'Thụy sáng kiến' ở Lữ đoàn 950

Sau hơn hai năm đoạt giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo cấp quân khu và toàn quân với sáng kiến 'Máy tính toán cự ly bằng công thức ly giác' cho súng máy phòng không (SMPK) 12,7mm (năm 2016), đến nay Thượng úy Vũ Văn Thụy, Phó đại đội trưởng Đại đội SMPK 12,7mm, Tiểu đoàn Pháo phòng không, Lữ đoàn 950, (Quân khu 9) đều đặn có thêm những cải tiến mới phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

Giới thiệu về sáng kiến trên, Vũ Văn Thụy cho biết, đã giúp cho trắc thủ chỉ cần xác định đúng loại mục tiêu, nhập thông số vào máy và sau 1 giây cho ra kết quả chính xác, khác với trước phải mất từ 7 đến 8 giây khi tính nhẩm. Từ kết quả ấn tượng này, năm 2017, anh tiếp tục cho ra đời sáng kiến “Máy tính lỗ ngắm SMPK 12,7mm”. Thụy cho biết, việc tính toán, thay đổi lỗ ngắm của xạ thủ số 1 SMPK 12,7mm là nội dung khó, đòi hỏi quá trình luyện tập trong thời gian dài.

Thượng úy Vũ Văn Thụy bên sáng kiến “Máy tính lỗ ngắm SMPK 12.7mm”.

Mặt khác, chưa có thiết bị nào (theo hướng dẫn từ các tài liệu hoặc vật chất cấp phát) dùng để kiểm tra tính toán, thay đổi lỗ ngắm một cách chính xác, do đó sáng kiến này ra đời đã vận dụng hiệu quả vào quá trình luyện tập, kiểm tra việc tính lỗ ngắm của xạ thủ số 1. Trên thực tế, khi sử dụng “máy tính lỗ ngắm SMPK 12,7mm” trong huấn luyện, kiểm tra, người chỉ huy yêu cầu xạ thủ số 1 bám mục tiêu ở lỗ ngắm nào thì thông báo lỗ ngắm đó và liên tục báo lỗ ngắm khi thay đổi, sau đó so sánh với lỗ ngắm máy tính được để đánh giá kết quả. Còn trong thực hành chiến đấu, máy đặt ở vị trí chỉ huy, bám sát liên tục mục tiêu và thông báo lỗ ngắm tính được cho toàn phân đội với thời gian ra kết quả nhanh, độ chính xác cao. Qua kiểm nghiệm đã giải quyết được việc tính ra lỗ ngắm đúng theo nguyên lý cấu tạo ra máy ngắm trên không K-43 của SMPK 12,7mm.

Bước sang năm 2018, anh tiếp tục cho ra đời sáng kiến “Thiết bị hỗ trợ bắn cản SMPK 12,7mm”. Thiết bị này cấu tạo với hai bộ phận chính: Phần cứng gồm hộp máy, vi điều khiển Atmega 32A (có tốc độ xử lý nhanh với độ tin cậy cao), đèn led, còi, màn hình LCD, nút nhấn... Phần mềm dùng trình biên dịch Codevision AVR để viết code cho vi điều khiển. Theo Vũ Văn Thụy, sáng kiến này được tích hợp sẵn bảng giá trị, công thức tính và hiển thị trên màn hình LCD về độ cao, vận tốc mục tiêu, cự ly từ đài quan sát đến vị trí đạn gặp mục tiêu, cự ly bắn, góc bắn, thời gian giữ chậm; tất cả được nhập bằng nút tăng, giảm trên hộp máy rất dễ dàng. Nếu tính toán theo phương pháp thủ công như trước đây có thể mất 5-10 phút nhưng khi áp dụng thiết bị này chỉ còn 30 giây. Đặc biệt, nó có thể đảm nhiệm tính toán từ 4 đài quan sát và được lưu trong EEPROM của vi điều khiển nên không bị mất dữ liệu khi tắt máy; pin hoạt động liên tục trong 5 giờ liền, có thể dùng ắc-quy 12V để cấp nguồn điện cho máy. Máy cấu tạo nhỏ gọn dễ cơ động và giá thành khá thấp. Anh phân tích thêm: “Quá trình huấn luyện hay thực hành chiến đấu, khi xác định được đường bay dự kiến của mục tiêu, vị trí đặt đài quan sát, trận địa chúng ta sẽ vẽ và đánh dấu trên bản đồ. Tùy vào từng điều kiện mà người chỉ huy cử một hoặc nhiều tổ đặt đài quan sát, sau đó nhập giá trị đo đạc trên bản đồ vào máy. Khi nhận được báo cáo đài quan sát mục tiêu bay qua đầu, chỉ huy bắn sẽ ấn nút “giữ chậm” trên hộp máy đếm ngược thời gian. Đến lúc thời gian về giá trị bằng 0, đèn led cùng với còi báo hiệu người chỉ huy hạ lệnh bắn”.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng úy Vũ Văn Thụy mong muốn sẽ có dịp đưa những sáng kiến này thử nghiệm vào quá trình bắn đạn thật để biết được hiệu quả thực tế, từ đó có thể vận dụng tốt vào quá trình huấn luyện và nâng cao hơn nữa khả năng sẵn sàng chiến đấu của các khẩu đội SMPK 12,7mm. Với những sáng kiến này, nhiều cán bộ, chiến sĩ đơn vị thường gọi anh với tên thân thương “Thụy sáng kiến”.

THẾ HIỂN

Báo Quân khu 9

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su-nhan-vat/thuy-sang-kien-o-lu-doan-950-560435