Thủy điện xả lũ và nỗi ám ảnh của người dân hạ du

Trong đợt ảnh hưởng bão số 9, thủy điện Đăk Mi 4 đã xả tràn với lưu lượng lớn, đỉnh điểm lên đến 7.074m3/s, khiến nhiều nhà cửa người dân vùng hạ du, nhất là xã Cà Dy và thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang (Quảng Nam) bị sập, cuốn trôi, thiệt hại kinh tế nghiêm trọng, nhiều hộ dân rơi vào cảnh trắng tay…

Ám ảnh trận lũ lịch sử do thủy điện xả lũ

Trong cơn mưa nặng hạt do ảnh hưởng bão số 12, anh Alăng Dương (SN 1983), người dân Cơ tu ở thôn Bến Giằng, xã Cà Dy, vẫn cố nhặt nhạnh những tấm tôn và miếng ván gãy còn sót lại khi căn nhà của mình nằm bên bờ sông Thanh đã bị thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ cuốn trôi hoàn toàn. Anh Dương kể, vào ngày 28-10, gia đình anh được di dời đi sơ tán để tránh bão số 9.

Đến chiều cùng ngày, khi bão tan, cả nhà quay về thì lúc này nước lũ lên rất nhanh, ngập sâu vào nhà. Không kịp dọn dẹp đồ đạc, anh vội chạy thoát thân qua nhà hàng xóm cao ráo, còn vợ anh dẫn theo 2 đứa con nhỏ cuống cuồng chạy lên nhà người quen để tránh lũ. Nước lũ dâng quá nhanh nên gia đình anh không kịp dọn dẹp đồ đạc gì cả. Cả nhà chỉ biết bỏ chạy để đảm bảo an toàn tính mạng...

Việc thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ ngày 28-10 đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản cho người dân vùng hạ du.

Việc thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ ngày 28-10 đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản cho người dân vùng hạ du.

Đứng cạnh chồng, chị Alăng Thị Đước, vợ anh Dương, vẫn chưa hết bàng hoàng, tiếp lời chồng, đến khoảng 19h cùng ngày, khi nước lũ bắt đầu rút dần, ở bên nhà hàng xóm, chị nhìn về nhà mình nhưng không thấy gì cả vì trời tối đen như mực. Rồi chị nghe một tiếng “rầm” phát ra từ phía nhà mình và chị nghĩ căn nhà đã bị nước lũ cuốn trôi rồi.

“Nhà mình bên bờ sông Thanh, cách sông Đăk Mi gần 1 cây số. Khi thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ, nước từ sông Đăk Mi dâng cao, chảy ngược lên sông Thanh, rồi khi nước lũ rút đã tạo ra dòng xoáy nước cuốn trôi hết nhà cửa, công trình phụ, tài sản trong nhà. Bình thường mình có bán tiệm tạp hóa nữa. Trước bão số 9, mình có nhập hàng về. Nào ngờ lũ lên quá nhanh đã khiến nhà cửa, nhiều tài sản của gia đình đều bị cuốn trôi hết. Giờ nhà mình không còn gì nữa”, chị Đước rơm rớm nước mắt nói.

Cùng cảnh ngộ với gia đình anh Dương, chị Đước là gia đình anh Bling Phấn (SN 1990), ở tổ 1, thôn Pà Dấu 1, thị trấn Thạnh Mỹ). Trong cái chòi nhỏ dựng tạm để gia đình cư trú, che nắng, che mưa, anh Phấn tâm sự rằng cuối năm 2019, nhờ vay mượn người quen và vay ngân hàng 50 triệu đồng, vợ chồng anh đã dựng được một căn nhà gỗ. Tuy nhiên, chiều 28-10, khi đi sơ tán tránh bão số 9 về nhà, nước lũ lên quá nhanh, vợ chồng anh không kịp thu dọn đồ đạc đã vội dắt 2 người con lên nhà người thân tránh lũ.

Công an đưa người dân đi tránh lũ trong đêm.

Đến hơn 23h cùng ngày, nước lũ rút, vợ chồng anh cầm đèn pin trở về thì căn nhà cùng nhiều tài sản, vật dụng trong nhà đã bị lũ cuốn trôi hết. May nhờ trước nhà anh Phấn có rừng keo đã được chừng 3 năm tuổi nên khi căn nhà trôi ra rừng keo thì bị mắc lại, không bị cuốn trôi về sông Vu Gia. Chỉ cho chúng tôi thấy dây điện trên nóc nhà hàng xóm bám đầy rác, củi mục, chị Bnước Thị Tin (SN 1991, vợ anh Phấn) nói rằng mực nước lũ lên rất cao, cả xóm bị ngập tới tận nóc nhà. Do đó, thiệt hại tài sản của người dân là rất lớn.

“Riêng gia đình tôi, nhờ một trường học trên địa bàn huyện hỗ trợ vật liệu gồm gạch, xi măng, sắt,… cộng với tiền hỗ trợ của Nhà nước nên sắp tới đây vợ chồng tôi sẽ dựng lại căn nhà để sớm ổn định đời sống. Chúng tôi chỉ lo số tiền vay ngân hàng 50 triệu đồng để làm căn nhà khi trước không biết đến bao giờ mới trả được”, chị Tin bộc bạch.

Lực lượng Công an phối hợp cứu người thoát lũ trong đêm

Trao đổi với chúng tôi, ông Kaphu Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Cà Dy, huyện Nam Giang, cho biết, trên địa bàn xã Cà Dy có 164 hộ bị thiệt hại do thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ, trong đó có 49 hộ bị ngập nặng, 5 nhà bị trôi hoàn toàn. Khi nước lũ dâng cao, xã Cà Dy đã huy động lực lượng xung kích gồm lãnh đạo xã, Công an, Quân sự,… với hơn 60 người tỏa đi các địa bàn thôn để hỗ trợ, di dời người dân trong đêm đến nơi an toàn.

Đưa người dân vùng lũ đến nơi an toàn.

Đại úy Trần Ngọc Vũ, Phó Trưởng Công an xã Cà Dy, kể rằng, tổ công tác của anh và ông Kaphu Kiên đã qua cầu Sông Thanh để tổ chức di dời hơn 90 hộ dân tại thôn Bến Giằng về trụ sở xã và một số điểm cao ráo, an toàn. Khi tổ chức di dời người dân xong, tổ công tác của anh đã bị mắc kẹt lại tại thôn Bến Giằng vì cầu Sông Thanh bị ngập sâu, không thể đi lại được nữa. Mọi người phải chờ đến hơn 23h cùng ngày, khi nước lũ rút mới có thể trở về lại trụ sở.

Thiếu tá Ploong Lý, Trưởng Công an thị trấn Thạnh Mỹ, cũng cho hay, khi thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ, nước lũ dâng rất nhanh, Công an thị trấn đã huy động tối đa cán bộ, chiến sĩ của đơn vị trực tiếp tham gia cùng các tổ công tác của thị trấn và lực lượng CSGT, Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH Công an huyện Nam Giang đã tổ chức ứng cứu người dân bị cô lập tại thôn Pà Dấu, Hà Ra, Thạnh Mỹ 2. Phát huy phương châm “4 tại chỗ”, cán bộ, chiến sĩ Công an thị trấn Thạnh Mỹ đã huy động ghe thuyền của người dân để kịp thời phục vụ công tác ứng cứu người dân.

CSGT ngâm mình trong nước để hướng dẫn giao thông.

Có nơi, do nhà người dân đã ngập gần tới nóc nên tổ công tác buộc phải tháo dỡ mái tôn mới có thể đưa người dân sơ tán đến nơi an toàn. Do trong đêm tối, nước lũ lại lên rất nhanh cộng với trời có mưa nên công tác sơ tán người dân gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của lực lượng Công an cùng các lực lượng khác đã đảm bảo tuyệt đối an toàn về tính mạng cho người dân trong trận lũ dữ lần này.

Đề nghị thủy điện Đăk Mi 4 đền bù thiệt hại

Ông Lê Văn Hường, Bí thư Huyện ủy Nam Giang, cho biết sau khi xảy ra trận lũ vào chiều và đêm 28-10, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền huyện đã trực tiếp xuống hiện trường để chỉ đạo công tác di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn. Và, ngay trong sáng hôm sau, Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Giang đã đi kiểm tra thiệt hại của người dân; đồng thời chia làm nhiều tổ công tác xuống thăm hỏi, tặng quà động viên người dân. Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Giang đã chỉ đạo UBND huyện khẩn trương thống kê thiệt hại của người dân do thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ; tổ chức làm việc với thủy điện để thẩm định lại thiệt hại, báo cáo Huyện ủy và UBND tỉnh Quảng Nam tìm phương án hỗ trợ cho người dân.

Công an thị trấn Thạch Mỹ thăm hỏi, tặng quà động viên người dân vùng lũ.

Ông A Vô Tô Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, cho biết thêm đã chỉ đạo UBND xã Cà Dy và thị trấn Thạnh Mỹ gấp rút hoàn thành báo cáo thiệt hại của người dân do việc thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ. Bên cạnh đó, UBND huyện Nam Giang cũng đã thành lập tổ rà soát, thẩm định thiệt hại có sự tham gia của đại diện thủy điện Đăk Mi 4 để sớm có giải pháp hỗ trợ cho người dân.

UBND huyện Nam Giang đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam sớm làm việc với phía thủy điện Đăk Mi 4 để thống nhất cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người dân. Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Đăk Mi, cho biết đang chờ huyện Nam Giang thống kê, lập danh sách cụ thể thiệt hại để sau đó có hướng hỗ trợ cho người dân theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam.

Ngọc Thi

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/xa-hoi/nguoi-dan-ha-du-bi-thiet-hai-do-thuy-dien-xa-lu-619285/