Tia sáng nào giúp Tiktok và WeChat thoát 'án tử'' tại Mỹ?

Theo Reuters, TikTok vẫn có thể lách qua khe cửa hẹp để được 'sống sót' tại Mỹ nếu như chủ sở hữu ByteDance kịp thời đạt thỏa thuận mua lại.

Bộ Thương mại Mỹ ngày 18/9 chính thức thông báo lệnh cấm tải ứng dụng chia sẻ video TikTok và nhắn tin WeChat của các tập đoàn công nghệ Trung Quốc từ ngày 20/9.

Bộ Thương mại Mỹ ngày 18/9 chính thức thông báo lệnh cấm tải ứng dụng chia sẻ video TikTok và nhắn tin WeChat của các tập đoàn công nghệ Trung Quốc từ ngày 20/9.

Tờ AP dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết lệnh cấm như một nỗ lực của Tổng thống Trump để bảo đảm an ninh quốc gia và bảo vệ người dân Mỹ khỏi các mối đe dọa thu thập dữ liệu từ Trung Quốc.

Theo đó, việc tải 2 ứng dụng này trên lãnh thổ Mỹ đều bị cấm trên AppStore, Google Play hay bất cứ nhà cung cấp ứng dụng nào trên các nền tảng "có thể tiếp cận từ Mỹ". Người dùng đã có sẵn WeChat trong các thiết bị cầm tay có thể gặp khó khăn khi sử dụng, như ứng dụng bị chậm, lỗi do các dịch vụ Internet của Mỹ sẽ không hỗ trợ từ ngày 20/9.

Ngay khi lệnh cấm được công bố, theo công ty phân tích di động SensorTower, số lượt tải WeChat tại Mỹ tăng mạnh giúp ứng dụng này leo lên vị trí 100 tại Mỹ vào ngày 18/9. TikTok cũng có lượt tải tăng mạnh vào ngày 18/9 khi có 247.000 lượt cài đặt mới, tăng 12% so với một ngày trước đó.

Số lượng người dùng vẫn còn ''tha thiết'' hai ứng dụng này liệu có khiến chính quyền Mỹ thay đổi quyết định và rút lại ''án tử'' với TikTok và WeChat?

Theo Reuters, TikTok vẫn có thể lách qua khe cửa hẹp để được "sống" tại Mỹ nếu như chủ sở hữu ByteDance kịp thời đạt thỏa thuận để tạo ra công ty mới tại Mỹ với Oracle.

Oracle đã vượt qua Microsoft để trở thành ứng viên khả dĩ nhất được mua lại các hoạt động của TikTok tại Mỹ nhưng không kèm theo các thuật toán - ''miếng bánh'' giá trị nhất trong công ty.

Động thái mua lại này nhằm trả lời cho lo ngại của chính quyền Mỹ về dữ liệu của người dùng nước này sẽ rơi vào tay chính phủ Trung Quốc. TikTok vẫn có thể hợp tác kinh doanh với các công ty Mỹ cho đến ngày 12/11, 10 ngày sau bầu cử tổng thống.

Tuy nhiên tiến độ của thỏa thuận vẫn chưa diễn ra đủ nhanh và hạn chót để hoàn thành là ngày 20/9. Do vậy, Bộ Thương mại Mỹ đã hoãn lệnh cấm đối với TikTok đến 27/9.

Walmart cũng từng tham gia đàm phán cùng Microsoft để mua TikTok. Walmart cho biết họ quan tâm đến khả năng tiếp cận người tiêu dùng nhờ TikTok. Ngày 13/9, Walmart cho biết vẫn ''tiếp tục quan tâm đến khả năng đầu tư cho TikTok''.

Trong khi đó tia hy vọng mong manh cũng xảy ra với WeChat, khi vào phút chót, Thẩm phán Laurel Beeler của Quận Bắc California đã chặn lệnh cấm của Bộ Thương mại Mỹ nhắm vào việc tải xuống ứng dụng nhắn tin này tại thị trường Mỹ. Lý do của bà cũng là cho rằng sắc lệnh của Trump quá mơ hồ.

Trong phản hồi gửi tòa án ngày 16/9 trước đó, Bộ Tư pháp Mỹ cũng khẳng định người dùng WeChat sẽ không phải đối mặt với các hình phạt dân sự hay hình sự ngay cả khi Mỹ cấm ứng dụng này. Tức là người ở Mỹ vẫn có thể chia sẻ, truyền tải thông tin cá nhân và kinh doanh qua WeChat.

WeChat là một trong những ứng dụng có nhiều người dùng nhất thế giới, khoảng 1,2 tỷ người. Tại Mỹ, WeChat là cầu nối giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa Trung Quốc với các đối tác ở nước này.

TikTok là nền tảng video âm nhạc và mạng xã hội của Trung Quốc có ''cha đẻ'' là ByteDance được ra mắt vào năm 2017, một trong những ứng dụng hot nhất hiện nay. Các quan chức Trung Quốc, những người sẽ phải phê duyệt thỏa thuận cuối cùng của TikTok, gọi hành động cấm hai ứng dụng này của Mỹ là bắt nạt kinh tế.

Mỹ cấm ứng dụng Wechat và Tiktok | VTV Go

Mộc Nhiên

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/tia-sang-nao-giup-tiktok-va-wechat-thoat-an-tu-tai-my-1437559.html