Thủy phi cơ lớn nhất thế giới

Thủy phi cơ AG600 của Trung Quốc đã được thử nghiệm thành công trên biển. Không chỉ trở thành phương tiện vận chuyển hành khách và hàng hóa, AG600 còn hỗ trợ phòng cháy chữa cháy và cứu hộ hàng hải.

AG600 hiện có hai nguyên mẫu.

AG600 hiện có hai nguyên mẫu.

Bước tiến lớn

Mới đây, thủy phi cơ lớn nhất thế giới do Trung Quốc sản xuất đã thực hiện thành công chuyến bay thử đầu tiên trên biển. Đây được coi là một bước tiến lớn trong khâu sản xuất cuối cùng. Côn Long - nguyên mẫu của thủy phi cơ AG600, cất cánh từ sân bay San Tự Hà, thuộc thị trấn Nhật Chiếu, tỉnh Sơn Đông (phía Đông Trung Quốc) vào cuối tháng 7 vừa qua.

Chiếc thủy phi cơ hạ cánh ngoài khơi thành phố Thanh Đảo, sau 46 phút bay. 4 phút sau, AG600 cất cánh một lần nữa để quay trở lại sân bay San Tự Hà.

Lần thử nghiệm này được tuyên bố thành công và trở thành một cột mốc quan trọng, kể từ khi thủy phi cơ hoàn tất cất và hạ cánh trên một mặt hồ ở tỉnh Hồ Bắc hai năm trước.

“Thành công trong thử nghiệm trên biển này đã đánh dấu một bước quan trọng khác trong quá trình phát triển dự án”, ông Luo Ronghuai - Tổng Giám đốc của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc cho biết.

Phát biểu với truyền thông, cơ trưởng Zhao Sheng - người thực hiện chuyến bay này, nhận định, thử nghiệm mới là điều vô cùng cần thiết, nhằm phục vụ cho việc cải thiện thủy phi cơ trong quá trình sản xuất.

“Thủy phi cơ cần kinh nghiệm trong việc xử lý cất và hạ cánh trên biển, do môi trường biển hoàn toàn khác so với hồ. Những yếu tố khác biệt bao gồm gió, dòng chảy, sóng, nhiệt độ và sự ăn mòn trong môi trường”, ông Zhao lý giải.

Sau khi hoàn tất sản xuất, AG600 sẽ tham gia vào các hoạt động chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn hàng hải và cứu trợ thiên tai của Trung Quốc. Côn Long có kích thước tương tự một chiếc máy bay Boeing 737, với chiều dài 37 mét và sải cánh 38,8 mét. AG600 có tầm bay lên tới 4.500km cùng tốc độ hành trình khoảng 500 km/giờ. Máy bay được trang bị 4 động cơ tua bin cánh quạt, có thể bay suốt 12 giờ.

Nếu tham gia vào nhiệm vụ chữa cháy, thủy phi cơ AG600 có thể chứa tới 12 tấn nước. Nước có thể được hút nước trực tiếp hoặc đổ đầy từ sân bay.

Chiếc thủy phi cơ này có khả năng phun nước trong phạm vi hơn 4.000 m2. Theo Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc, trong trường hợp cần thiết, AG600 có thể được trang bị thêm các thiết bị bổ sung để thực hiện một số nhiệm vụ đặc biệt khác.

Trước đó, chuyên gia quân sự Trung Quốc - ông Yin Zhuo từng phát biểu với Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc rằng, AG600 phù hợp trong các hoạt động quân sự, như nhiệm vụ tuần tra và chống tàu ngầm.

Đưa vào hoạt động năm 2022

AG600 có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau.

AG600 có kích cỡ cũng như trọng lượng cất cánh lớn hơn thủy phi cơ tiên tiến nhất thế giới - chiếc US-2 của Nhật Bản. AG600 là thủy phi cơ đa nhiệm được thiết kế với tốc độ cao (tối đa 560 km/giờ), kèm khả năng dễ tiếp cận và thao tác trong các nhiệm vụ như chữa cháy rừng và cứu hộ hàng hải.

Hiện, có hai nguyên mẫu AG600, bao gồm một chiếc để bay thử nghiệm và chiếc còn lại để thử nghiệm trên mặt đất. Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc dự định chế tạo thêm 4 nguyên mẫu để thử nghiệm.

Hãng tin Tân Hoa Xã cho biết, nếu các cuộc thử nghiệm diễn ra tốt đẹp, chiếc thủy phi cơ do Trung Quốc sản xuất này dự kiến được hoàn thiện và đi vào hoạt động trong năm 2022.

Thủy phi cơ này cất cánh lần đầu tiên vào tháng 12/2017 và hoàn tất chuyến cất và hạ cánh trên mặt hồ vào tháng 10/2018. Sau đó, AG600 tiếp tục có nhiều chuyến bay thử nghiệm nhằm chuẩn bị cho lần cất cánh trên mặt biển đầu tiên trong năm nay.

AG600 là chiếc thủy phi cơ thứ 2 của Trung Quốc sau chiếc SG-5 được phát triển vào thập niên 1970 cho mục đích quân sự và đã ngừng sử dụng từ lâu. AG600 có khả năng thực hiện các hoạt động cứu hộ trên biển trong điều kiện khí tượng phức tạp và có thể cất - hạ cánh trong điều kiện sóng cao đến 2 mét. Ngoài ra, chiếc thủy phi cơ này có thể vận chuyển 50 người trong mỗi nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/thuy-phi-co-lon-nhat-the-gioi-9UEVgBvMR.html