Thủy hải chiến Việt Nam (Kỳ 20)

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc Truyện lịch sử "Thủy hải chiến Việt Nam" của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh Niên, Hà Nội ấn hành năm 2016.

Kỳ 20

3.BỌN CƯỚP BIỂN

Khi đảo xanh khuất hẳn bóng thì thuyền của chúng tôi lại chơi vơi giữa đại dương. Cuộc hành trình của bác cháu tôi lại tiếp tục qua nhiều ngày nhiều đêm nữa.

Vào một buổi chiều, tôi bỗng thấy có một con thuyền xa xa, một lát sau thì hiện rõ một con thuyền lớn chạy bằng máy đang dốc hết sức lao lại phía thuyền chúng tôi. Khi còn cách thuyền chúng tôi vài chục mét, hàng loạt súng tiểu liên cực nhanh nổ chát chúa, đạn viu viu xé gió trên đầu chúng tôi. Bác tôi hét lên nằm xuống khoang thuyền tránh đạn. Chiếc thuyền lớn áp sát mạn thuyền chúng tôi và làm nó suýt lật úp. Sáu tên cướp biển nhảy ào ào xuống thuyền chúng tôi, tiểu liên lăm lăm trong tay. Chúng dùng súng uy hiếp chúng tôi, đoạn lục soát để tìm vàng bạc, đá quý. Không có vàng bạc, chúng lôi hết số thịt hộp, cá hộp, bánh bột nhúc của những người thổ dân tặng chúng tôi lên tàu của chúng. Có lẽ thấy chúng tôi không có vũ trang và hoàn toàn không có ý chống cự nên chúng không giết. Sau khi cướp nốt chiếc la bàn ở tay tôi, chúng nổ máy cho thuyền chạy thẳng.

Việc bị cướp hết lương thực, thực phẩm và chiếc la bàn sẽ gây khó khăn không thể tưởng tượng cho chúng tôi trong cuộc hành trình tiếp theo. Nhưng may mắn là dưới mũi súng của bọn hải tặc, chúng tôi vẫn còn sống, còn thuyền để tiếp tục chuyến đi. Ban ngày, chúng tôi nhìn mặt trời, còn ban đêm chúng tôi nhìn chòm sao Bắc Đẩu để định hướng thuyền đi.

Thiếu lương thực thực phẩm là hậu quả trầm trọng nhất. Đã hai ngày đêm rồi chúng tôi không có thức ăn, chỉ uống nước lã. Bác tôi xuống khoang lục vét, mong sao bọn cướp bỏ sót lại một thứ gì đó. Tôi hồi hộp chờ đợi. Bác tôi vừa chui lên đã mỉm cười. Trong tay ông là một thùng lương khô. Bác nói nó nằm khuất vào một góc thuyền, phủ lưới kín nên may mắn còn lại. Tôi mừng rỡ. Tuy nhiên bác tôi bảo rằng gặp đảo phải ghé vào bắt cua đá hoặc lấy hoa quả hoang thì sẽ có được thức ăn.

Thực là may mắn, ngày hôm sau, vào buổi trưa, thấy có hoang đảo chúng tôi ghé thuyền vào. Tôi không thể tưởng tượng được ở đảo lại nhiều chim đến vậy. Đó là loài chim biển, chúng đậu dày đặc ở các mỏm đá, bay từng đàn như đám mây.

Thấy người tới, chúng bay lên đậu đặc vào người vào thuyền. Bác tôi và tôi quơ tay bắt hàng chục con ném nhốt vào khoang thuyền để giết thịt ăn dần. Loài chim này không hề biết sợ hãi. Chúng không có khái niệm về con người, vừa là bạn, vừa là kẻ thù của chúng. Dù đồng loại bị bắt, chúng vẫn sà xuống đậu đầy thuyền.

Sau khi neo thuyền, bác cháu tôi lên đảo. Tôi ngạc nhiên thấy hình như đá vỡ tan thành nước dưới chân tôi. Nhìn xuống thì không thể tin vào mắt mình, đó là trứng chim chồng chất lên nhau như đá cuội tầng tầng lớp lớp. Tôi vội quay về thuyền lấy cái rổ tre, bác tôi nhặt từng trứng đầy rổ, còn tôi bê về thuyền. Gần hết buổi sáng hôm đó, chúng tôi khai thác “mỏ trứng”. Thuyền chúng tôi như là thuyền buôn trứng chim cho các “Hô-ten” sang trọng của các quốc gia Tây Thái Bình Dương.

Ngoài trứng chim, bác tôi có kinh nghiệm đi biển còn hướng dẫn tôi khai thác “mỏ” cua đá. Theo sự chỉ bảo của ông, tôi lật lên những đá mỏng, bé bằng nửa mặt bàn thì ôi cả một “bộ lạc” cua đá sống ở dưới đó. Dưới mỗi tảng đá chúng tôi bắt được một xô cua đầy, mới chỉ một góc hòn đảo mà chúng tôi đã có cơ man nào là thức ăn tươi. Ngày hôm sau nữa, chúng tôi còn ghé vào một hoang đảo toàn dưa hấu. Dưa chín, rụng xuống, lại mọc những cây dưa, ra quả, lại thối, lại mọc, cứ như vậy tầng tầng, lớp lớp, quả lan tràn khắp đảo. Chúng tôi ăn thử, thứ dưa đảo ngọt lịm như đường. Tôi khuân xuống thuyền hàng trăm quả để ăn dần.

Thực phẩm, hoa quả dồi dào, chúng tôi vẫn thèm cơm.

(Còn nữa)

VLC

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/thuy-hai-chien-viet-nam-ky-20-81250