Thủy ngân phát tán ra môi trường gây ảnh hưởng nghiêm trọng thế nào?

Ô nhiễm thủy ngân có thể gây ra hậu quả nặng nề với môi trường; con người tiếp xúc với thủy ngân có thể bị ảnh hưởng đến não bộ.

Nguy cơ ô nhiễm thủy ngân

Liên quan đến khối lượng thủy ngân được xác định đã phát tán ra ngoài môi trường là khoảng từ 15,1 – 27,2 kg sau vụ cháy nhà kho của Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội), PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) khẳng định môi trường đã bị ô nhiễm thủy ngân. Nếu cứ duy trì lượng thủy ngân trong môi trường thì cư dân khu vực có nguy cơ sẽ bị nhiễm thủy ngân.

“Hóa chất bay theo bụi trong đám cháy, bản thân hóa chất sinh khí nếu nặng rơi xuống luôn. Tuy nhiên có khí bay xa tích tụ trong không khí khi gặp mưa mới theo nước mưa rơi xuống. Thủy ngân rất độc hại, trong nhà máy làm bóng đèn, phích nước thì thủy tinh cũng là loại đặc biệt chứ không phải thông thường, đuôi đèn làm bằng kim loạn, lõi phích bằng nhựa, đây là tổ hợp chất độc hại, đã độc hại thì cần phải tránh”, ông Thịnh cho hay.

 Cán bộ Viện Hóa học Môi trường Quân sự lấy mẫu vật tại hiện trường vụ cháy ở Công ty Rạng Đông. Ảnh: BQP

Cán bộ Viện Hóa học Môi trường Quân sự lấy mẫu vật tại hiện trường vụ cháy ở Công ty Rạng Đông. Ảnh: BQP

Đồng quan điểm, GS.TS Trần Tứ Hiếu - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường và Sức khỏe cộng đồng cho rằng, đèn huỳnh quang có chứa một lượng thủy ngân. Thủy ngân ở dạng bình thường đã độc, ở dạng bay hơi cực độc, có thể dẫn tới vô sinh, ung thư và nhiều bệnh tật khác.

Ông Hiếu cũng cho hay, ở Nhật Bản từng có vụ nhà máy hóa chất rò rỉ thủy ngân ra nguồn nước gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe kéo dài hàng chục năm sau. “Nhà máy chứa hóa chất độc hại lẽ ra cần phải được di dời khỏi trung tâm thành phố rất lâu rồi. Khi xảy ra sự cố, không chỉ hướng dẫn, doanh nghiệp và chính quyền địa phương cần phải công bố sự thật về mức độ ảnh hưởng, nguy hiểm của những loại hóa chất thất thoát ra môi trường, có nghiên cứu càng sớm càng tốt”, ông Hiếu nói.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), ngay sau khi xảy ra sự cố cháy nổ tại Công ty Rạng Đông, Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường khẩn trương phối hợp Sở TNMT, các cơ quan liên quan của TP Hà Nội để lấy mẫu, phân tích, đánh giá chất lượng môi trường không khí, nước, đất.

Ngày 3/9, Bộ đã có cuộc họp lần thứ 2 với các Bộ, ngành, UBND TP Hà Nội, Công ty Rạng Đông, các đơn vị, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực môi trường, hóa chất có liên quan để tham vấn, kiểm chứng các kết quả quan trắc, xác định các nguy cơ, rủi ro có thể xảy ra đối với môi trường và sức khỏe người dân.

Tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 4/9, Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân đã thông báo kết quả quan trắc cụ thể chất lượng môi trường và mức độ ảnh hưởng đến môi trường, trong đó cho biết đã có hơn 27kg thủy ngân phát tán ra môi trường sau vụ cháy tối 28/8.

Kết quả quan trắc môi trường cũng cho thấy, 1/12 mẫu nước mặt có giá trị thủy ngân vượt 1,3 lần theo Quy châủn Việt Nam. Điểm quan trắc này nằm trên sông Tô Lịch, cách cổng xả gom nước thải của công ty tại ngõ 320 Khương Đình 1,5km.

1/8 mẫu nước thải có giá trị vượt quy chuẩn Việt Nam 2,67 lần; 1/6 mẫu không khí vượt 1,02 lần mức độ cho phép.

Nồng độ thủy ngân trong môi trường đất tại các vị trí quan trắc đều không vượt quá ngưỡng có thể gây hại cho môi trường và sức khỏe của con người theo khuyến cáo của Canada, nhưng mẫu đất trong khuôn viên vườn hoa của công ty có hàm lượng thủy ngân cao hơn các vị trí khác.

"Chúng tôi đánh giá đây là sự cố mất an toàn về hóa chất, ảnh hưởng đến môi trường, gây ô nhiễm môi trường không khí, nước mặt và trầm tích. Các hóa chất gây ô nhiễm môi trường xung quanh chủ yếu là thủy ngân và một số kim loại nặng”, ông Nhân nói.

Thủy ngân độc hại mức nào đối với sức khỏe?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo thủy ngân là một nguyên tố rất độc hại cho sức khỏe con người, đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ đang mang thai, có thể gây ra di tật ở thai nhi.

Thủy ngân được WHO liệt vào danh sách 10 hóa chất độc hại đe dọa ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Độc tố này có thể tác động lên hệ thần kinh, hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch và nhiều cơ quan trong cơ thể như phổi, thận, da và mắt.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, khi xảy ra cháy các hợp chất thủy nhân hoặc kim loại thủy ngân khi sẽ bốc hơi và gây ra ô nhiễm bầu không khí quanh đó. Cho nên việc khuyến cáo người dân phòng độc là việc nên làm để đảm bảo cho sức khỏe.

"Nguy cơ cao nhiễm độc thủy ngân sau đám cháy là do hít phải bụi và khí của đám cháy. Các hạt bụi thủy ngân này có thể rơi xuống đất, vườn rau làm phơi nhiễm thủy ngân cho thực phẩm. Ngoài ra, các hạt bụi thủy ngân có thể bay vào trong nhà rơi vào nước, bàn ghế, bát, đĩa, quần áo…", PGS. Thịnh nói.

Người dân phường Hạ Đình khám sức khỏe sau vụ cháy ở Công ty Rạng Đông.

Dưới góc độ y tế, ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho hay, việc người dân sống xung quanh khu vực xảy ra đám cháy hoặc hít phải khí độc của đám cháy có bị ngộ độc thủy ngân hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là nồng độ thủy ngân bị nhiễm độc; thời gian tiếp xúc với khí độc; hay các yếu tố khác như người ở gần khu vực đám cháy nhưng thuận chiều gió hay xuôi chiều gió; độ tuổi của nạn nhân; hoạt động tiếp cận vụ cháy của nạn nhân…

“Vì thế chúng ta không thể khẳng định được tất cả những người sống trong khu vực xảy ra đám cháy đều nhiễm độc, nguy cơ cao hay thấp tùy thuộc vào nhiều yếu tố”, BS Nguyên nhấn mạnh.

Từ những phân tích trên, BS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, những người có nguy cơ cao như ở gần đám cháy, tiếp xúc ở đám cháy lâu, những người có biểu hiện bất thường như đau đầu, mệt mỏi, khó chịu, tức ngực, nôn mửa, choáng váng, tê chân tay... nên đến cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.

Các biểu hiện ngộ độc thủy ngân tức thời có triệu chứng như sốt, ớn lạnh, thở khó. Những triệu chứng khác gồm viêm miệng, lơ mơ, co giật, nôn ói và viêm ruột. Những triệu chứng này thường dịu đi trong vòng 1 tuần. Một số trường hợp, diễn tiến nặng hơn là phù phổi cấp, suy hô hấp và tử vong.

Hiện nay, ngộ độc thủy ngân không có cách thải độc tự nhiên hay thải độc tại nhà. Người dân cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác và điều trị thải độc kịp thời, tránh những biến chứng có thể xảy ra.

Chí Tâm

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/xa-hoi/suc-khoe/thuy-ngan-phat-tan-ra-moi-truong-gay-anh-huong-nghiem-trong-the-nao-312250.html