Thụy Điển trữ khẩu trang, 'quay đầu' trong dịch Covid-19

Nhiều hiệu thuốc Thụy Điển cho biết nhu cầu mua khẩu trang tại nước này đang tăng vọt trước khả năng thay đổi chính sách của chính phủ.

Không giống như hầu hết các nước châu Âu khác, Thụy Điển vẫn cho phép nhiều doanh nghiệp, nhà hàng và trường học mở cửa và không khuyến khích sử dụng khẩu trang, một điều trái ngược với các nước láng giềng như Đan Mạch, Na Uy hay Phần Lan.

Tuy nhiên, 2 tuần sau khi Cơ quan Y tế Cộng đồng (FHM) nói họ có thể công bố những khuyến nghị mới, người dân Thụy Điển dường như đang bắt đầu tích trữ khẩu trang. Doanh số bán khẩu trang tại nhà thuốc trực tuyến Apotea đã tăng lên khoảng 400.000 chiếc/tuần trong 2, 3 tuần qua. Trước đó, doanh số chỉ khoảng 150.000 chiếc/tuần.

Một phát ngôn viên của hiệu thuốc Apoteket tiết lộ doanh số bán khẩu trang của họ cũng tăng lên 30% trong cùng thời gian trên, đến mức doanh số hàng tuần tương đương với doanh số cả năm.

Đến nay, Thụy Điển vẫn bác bỏ việc khuyến nghị hay bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Nhà virus học hàng đầu Thụy Điển Anders Tegnell nói khẩu trang không nhiều hiệu quả được chứng minh và có thể dẫn đến cảm giác an toàn sai lầm với người đeo.

Tuy nhiên, trong cuộc họp báo ngày 18-8, tổng giám đốc FHM Johan Carlson nói có thể có những trường hợp cần khuyến khích đeo khẩu trang, ví dụ như khi đi bệnh viện hay sử dụng các phương tiện công cộng.

Doanh số bán khẩu trang tại Thụy Điển đang tăng vọt. Ảnh: Reuters

Doanh số bán khẩu trang tại Thụy Điển đang tăng vọt. Ảnh: Reuters

Kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ở châu Âu, Thụy Điển đã thu hút sự chú ý của thế giới nhờ cách chống dịch trái ngược hoàn toàn. Đất nước này đã giúp cộng đồng quốc tế xác định được điều gì sẽ xảy ra khi chính phủ cho phép cuộc sống tiếp diễn một cách bình thường khi có đại dịch. Không chỉ có số ca tử vong cao hơn hàng ngàn ca so với những nước láng giềng có lệnh phong tỏa mà kinh tế Thụy Điển cũng hầu như không có tiến triển.

Tỉ lệ tử vong của Thụy Điển cao hơn rất nhiều so với các nước láng giềng. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn so với các nước châu Âu có lệnh phong tỏa nghiêm ngặt như Anh và Tây Ban Nha. Tính đến sáng 1-9 (giờ Việt Nam), Thụy Điển có 84.379 ca nhiễm Covid-19 và 5.808 người tử vong.

Trong cuộc họp báo ngày 31-8, FHM cho biết chương trình vắc-xin Covid-19 của Thụy Điển có thể được triển khai vào đầu năm 2021 nhưng các biện pháp phòng ngừa vẫn sẽ được áp dụng trong tương lai gần.

Ông Carlson cho biết những người từ 70 tuổi trở lên, những người có bệnh nền và các nhân viên chăm sóc y tế sẽ được ưu tiên trong chương trình. Trong khi đó, trẻ em dưới 18 tuổi sẽ không cần tiêm vắc-xin.

Cũng tại cuộc họp báo, ông Richard Bergstrom, điều phối viên vắc-xin của Thụy Điển, cho biết chương trình vắc-xin có thể bắt đầu trong quý I/2021 nhưng "với số lượng hạn chế". Ông cảnh báo vẫn còn những yếu tố chưa rõ ràng, ví dụ như hiệu quả của vắc-xin đối với những nhóm bệnh nhân khác nhau sẽ như thế nào.

"Chúng tôi phải lưu ý rằng lô vắc-xin đầu tiên của Thụy Điển được sản xuất bằng những công nghệ mới chưa được thử nghiệm. Hiện vắc-xin đang được thử nghiệm lâm sàng với sự tham gia của khoảng 10.000–30.0000 bệnh nhân" - hãng tin Tân Hoa Xã dẫn lời ông Bergstrom.

Hồi đầu tháng 8, Thụy Điển thông báo họ có thể cung cấp vắc-xin cho khoảng 3-6 triệu công dân nước này sau khi Liên minh châu Âu (EU) và hãng dược phẩm liên doanh Anh - Thụy Điển AstraZeneca đạt được thỏa thuận mua bán vắc-xin tiềm năng của hãng.

Bảo Hạnh (Theo Reuters, Tân Hoa Xã)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/thuy-dien-tru-khau-trang-quay-dau-trong-dich-covid-19-20200901111108639.htm