quá lâu hoặc trực tiếp đá lạnh hoặc khăn quá lạnh lên da vì khiến làn da dễ khô và kích ứng hơn.

Cách tốt nhất nên sử dụng từ từ cho da quen dần với nhiệt độ làm mát. Tùy vào tình trạng của da mà bạn có thể làm điều này trong 10-15 phút hoặc thậm chí trong vài giờ. Nếu bạn bị cháy nắng toàn thân, bạn cũng có thể tắm với nước mát dưới vòi hoa sen để làm dịu cơn đau rát. Giữ một lớp nước mỏng trên da rồi bôi một loại kem dưỡng ẩm cho toàn thân.

Sử dụng loại kem dưỡng ẩm có chứa những thành phần nha đam, bạc hà, đậu nành sẽ giúp làm dịu làn da, phục hồi tổn thương bởi tinh chất trong nha đam không chỉ có tác dụng làm mát cho da mà còn hoạt động như một chất chống viêm. Không nên sử dụng các loại kem hoặc kem có chứa dầu mỏ, benzocaine hoặc lidocaine, vì chúng có thể giữ nhiệt trong da hoặc gây kích ứng da nhất là da bị bỏng nắng.

Để tránh bị bỏng nắng ngay từ đầu, bạn nên tránh ánh nắng mặt trời trong giờ cao điểm. Thời gian này thường là trong khoảng từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều, nhưng có thể khác nhau tùy thuộc vào địa điểm và thời gian trong năm. Ngay cả khi ở trong nhà hoặc trong xe hơi, bạn cũng nên tránh ánh nắng chiếu trực tiếp trong thời gian dài mà không được bảo vệ.

Tránh nhuộm da và tắm đèn vì không có một làn da rám nắng nào khỏe mạnh. Da sạm đen, rám nắng là dấu hiệu của tổn thương do ánh nắng mặt trời. Đặc biệt nên tránh tắm đèn trong nhà, vì chỉ một lần tắm đèn có thể làm tăng 75% khả năng mắc một loại ung thư da chết người gọi là u hắc tố ác tính.

Bên cạnh đó, bạn phải thường xuyên sử dụng kem chống nắng phổ rộng tối thiểu SPF 30. Phổ rộng có nghĩa là nó bảo vệ chống lại cả bức xạ UVA và UVB. Nên thoa lại kem chống nắng sau hai giờ và thường xuyên hơn nếu bạn đang bơi hoặc đổ mồ hôi. Điều này rất quan trọng, ngay cả khi bạn có làn da sẫm màu và thường không bị cháy nắng.

Ngoài ra, để bảo vệ da khỏi bị bỏng, bạn cần phải mang đồ bảo vệ như mũ rộng vành, áo dài tay hoặc đeo kính râm.

Thục San

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/suc-khoe/tia-uv-o-nguong-nguy-hai-lam-the-nao-de-dieu-tri-bong-nang-174989.html