Thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD năm 2019

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2018 ước đạt kỷ lục 9 tỷ USD, tăng 8,4%, sản phẩm chủ lực vẫn là tôm và cá tra.

Thủy sản xuất khẩu đạt kỷ lục 9 tỷ USD năm 2018

Chiều nay (24/12), Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) tổ chức Hội nghị Tổng kết năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 .

Thống kê cho thấy, trong tổng số kim ngạch xuất khẩu 9 tỷ USD, cá tra đạt 2,26 tỷ USD, tăng 26,4%. Tôm đạt 3,58 tỷ USD, giảm 7,1% (tôm chân trắng 2,48 tỷ USD giảm 2,0%; tôm sú 810 triệu USD, giảm 7,8%). Nhóm hải sản gồm cá ngừ 675 triệu USD, tăng 13,9%. Các loại cá khác đóng góp 1,52 tỷ USD, tăng 15,5%. Nhuyễn thể 785 triệu USD tăng 9,1%. Giáp xác 145 triệu USD, tăng 23,0%.

Như vậy, hai mặt hàng chủ lực của ngành thủy sản là tôm và cá tra có sự tăng, giảm trái chiều.

Cụ thể, mặt hàng cá tra ghi nhận có sự tăng trưởng phát triển vượt bậc từ kim ngạch xuất khẩu, diện tích nuôi 5.400 ha ( tăng 3,3% so với năm 2017), sản lượng 1,42 triệu tấn, tăng 8,4% so với năm 2017. Chất lượng con giống cá tra năm 2018 cũng được cải thiện, tình trạng mở rộng ồ ạt diện tích được kiểm soát.

Dù thị trường tiêu thụ cá tra đang khá tốt, song bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Ủy ban cá nước ngọt của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) khuyến cáo, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cần nhanh chóng tối ưu hóa dây chuyền sản xuất để giảm chi phí đầu vào, đồng thời mỗi doanh nghiệp nên có từng phân khúc khách hàng riêng để tránh làm ảnh hưởng đến nhau.

Về tôm, theo phân tích của VASEP, nguyên nhân xuất khẩu tôm nước ta sụt giảm là do từ đầu năm tới nay, nhu cầu tiêu thụ tôm của một số quốc gia như Mỹ, Canada đã sụt giảm đáng kể, dẫn tới hàng tồn kho của các nước xuất khẩu tôm như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU cao. Trong khi các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philipines, Việt Nam… đang vào vụ thu hoạch dẫn tới giá tôm trên thị trường giảm.

Ngoài ra, tại một số nước EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, tôm xuất khẩu của Việt Nam đang phải đối mặt với các rào cản khắt khe hơn về chất lượng, buộc các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm phải có giải pháp nhanh chóng khắc phục nếu muốn tăng giá trị và sản lượng tôm xuất khẩu trong năm 2019.

Được biết, theo kế hoạch, năm 2019, mục tiêu mà ngành thủy sản đặt ra là tốc độ tăng giá trị sản xuất tăng 4,25% so với năm 2018, tổng sản lượng thủy sản 7,9 triệu tấn ( khai thác 3,6 triệu tấn, nuôi trồng 4,3 triệu tấn). Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2019 phấn đấu đạt 10 tỷ USD.

Thùy Liên

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thuy-san-dat-muc-tieu-xuat-khau-10-ty-usd-nam-2019-d93084.html