Thủy thủ Mỹ vạch trần tham vọng Biển Đông của Trung Quốc

Đằng sau các động thái leo thang trên Biển Đông của Trung Quốc là thông điệp thể hiện thái độ hung hăng, sẵn sàng đối đầu trực diện với bất kỳ bên nào thách thức ảnh hưởng của nước này, kể cả Mỹ.

Trong bài viết cho tạp chí The Diplomat ngày 14-6, ông Zachary Williams, một sĩ quan thủy quân lục chiến phục vụ trên tàu đổ bộ tấn công USS America thuộc Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, cảnh báo: Trung Quốc (TQ) trong tương lai gần sẽ còn tăng cường hơn nữa các động thái quân sự hóa Biển Đông và những diễn biến sắp tới đặt quan hệ Mỹ - Trung lên bàn cân.

Trong giai đoạn hai tàu sân bay chủ lực của Hạm đội Thái Bình Dương là USS Theodore Roosevelt và USS Ronald Reagan phải nằm cảng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, USS America liên tục được điều ra Biển Đông nhằm duy trì hiện diện thường trực của Mỹ. Gần đây nhất, tàu này cùng tuần dương hạm USS Bunker Hill hồi tháng 4 xuất hiện gần khu vực tàu khoan thăm dò đáy biển West Capella do tập đoàn dầu khí Petronas (Malaysia) vận hành.

Lý giải động thái leo thang của Trung Quốc

Theo ông Williams, tham vọng chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông từ đầu năm đến nay có thể tóm gọn trong bốn sự kiện chính: (1) Tàu hải cảnh TQ đâm chìm tàu cá Việt Nam gần khu vực đảo Phúc Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hồi đầu tháng 4; (2) Nhóm tàu khảo sát Hải dương địa chất 8 cố tình quấy rối hoạt động của tàu West Capella từ tháng 4 đến tháng 5; (3) Tàu sân bay Liêu Ninh liên tục tập trận trên Biển Đông và Đài Loan vào cuối tháng 4; (4) Bắc Kinh cho lập cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” để quản lý hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam.

Sắp tới, nhiều nguồn tin còn cho biết TQ nhiều khả năng đang chuẩn bị tổ chức thêm một số cuộc diễn tập hải quân và đổ bộ bờ biển ở một số đảo trên Biển Đông.

Về vụ TQ quấy rối hoạt động thăm dò dầu khí của Malaysia, sĩ quan này cho rằng TQ đang cố tình cảnh cáo nước này đủ khả năng kiểm soát và ngăn cản các quốc gia khác xâm phạm cái gọi là chủ quyền khu vực “đường chín đoạn”. Tuy nhiên, nhờ sự hiện diện của USS America, tàu West Capella vẫn hoạt động bình thường và các căng thẳng với TQ không bị đẩy đi quá xa.

Tàu đổ bộ tấn công USS America (trái) di chuyển trên Biển Đông cùng tuần dương hạm USS Bunker Hill (phải) hồi tháng 4-2020. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

Tàu đổ bộ tấn công USS America (trái) di chuyển trên Biển Đông cùng tuần dương hạm USS Bunker Hill (phải) hồi tháng 4-2020. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ

Trong khi đó, qua việc thiết lập hai quận đảo Tây Sa và Nam Sa, Bắc Kinh nhiều khả năng muốn tuyên bố sẽ không từ bỏ các yêu sách chủ quyền đối với các thực thể chiếm đóng trái phép. Hai đơn vị hành chính nói trên cũng sẽ giúp TQ tạo ra tình huống “thế đã rồi” (fait accompli) để từ đó tiến tới sáp nhập lãnh thổ chính thức. Thời gian tới, có thể Bắc Kinh sẽ cho xây dựng thêm cơ sở hạ tầng dân sự như khu nghỉ dưỡng, nhà ở, trường học.

“Bằng việc biến Trường Sa và Hoàng Sa thành địa điểm du lịch và sinh sống hấp dẫn, TQ đang muốn ngăn cản phương Tây thực hiện quyền tự do di chuyển chính đáng trên Biển Đông. Ngoài ra, nếu Trường Sa, Hoàng Sa được cải tạo (trái phép) thành công thì Bắc Kinh sẽ nhân rộng mô hình này sang bãi ngầm Macclesfield và bãi cạn Scarborough” - ông Zachary Williams cho hay.

Một sáng sớm, chúng tôi đang di chuyển ở phía nam quần đảo Hoàng Sa thì thấy mặt biển đầy những con tàu nhỏ tỏa khắp mọi hướng. Nhìn qua ống nhòm, tôi thấy tàu đang tiến gần đến những tàu đánh cá của Việt Nam. Mỗi chiếc tàu này đều treo lá cờ đỏ sao vàng một cách tự hào.

ZACHARY WILLIAMS, sĩ quan thủy quân lục chiến Mỹ

Hải quân Trung Quốc vẫn đuối sức với Mỹ

Bình luận về các cuộc tập trận có mặt tàu sân bay Liêu Ninh của TQ vừa qua, sĩ quan Williams lưu ý là TQ luôn điều thêm hai khu trục hạm và hai khinh hạm đi theo hộ tống. Trang bị và cách di chuyển các tàu này về tổng thể vẫn còn khá hạn chế do quân đội TQ chưa quen với kiểu tác chiến theo đội hình nhóm tàu sân bay như Mỹ. Tuy nhiên, trong suốt quãng thời gian làm nhiệm vụ ở Biển Đông trên tàu USS America, ông Williams cho hay tàu Mỹ liên tục bị các tàu TQ nhỏ hơn bám đuổi. “Dù các lực lượng TQ không có ý định tấn công trực diện USS America, tôi cho là Bắc Kinh muốn cho chúng tôi biết họ đang ở đó và rằng sự hiện diện của Mỹ sẽ không có nghĩa là họ sẽ dừng diễn tập trong khu vực” - sĩ quan Zachary Williams viết.

Trong bối cảnh hai tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, USS Ronald Reagan cùng một tàu sân bay khác là USS Nimitz đã quay trở lại Biển Đông hôm 12-6, Bắc Kinh chắc chắn sẽ không bỏ lỡ cơ hội này để chuẩn bị một đòn đáp trả tương xứng. Ông Williams cũng cho biết việc Washington phải điều cùng lúc ba tàu sân bay vào Biển Đông chứng tỏ ảnh hưởng của TQ ở khu vực này đã lên đến mức báo động.

“Trong tương lai gần, Biển Đông có thể sẽ thấy các tiêm kích J-15 của TQ hoạt động liên tục quanh các tàu sân bay Mỹ, cất cánh từ các sân bay xây dựng (trái phép) trên quần đảo Trường Sa và đảo Hải Nam. Các máy bay trinh sát TQ cũng sẽ được cho xuất kích để do thám mở đường cho các nhóm tác chiến tàu sân bay TQ di chuyển” - ông Williams dự đoán.

Học giả Trung Quốc nói gì về ba tàu sân bay Mỹ?

Ngày 15-6, Hoàn Cầu Thời Báo dẫn lời một chuyên gia quân sự TQ tên Lý Kiệt khẳng định bằng cách tập trung nhiều tàu sân bay ở Biển Đông, Mỹ đang thể hiện cho khu vực và thậm chí là cả thế giới rằng nước này vẫn sở hữu lực lượng hải quân hùng mạnh nhất, có thể thoải mái ra vào Biển Đông mà không ngại Bắc Kinh phật ý.

Trong khi đó, một chuyên gia quân sự khác tên Ngụy Đông Húc lại cho rằng các tàu sân bay Mỹ là cách Washington răn đe Bắc Kinh. “Mỹ sắp tới thậm chí có thể cho các máy bay đỗ trên tàu ra diễn tập. Chẳng hạn, Mỹ có thể cho tiêm kích đa năng F/A-18E/F hoặc chiến đấu cơ tàng hình F-35C ra đọ cơ bắp với lực lượng TQ ở Biển Đông” - ông Ngụy bình luận.

VĨ CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/thuy-thu-my-vach-tran-tham-vong-bien-dong-cua-trung-quoc-918767.html