Thủy phi cơ đắt nhất thế giới ShinMaywa US-2 Nhật Bản

Thủy phi cơ này được lắp các động cơ mạnh Rolls-Royce AE2100J có thể đạt công suất 4.600 mã lực mỗi động cơ.

Trong Tuyên bố chung nhân chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch Nước Trần Đại Quang, hai bên đã nhất trí :“…tăng cường hợp tác thực chất về an ninh quốc phòng, triển khai Tuyên bố tầm nhìn chung hợp tác quốc phòng hai nước…..nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển và chia sẻ kinh nghiệm về chính sách biển…”

Nhân sự kiện này, xin giới thiệu với bạn đọc thêm một số thông tin về một trong những phương tiện thực thi pháp luật trên biển của Nhật Bản- thủy phi cơ đa năng ShinMaywa US-2 qua bài viết của Ban biên tập tờ “Bình luận quân sự”(Nga) đăng trên báo này ngày 2/2/2018.

Các ảnh trong bài là của “Bình luận quân sự”. Chúng tôi có lược một số chi tiết và cách dùng từ quá sâu về kỹ thuật.

“Trong giai đoạn hiện tại chỉ có một số nước trên thế giới có đủ khả năng thiết kế và chế tạo thủy phi cơ và Nhật Bản là một trong số đó. Vào thời điểm hiện tại, Hải quân Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đang sử dụng thủy phi cơ đa năng ShinMaywa US-2.

Trong trang bị của Không quân hải quân Nhật có 5 chiếc thủy phi cơ kiểu này. Trong năm 2013, Chính phủ Nhật đã cấp khoản tài chính để mua chiếc ShinMaywa US-2 thứ sáu trị giá 12 tỷ yên (gần 156 triệu đô la) và với cái giá như vậy, có thể xếp US-2 vào loại thủy phi cơ đắt nhất thế giới.

Hiện nay, US-2 đang được giới thiệu để xuất khẩu và đã được một số nước quan tâm. Cụ thể là Ấn Độ, Indonexia và Thái Lan. Nước có nhiều khả năng sẽ sớm mua thủy phi cơ này là Ấn Độ vì trong năm 2014 chiếc thủy phi cơ Nhật này đã thắng trong cuộc đấu thầu mua thủy phi cơ tìm kiếm- cứu nạn của Ấn Độ và theo thỏa thuận sơ bộ thì Ấn Độ sẽ mua từ 6 đến 15 chiếc ShinMaywa US-2, tuy nhiên, cho đến thời điểm này (tháng 2/2018) hai bên vẫn chưa ký kết hợp đồng cụ thể.

Tháng 2/2017, có thông tin cho rằng lý do chậm kỳ hợp đồng là do Delhy choáng trước giá của chiếc thủy phi cơ được đánh giá (và rất có cơ sở) là tốt nhất thế giới này.

Về chất lượng cơ động trên biển thì hiện nay không có bất kỳ một chiếc thủy phi cơ hiện đại được sản xuất hàng loạt nào trên thế giới có thể cạnh tranh được với ShinMaywa US-2 của người Nhật.

Một nước khác là Thái Lan vào tháng 6/2016 chính thức lên tiếng về ý định muốn mua thủy phi cơ ShinMaywa US-2 phiên bản cứu hộ. Cũng trong năm đó (2016), nhưng vào tháng 8, các đại diện Bộ Quốc phòng Indonxia cũng đã có các cuộc tiếp xúc với các đồng nghiệp Nhật Bản để thảo luận vấn đề mua các sản phẩm quân sự Nhật Bản, trong đó có thủy phi cơ US-2.

Quân đội Indonexia rất quan tâm đến thủy phi cơ phiên bản tìm kiếm- cứu hộ trên biển. Hiện danh sách khách hàng tiềm năng của ShinMaywa US-2 mới chỉ có vậy.

Công ty (tập đoàn) ShinMaywa Industries (chế tạo ShinMaywa US-2) có một truyền thống lâu đời và rất nhiều kinh nghiệm chế tạo các kiểu thủy phi cơ chức năng và kích thước khác nhau.

Hãng này được thành lập từ năm 1949 và là chủ thể thừa kế của một công ty chế tạo máy bay rất có uy tín khác của Nhật Bản– đó là công ty Kawanishi Aircraft Company vốn rất nổi tiếng trong lĩnh vực chế tạo các thuyền bay cỡ lớn và là một tập đoàn đa ngành khổng lồ hàng đầu của nền công nghiệp Nhật Bản.

Trong những năm Chiến tranh thế giới thứ hai, chính Kawanishi Aircraft Company là nhà sản xuất thuyền bay chủ yếu cho Quân đội Nhật Bản,- các kỹ sư của công ty này đã thiết kế chiếc thủy phi cơ khổng lồ Н8К “Emily” được đánh giá là thủy phi cơ hiện đại nhất thời kỳ đó.

Từ đó đến nay, công ty ShinMaywa vẫn tiếp tục nghiên cứu- thiết kế- chế tạo thủy phi cơ. Như đã biết- chế tạo thủy phi cơ là một lĩnh vực công nghiệp và công nghệ chuyên sâu trên thế giới.

Năm 1962, công ty này bắt đầu thử nghiệm thuyền bay bốn động cơ tuabin cánh quạt UF-XS (SS1) với nhiều tính năng kỹ- chiến thuật vượt trội và các kỹ sư công ty đã ứng dụng nhiều giải pháp kỹ thuật sáng tạo.

Người đứng đầu dự án chế tạo UF-XS chính là Sijyo Kukihara- vị kỹ sư đã từng thiết kế các thủy phi cơ cỡ lớn trước đó của công ty Kawanishi.

Tiếp theo đó, theo đơn đặt hàng của Hải quân Nhật Bản, theo mẫu F-XS nói trên, công ty đã thiết kế và sản xuất hàng loạt thuyền bay bốn động cơ turbin cánh quạt chống ngầm PS-1 (mã số của hãng là SS2). Từ năm 1967 đến năm 1978, Công ty đã xuất xưởng 23 chiếc thủy phi cơ kiểu này.

Từ mẫu thủy phi cơ PS-1, công ty ShinMaywa Industries phát triển thành phiên bản tìm kiếm- cứu nạn US-1/US-1A (mã số của công ty - SS2A) và phiên bản US-1/US-1A được sản xuất hàng loạt từ năm 1975 đến năm 2004 với tổng số 20 chiếc- chiếc thủy phi cơ US-1/US-1A cuối cùng mới được đưa ra khỏi trang bị cuối năm 2017.

Thủy phi cơ mới ShinMaywa US-2 là biến thể hiện đại hóa mới nhất của các thủy phi cơ dòng US-1A.

Những nghiên cứu tiếp tục phát triển thủy phi cơ US-1A được khởi động tại Nhật Bản vào năm 1996. Trong quá trình nghiên cứu- thử nghiệm, các công trình sư Nhật đã cho ra đời thủy phi cơ ShinMaywa US-2 (thời kỳ đầu nó có tên là US-1A Kai; mã số của hãng là SS3).

Kiểu thủy phi cơ dành riêng cho Hải quân Nhật Bản này được sản xuất từng chiếc một. Từ năm 2004 đến năm 2017, Không quân hải quân Nhật nhận 2 chiếc US-2 thử nghiệm và 5 chiếc US-2 sản xuất hàng loạt. Khoản tài chính 156 triệu đô la cho chiếc thứ sáu được chính phủ Nhật thông qua năm 2013.

Trong số các US-2 được đưa vào trang bị, đã có một chiếc gặp nạn ngày 28/4/2015. Hiện nay, các US-2 của Hải quân Nhật được biên chế cho phi đội tìm kiếm- cứu nạn số 71 thuộc Không đoàn không quân hải quân số 31 đóng tại các căn cứ không quận Apugi và Ivakuni.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/thuy-phi-co-dat-nhat-the-gioi-shinmaywa-us-2-nhat-ban-3359282/