Thủy sản Việt khó vào siêu thị Việt: Rào cản...lậu?

Chuyên gia cảnh báo, ngày càng có nhiều chiêu trò loại hàng Việt ra khỏi siêu thị. Không chỉ khó vào siêu thị ngoại, ngay siêu thị nội cũng nhiều rào cản.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa cho biết có hiện tượng doanh nghiệp thủy sản gặp cản trở khi đưa hàng hóa vào siêu thị dịp Tết.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, hiện Việt Nam mới chỉ ban hành mức giới hạn tối đa cho phép (MRL) cho các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh hạn chế sử dụng mà chưa ban hành quy định về MPRL đối với các chỉ tiêu cấm sử dụng trên thủy sản.

Vì vậy, siêu thị không chấp nhận các lô hàng thực phẩm có dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm mặc dù dư lượng của các chất này rất thấp, đáp ứng tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu (EU), không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

VASEP dẫn quy định của Ủy ban châu Âu (EC) theo Quyết định số 2005/34/EC ngày 11/1/2005 thì kết quả phân tích lô hàng thấp hơn mức MPRL vẫn được phép nhập khẩu EU để làm thực phẩm.

Trước thông tin siêu thị từ chối hàng thủy sản dù đủ chuẩn xuất khẩu, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội nhận xét, hàng Việt ngày càng có nhiều rào cản khi muốn chen chân vào siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài, thậm chí cả siêu thị nội.

Ông nhắc lại câu chuyện diễn ra tại Big C sau khi hệ thống siêu thị này về tay nhà đầu tư Thái Lan: nâng mức chiết khấu, dừng phát triển nhãn hàng riêng. Tương tự, nhiều hệ thống siêu thị khác sau khi bị doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài thâu tóm cũng dành vị trí đẹp nhất trên kệ cho hàng hóa của nước họ.

Ông cũng kể lại chính trải nghiệm của mình khi đến siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài L.thử liên hệ chỗ nhập hàng. Tuy nhiên, sau khi nghe nguyện vọng của ông, nhân viên nghiệp vụ của siêu thị lập tức mời ông vào Sài Gòn để giao dịch.

"Khi có đoàn kiểm tra đến, họ nói chỉ biết bán, muốn kiểm tra thì vào Sài Gòn, phòng thu mua ở trong đó. Nhưng chính thực hàng tháng họ vẫn chở rau, mít ở ngoài này chuyển vào siêu thị lúc 5h sáng.

Ấy là chưa kể siêu thị ngoại còn liên tục kêu lỗ trong khi lúc nào họ cũng trong cảnh buôn bán sầm uất. Đã sầm uất như vậy thì không có chuyện lỗ, và nếu báo lỗ thì hoàn toàn có thể đặt ra nghi vấn chuyển giá", ông Vũ Vinh Phú nói.

Nhiều doanh nghiệp thủy sản gặp khó khi đưa hàng hóa vào siêu thị nội địa dịp Tết Kỷ Hợi 2019.

Nhiều doanh nghiệp thủy sản gặp khó khi đưa hàng hóa vào siêu thị nội địa dịp Tết Kỷ Hợi 2019.

Không chỉ gặp khó khi muốn vào siêu thị ngoại, ngay cả với siêu thị trong nước, hàng Việt cũng gặp nhiều khó khăn. Nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội biết có nhiều trường hợp hàng hóa mất hàng tháng chưa vào được siêu thị, nếu vào được cũng bị "hành" đủ kiểu, thậm chí, có trường hợp sản phẩm bị đút dưới kệ vì không có...phong bì.

Trở lại với sự việc hàng thủy sản Việt Nam không vào được siêu thị, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, cái cớ vì sức khỏe người tiêu dùng mà các siêu thị đưa ra không thuyết phục bởi hàng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu tại sao lại không thể dùng trong nội địa được?

Từ sự việc này, theo vị chuyên gia, phía doanh nghiệp Việt phải xem lại cách sản xuất, cố gắng đạt được những tiêu chuẩn nhất định để không bị mè nheo hay cản trở. Nếu không đáp ứng được, nay siêu thị có thể đưa ra điều khoản này, mai họ lại đưa ra điều khoản khác khiến hàng Việt gặp khó.

Điều quan trọng là Việt Nam phải giữ tốt hệ thống phân phối, ông Phú nhấn mạnh. Việt Nam hỗ trợ cho nhiều hệ thống siêu thị, nhưng khi họ bán hết hoặc liên doanh với nước ngoài, hệ thống phân phối của Việt Nam còn lại gì? Như Aeon trước khi chấm dứt hợp tác với Fivimart, nắm 30% cổ phần tại hệ thống siêu thị này thì họ có quyền giữ tối thiểu 30% hàng của họ trong hệ thống Fivimart.

Hay có hiện tượng đáng buồn là một số siêu thị tổ chức tuần lễ sản phẩm Thái Lan trong khi không hề tổ chức hoạt động tương tự cho hàng Việt ở ngay trong hệ thống của mình.

"Rõ ràng chúng ta đang làm hại chúng ta. Sản xuất không đạt quy chuẩn, phân phối ép sản xuất, hết nước ngoài ép đến trong nước cũng ép nhau. Vấn đề lâu dài và cấp bách là phải giải quyết bài toán đó.

Bản thân các siêu thị nội phải mở cửa ra để hàng Việt không phải đi cửa sau vào siêu thị.

Gần đây, Tổng Cục thuế công bố: muốn đưa hàng vào bán tại Big C thì chiết khấu cứng là 20%, chiết khấu mềm là 12%. Còn tại hội nghị liên kết cung-cầu năm 2017 tổ chức tại TP.HCM có thông tin để vào siêu thị phải mất 30% chi phí bán hàng, kể cả siêu thị nội và ngoại. Như vậy thử hỏi người sản xuất còn gì?", ông Vũ Vinh Phú đặt câu hỏi.

Theo vị chuyên gia, Luật Cạnh tranh quy định "không từ chối hàng hóa của nhà cung ứng khi không có lý do chính đáng", thế nhưng thế nào là lý do chính đáng thì không được giải thích. Siêu thị có thể đưa ra bất kỳ lý do nào, chẳng hạn như bày chật kệ cũng được coi là lý do chính đáng.

Trong khi luật còn kẽ hở, ông Vũ Vinh Phú đề nghị thành lập Hiệp hội Cung ứng hàng hóa cho siêu thị với cách làm chuyên nghiệp để bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp.

"Hiện nay, tới 80-90% hàng hóa trong siêu thị là hàng ký gửi, đó là hàng của nhà cung ứng chứ không phải của siêu thị. Có hiệp hội trên sẽ tạo đối trọng với siêu thị, để siêu thị đỡ mè nheo", ông Phú kỳ vọng.

Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, Vụ thị trường trong nước, chính quyền địa phương, sở công thương các tỉnh... cần phát huy vai trò của mình, không để nhà cung ứng bị siêu thị ép quá đáng.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/thuy-san-viet-kho-vao-sieu-thi-viet-rao-canlau-3366820/