Thủy hải chiến Việt Nam (Kỳ 16)

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc Truyện lịch sử 'Thủy hải chiến Việt Nam' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Thanh Niên, Hà Nội ấn hành năm 2016.

Kỳ 16.

X. ĐÁNH TÀU MỸ TRÊN BIỂN NHA TRANG

Vũ Trọng Nhượng sinh ra trong một gia đình nghèo ở nông thôn miền Bắc. Quê nghèo nhưng làng của anh đẹp như một bài thơ. Những mái nhà gianh màu xám ẩn dưới màu xanh của cây cối và đặc biệt là những rặng tre. Những bụi tre xanh um, từng cây tre xanh cao thấp khác nhau thân uốn dẻo dai, lá ru theo gió xào xạc, dũng cảm vươn lên trong bốn mùa mưa nắng. Một dòng sông xanh biếc như dải lụa uốn quanh làng. Những con thuyền đánh cá lững lờ xuôi ngược trên dòng sông, bóng soi lung linh đáy nước.

Tuổi ấu thơ của Vũ Trọng Nhượng trải qua bao kỷ niệm buồn vui, êm đềm và dữ dội, bao ước mơ cháy bỏng trong cảnh lao động nhọc nhằn giúp bố mẹ, trong cảnh vui cùng bạn bè khi cắp sách đến trường.

Cơm gạo rau cháo thôn quê đã nuôi Vũ Trọng Nhượng lớn lên thành một thanh niên cường tráng. Nhượng lớn lên trong thời buổi đất nước chiến tranh. Miền Bắc đang gồng mình chi viện sức người, sức của cho miền Nam chống Mỹ cứu nước. Những trái bom của máy bay Mỹ đã rơi xuống khắp miền Bắc. Khói lửa bom đạn chiến tranh lan tràn khắp nước. Những chàng thanh niên thôn quê đã gác bút nghiên theo tiếng gọi thiêng liêng của non sông lên đường nhập ngũ chống giặc. Vũ Trọng Nhượng cũng tạm biệt cha mẹ, anh em, tạm biệt làng quê thân yêu nhập ngũ vào chiến trường để thỏa chí làm trai thời khói lửa khi Tổ quốc cần. Do sức khỏe và nhanh nhẹn, anh được vào bộ đội hải quân và từ bộ đội hải quân anh được vào đặc công nước, trung đoàn 126, thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân.

Bộ đội đặc công nói chung và bộ đội đặc công nước nói riêng cũng được huấn luyện những kỹ chiến thuật như bộ binh. Nhưng do nhiệm vụ tác chiến đặc biệt nên bộ đội đặc công được huấn luyện những chiến kỹ thuật mà bộ binh không có. Người lính đặc công phải sử dụng được tất cả những phương tiện như xe cộ và vũ khí chiến tranh thô sơ đến hiện đại, sử dụng thành thạo điện đài, điện báo, lái được các loại xe cơ giới. Người lính đặc công được rèn luyện võ nghệ cá nhân ”cao cường”, có sức chịu đựng dẻo dai, được tôi luyện trong hoàn cảnh và môi trường khắc nghiệt, ngoài sức chịu đựng của người bình thường, đòi hỏi người lính đạt đến trình độ điêu luyện phi thường.

Khi được tuyển vào đội đặc công nước, Vũ Trọng Nhượng hỏi một sĩ quan hải quân, người trực tiếp đại diện cho trung đoàn 126 về tuyển chọn anh:

-Thưa thủ trưởng, vào làm lính của cụ Yết Kiêu có khó không?

Viên trung úy hải quân đáp:

-Đây là đơn vị đặc biệt tinh nhuệ nên không tuyển quân trực tiếp từ nông thôn mà các đồng chí thấy đấy, tuyển những chiến sĩ ưu tú nhất trong các đơn vị của Binh chủng hải quân. Tuyển chọn cực khó. Mai các đồng chí trải qua sẽ biết.

Hôm sau, đúng 7 giờ tại địa điểm thi vào ”lính của cụ Yết Kiêu” khoảng vài trăm thí sinh ngồi xếp hàng chờ đến lượt theo thứ tự. Người mang quân hàm trung úy hải quân phổ biến:

-Các đồng chí sẽ được ngồi trên chiếc ghế xoay chong chóng trong ba phút. Sau khi ghế dừng lại các đồng chí phải đi qua một lối đi đã kẻ vạch rộng 8cm, dài 2m. Khi đi không được dẫm lên vạch. Đến chiếc bảng ở cuối đường, các đồng chí phải viết đúng một chữ theo yêu cầu của Hội đồng giám khảo. Đây là phép thử xem thần kinh các đồng chí có vững như thép không. Ai qua được bài kiểm tra này sẽ trúng tuyển đặc công nước.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/thuy-hai-chien-viet-nam-ky-16-81138