Thủy sản đón đầu xu hướng mới

Ngành thủy sản Việt Nam được đánh giá là có nhiều cơ hội để thích ứng, phục hồi và phát triển trong giai đoạn mới của đại dịch Covid-19.

Chủ động được vật tư thiết yếu

Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, Covid-19 ảnh hưởng lớn đến sản xuất và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong quý I, II/2020.

Nguồn cung nguyên liệu thủy sản dự báo sẽ thiếu hụt trong thời gian tới.

Nguồn cung nguyên liệu thủy sản dự báo sẽ thiếu hụt trong thời gian tới.

Cụ thể, 4 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt khoảng 2,23 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2019. Chuỗi cung ứng nguyên liệu và cung ứng thành phẩm bị “đứt gãy”, dòng hàng và dòng tiền đều thiếu hụt hoặc ùn ứ.

Các đơn hàng vẫn được giao theo hợp đồng đã ký chỉ chiếm khoảng 50%. Tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu tạm hoãn và tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu dừng hoặc hủy khá cao trong đợt dịch lần lượt 20 - 40% và 20 - 30%.

Điều này tác động ngược trở lại khiến nguồn cung nguyên liệu dự báo sẽ thiếu hụt trong thời gian tới.

Dự kiến nếu dịch Covid-19 được kiểm soát, nguồn nguyên liệu trong nửa cuối năm 2020 cũng chỉ có thể đáp ứng tối đa 50% - 70% nhu cầu sản xuất để xuất khẩu và bán nội địa.

Tuy gặp nhiều thách thức nhưng theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP: “Niềm tin của các nhà đầu tư, các tập đoàn nhập khẩu, bán lẻ với thủy sản Việt Nam gia tăng đáng kể. Doanh nghiệp và người dân tin tưởng, tiếp tục thả nuôi và tham gia sản xuất ngay khi dịch được kiểm soát. Quyết sách và phương châm chống dịch vô cùng hiệu quả của Chính phủ, an sinh xã hội kèm phát triển kinh tế đã phát huy tác dụng”.

Các quốc gia cạnh tranh thủy sản chính với Việt Nam như Ấn Độ, Ecurado phải phong tỏa cách ly chống dịch, giảm đáng kể đến 50% sản lượng sản xuất và xuất khẩu; Indonesia hay Philipinnes, Thái Lan cũng giảm khoảng 30%. Các nước này sẽ có độ trễ đáng kể hơn Việt Nam về phục hồi sản xuất để duy trì nguồn cung cho thế giới. Đây là cơ hội lớn cho thủy sản Việt Nam.

Một trong những việc cần thiết làm ngay là chuỗi cung ứng vật tư thiết yếu cho nuôi trồng và chế biến thủy sản không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Cùng với đó, VASEP dự báo sẽ có sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, nhất là sau khi xảy ra cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và dịch Covid-19. Nhu cầu nguồn nguyên liệu qua sơ chế từ Việt Nam có xu hướng tăng.

Đặc biệt, một trong những cơ hội được nhấn mạnh đó là chuỗi cung ứng vật tư thiết yếu cho nuôi trồng và chế biến thủy sản hầu như không phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Các ngành hàng phụ trợ cho sản xuất thủy sản như: thuốc, hóa chất, bao bì vật tư, trang thiết bị, dụng cụ cho nuôi trồng, chế biến có cơ hội phát triển tại Việt Nam, từ đó tạo điều kiện để các doanh nghiệp thủy sản chủ động hơn trong sản xuất.

Hỗ trợ phát triển, nắm bắt thời cơ

VASEP đề xuất đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như hậu Covid-19. Cụ thể, trong ngắn hạn Chính phủ và các Bộ hỗ trợ cho Bộ NN&PTNT đẩy mạnh việc chỉ đạo, tuyên truyền và triển khai các hỗ trợ tối đa cho người nuôi tôm và ngư dân khai thác biển để có thể thực hiện ngay từ tháng 5/2020 thả lại tôm, khai thác biển nhằm bắt kịp giai đoạn tháng 7 - 8/2020 khi thị trường thế giới phục hồi, tăng tiêu thụ cao trở lại trong khi một số nước sản xuất cạnh tranh chưa quay lại sản xuất bình thường.

Đồng thời, thúc đẩy hơn nữa hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh. Tăng cường các dịch vụ công trực tuyến giảm bớt các gánh nặng tuân thủ, tiết giảm thời gian, chi phí làm thủ tục cho doanh nghiệp và người dân.

Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị điều kiện hạ tầng để đón nhận các dự án đầu tư mới do sự chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam như cơ chế xây dựng kho lạnh trữ hàng, điều chỉnh mức đánh giá rủi ro tín dụng cao đối với nhóm ngành hàng thủy sản,...

Cần triển khai sàn giao dịch điện tử cho con giống tiến tới có thể phát triển hình thức mua bán tương lai mặt hàng con giống theo mục tiêu quản lý chất lượng và giảm giá thành.

Về dài hạn, tạo điều kiện và hỗ trợ cho doanh nghiệp thủy sản thực hiện phát triển thị trường và nghiên cứu phát triển trong bối cảnh mới.

Thúc đẩy EVFTA có hiệu lực sớm nhất có thể, để các doanh nghiệp tranh thủ tăng cường tiêu thụ thủy sản ở thị trường EU rộng lớn trước các lợi thế so sánh với một số quốc gia xuất khẩu cạnh tranh.

Ông Trương Đình Hòe kiến nghị, thúc đẩy và hỗ trợ mạnh cho việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của ngành thủy sản. Trước mắt xin đề xuất 2 dự án: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động nuôi tôm ở Việt Nam nhằm giúp người nuôi tôm Việt Nam tiếp cận nhiều hơn với công nghệ thông tin phục vụ cho nhu cầu tìm hiểu thông tin (kỹ thuật nuôi tôm, giá cả và thông tin thị trường), kết nối thị trường (trao đổi hàng hóa, mua sắm thiết bị, công nghệ), trao đổi kinh nghiệm.

Cùng với đó, triển khai sàn giao dịch điện tử cho con giống tiến tới có thể phát triển hình thức mua bán tương lai mặt hàng con giống theo mục tiêu quản lý chất lượng và giảm giá thành.

Đồng thời, khuyến khích các ngành sản xuất phụ trợ phát triển để chủ động được nguồn lực và ngăn chặn việc con giống, thức ăn tăng giá mỗi đầu vụ sản xuất; Nghiên cứu và xây dựng chiến lược đầu tư cho thương mại nông, thủy sản khu vực biên giới để phát triển thị trường Trung Quốc bền vững hơn nữa; Kiến nghị nghiên cứu cách tổ chức các trung tâm phân phối hàng thủy sản ở phía Việt Nam cung cấp thường xuyên và ổn định cho nhu cầu ở phía các tỉnh giáp biên của Trung Quốc./.

Vân Hồng/Báo TNVN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/thuy-san-don-dau-xu-huong-moi-1049532.vov