Thủy sản có đạt mục tiêu xuất khẩu 9 tỷ USD năm 2018?

Kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2018 tiếp tục tăng trưởng mạnh với mức tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2017. Đây là một tin vui đối với ngành thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 9 tỷ USD năm 2018, 6 tháng cuối năm, ngành thủy sản sẽ còn phải đối mặt với không ít thách thức.

Cá tra vượt rào cản, tăng trưởng mạnh

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, 6 tháng đầu năm 2018, tổng sản lượng thủy sản của cả nước đạt khoảng 3,561 triệu tấn; trong đó, sản lượng khai thác 1,767 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng 1,793 triệu tấn (tôm sú 106.000 tấn, tôm thẻ chân trắng 152.000 tấn; sản lượng cá tra 643.000 tấn). Như vậy, so với cùng kỳ năm 2017, tổng sản lượng thủy sản tăng 5,7%. Đáng chú ý là kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 4,026 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2017.

Người dân thu hoạch cá tra ở An Giang.

Thời gian qua, cá tra mặc dù liên tiếp bị rào cản thương mại lẫn các rào cản kỹ thuật từ thị trường Mỹ, EU song vẫn phát triển một cách rất ấn tượng nhờ các thị trường khác. Trong đó, thị trường Trung Quốc nổi lên thành một thị trường quan trọng của cá tra nói riêng và thủy sản Việt Nam nói chung (sản lượng xuất khẩu cá tra vào thị trường Trung Quốc đạt 643,5.000 tấn, tăng 9,9%). Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,009 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2017.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT): Xuất khẩu thủy sản thời gian tới sẽ khả quan, đặc biệt tại thị trường Trung Quốc. Nhu cầu sử dụng sản phẩm thủy sản của Trung Quốc ngày một cao, nhất là mặt hàng cá tra, cá ngừ, tôm đông lạnh, dầu cá, mặt hàng cá khô, cá đóng hộp tẩm gia vị... Từ ngày 1-7, Trung Quốc chính thức giảm thuế nhập khẩu từ 2 đến 10% cho 221 sản phẩm thủy sản từ các quốc gia thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đặc biệt, thuế nhập khẩu phi lê cá tra đông lạnh sẽ giảm từ 10% xuống còn 7%; thuế suất cá tra tươi hoặc ướp lạnh sẽ giảm từ 12% xuống 7%, tạo thêm cơ hội để sản phẩm cá tra của Việt Nam vào thị trường này.

Để hoàn thành mục tiêu năm 2018, 6 tháng cuối năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản phải đạt được con số hơn 5,9 tỷ USD. Ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), cho biết: Điểm quan trọng là 6 tháng đầu năm, người dân và doanh nghiệp đầu tư rất lớn vào hệ thống nuôi trồng nên việc nâng cao sản lượng không khó. Tuy nhiên, việc phát triển thị trường rất quan trọng nhằm tránh mất cân bằng giữa cung và cầu.

Nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm

Phát biểu tại hội nghị sơ kết ngành thủy sản 6 tháng đầu năm 2018, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành thủy sản trong 6 tháng qua; đồng thời cho rằng, mục tiêu xuất khẩu thủy sản 9 tỷ USD trong năm 2018 hoàn toàn có thể thực hiện.

Để hoàn thành mục tiêu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Tổng cục Thủy sản cần tập trung rà soát lại các thiết chế hạ tầng, quy hoạch, kế hoạch và đưa ra những kiến nghị nhằm mục tiêu phát triển nghề cá bền vững. Đánh giá tổng thể năng lực cụ thể của tàu thuyền đánh bắt theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, rà soát lại kết quả điều tra nguồn lợi thủy sản, về ngư trường, về luồng cá di cư. Rà soát đánh giá năng lực chế biến, công nghệ chế biến, nhằm mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm thủy sản. Nghiên cứu, phát triển thị trường xuất khẩu bên cạnh tập trung đẩy mạnh thị trường nội địa.

Về nuôi trồng thủy sản, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần tập trung tổng kết các mô hình nuôi công nghệ cao, chủ động về vấn đề con giống, ổn định vùng nuôi. Đối với sản xuất cá tra, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Trung Quốc là thị trường tiêu thụ cá tra quan trọng nhưng hiện chủ yếu vẫn xuất khẩu tiểu ngạch, vì vậy, cần nghiên cứu để đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sản phẩm cá tra vào thị trường này để bảo đảm tính bền vững.

Về việc tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, đây cũng là cơ hội để Việt Nam xây dựng khung pháp lý chặt chẽ quản lý, khai thác thủy sản. Do đó, cần lắp đặt trang thiết bị tàu cá theo quy định của Luật Thủy sản, coi đây là trách nhiệm phát triển nghề cá bền vững, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong quá trình thực hiện. Theo đó, các cơ quan chức năng cần yêu cầu rà soát lại toàn bộ 9 khuyến nghị của EC, cùng với kết quả kiểm tra của đoàn công tác EC thời gian qua, kết hợp với các nội dung cần triển khai, tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện trong thời gian tới.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, thời gian tới, ngành thủy sản cần tập trung nâng cao năng suất, giảm giá thành, bảo đảm không sử dụng hóa chất, kháng sinh để sản phẩm tôm, cá tra có thể vượt qua rào cản kỹ thuật của các thị trường xuất khẩu.

Bài và ảnh: NGUYỂN KIỂM

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/thuy-san-co-dat-muc-tieu-xuat-khau-9-ty-usd-nam-2018-543781