Thụy Sĩ với 'tiếng vọng' từ Thế chiến 2

Thụy Sĩ đang phải lo giải quyết 3.500 tấn đạn dược được lưu giữ trong lòng đất.

Trong nhiều thế kỷ, Thụy Sĩ được coi là biểu tượng của hòa bình vĩnh cửu nhờ chính sách trung lập tuyệt đối của đất nước này. Lâu nay, Thụy Sĩ vẫn được coi là bình yên vô sự trong khi các cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra khắp nơi trên thế giới.

Thế rồi, bỗng nhiên, đất nước này chợt tỉnh giấc bởi một “tiếng vọng của chiến tranh”. Đó là nhu cầu cấp bách phải tiêu hủy kho đạn dược khổng lồ từ Thế chiến thứ hai đang đè nặng lên vai nhà nước Thụy Sĩ với chi phí khổng lồ, và những cư dân của ngôi làng nằm bên cạnh phải chia tay với ngôi nhà của họ không biết đến bao giờ.

Ngày 25 tháng 2 năm nay, Bộ Quốc phòng Liên bang và cơ quan bảo vệ dân cư và thể thao Thụy Sĩ đã công bố sự cần thiết phải giải quyết 3.500 tấn đạn dược được cất giữ trong một kho quân sự dưới lòng đất thuộc khu vực làng Mitholz, bang Bern.

Nhà nước này sẽ phải thực hiện một dự án chưa từng có về mức độ phức tạp và tốn kém như vậy. Để thực hiện nhiệm vụ này, có thể phải tiêu tốn ngân khố hơn một tỷ franc Thụy Sĩ.

Tuy nhiên, cả Bern lẫn chính quyền địa phương đều quyết tâm vĩnh viễn thoát khỏi "quả bom hẹn giờ" khổng lồ này.

Cần lưu ý rằng trước đây, từng đã xảy ra câu chuyện hết sức nghiêm trọng và bi thảm. Vào mùa đông năm 1947, một vụ nổ mạnh đột ngột xảy ra trong khu vực nhà kho nói trên, theo kết luận sau đó của các chuyên gia thì nguyên nhân là do “hiện tượng hóa học tự bốc cháy” của các loại bom đạn được cất giữ ở đó.

Vụ nổ đã gây ra những chấn động được ghi lại ở tận Zurich, cách đó 115 km. 9 người trở thành nạn nhân của thảm kịch, trong đó có 4 trẻ em, hơn 100 ngôi nhà trong vùng đã bị phá hủy hoàn toàn.

Sau những gì đã xảy ra, các chuyên gia kết luận rằng sự cố như vậy là rất khó lặp lại, và nếu có chuyện gì xảy ra, hậu quả sẽ không đến mức độ thảm khốc như vậy. Tuy nhiên, các nghiên cứu vào năm 2018 đã xua tan hoàn toàn sự lạc quan này.

Số đạn dược còn lại ở Mitholz có thể bị nổ tung bất cứ lúc nào, và tốt hơn là không nên nghĩ đến những hậu quả mà nó sẽ dẫn đến. Cho đến ngày nay, bên cạnh kho đạn nói trên có một ngôi làng điển hình của Thụy Sĩ, là nơi sinh sống của khoảng 170 người (60 gia đình).

Nhiều khả năng, họ sẽ phải rời khỏi quê hương của mình, và hiện tại những người bị di dời trong tương lai đang được cảnh báo rằng việc tiêu hủy hoàn toàn kho đạn dược sẽ bị trì hoãn, rất có thể hàng chục năm nữa.

Nói chung, chính quyền Thụy Sĩ sẽ không để cho dân làng phải tự đối mặt với thảm họa tiềm tàng, và họ sẽ hành động hoàn toàn phù hợp với các chi tiết cụ thể của địa phương.

Dự kiến việc dọn dẹp hoàn toàn kho đạn dược dưới lòng đất sẽ được bắt đầu không sớm hơn ... năm 2031! Bởi trước đó, cần phải tiến hành một số phiên điều trần công khai, phê duyệt liên ngành, cũng như thực hiện tất cả các biện pháp chuẩn bị cần thiết.

Tình hình rất phức tạp, bởi các động mạch giao thông quan trọng nhất nối liền phía bắc và phía nam Thụy Sĩ, kể cả đường sắt lẫn đường bộ, đều đi qua vùng lân cận Mitholz.

Cụ thể là, phải quyết định làm gì: bảo vệ những con đường hiện có với sự trợ giúp của các cấu trúc kỹ thuật đặc biệt hay là xây dựng những con đường tránh tạm thời mới.

Tuy nhiên, còn có một ý tưởng khác là không động chạm tới nhà kho dưới lòng đất, mà chỉ cần đổ vài chục tấn đất đá ở xa quanh khu vực đó, để nếu trong trường hợp xấu xảy ra thì khối đất đá này sẽ hấp thụ sóng xung kích của vụ nổ.

Tuy nhiên, nhiều người Thụy Sĩ cho rằng, không thể để lại cho hậu thế “món quà” đó được. Bằng cách này hay cách khác, trong vấn đề này, cuối cùng thì trách nhiệm về các vấn đề an ninh sẽ thuộc về giới quân sự.

Tất nhiên, họ sẽ lắng nghe ý kiến và mong muốn của người dân địa phương, nhưng họ không phải là người đưa ra quyết định cuối cùng về số phận của kho đạn Mitholz.

TtThịnh (Theo “Bình luận quân sự” Nga)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/thuy-si-voi-tieng-vong-tu-the-chien-2-3398297/