Thụy Điển trong tôi

Năm tháng có thể làm thay đổi nhiều thứ song tôi tin chắc rằng không thể làm thay đổi tình cảm của người Việt Nam đối với những sự giúp đỡ vô giá, chân thành và hiệu quả của Chính phủ, Nhân dân Thụy Điển.

Cuộc sống, công việc tạo cho tôi nhiều cơ hội đến rất các nước khác nhau trên thế giới trong đó có Thụy Điển nơi tôi mơ ước đặt chân đến khi là học sinh phổ thông năm cuối. Ở những năm đó, tôi biết đến Thụy Điển qua hình ảnh của Thủ tướng Olof Palme đi trong các cuộc tuần hành của nhân dân Thụy Điển phản đối chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam trên những trang báo Nhân dân. Lúc đó tôi ao ước rằng được đến đất nước Thụy Điển, quốc gia đầu tiên trong phe tư bản thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Hiếu kỳ nên mơ ước hão huyền vậy thôi chứ làm sao mà dám nghĩ điều đó trở thành sự thực, nhất là trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt.

Tôi đến Liên Xô sau khi tốt nghiệp phổ thông và được gửi đến học tại trường Đại học Quan hệ quốc tế Moskva. Tại đây, với điều kiện báo chí quốc tế đầy đủ, tôi vẫn thường tìm đọc về đất nước Thụy Điển, vẫn mơ có ngày đến được đất nước này vì sự hiếu kỳ. Một quốc gia tư bản, một quốc gia quân chủ lập hiến, nơi chủ nghĩa tư bản bóc lột và đang giãy chết (như tôi được dạy lúc đó) lại ủng hộ Việt Nam nhiệt thành như vậy trên các diễn đàn quốc tế. Thụy Điển là nơi tổ chức tòa án quốc tế Nurenberg xét xử tội ác của Mỹ ở Việt Nam.

 Trao đổi kiến thức pháp luật giữa các giảng viên luật của Việt Nam và Thụy Điển

Trao đổi kiến thức pháp luật giữa các giảng viên luật của Việt Nam và Thụy Điển

Trở về Việt Nam sau khi tốt nghiệp đại học, tôi lại được chứng kiến và nghe về nhiều sự giúp đỡ của Thụy Điển đối với Việt Nam. Không kể Liên Xô và các nước XHCN thì Thụy Điển là quốc gia châu Âu đầu tiên giúp đỡ Việt Nam. Nhà máy giấy Bãi Bằng, Bệnh viện nhi Việt Nam - Thụy Điển, Bệnh viện nhi Uông bí và rất nhiều những công trình, dự án khác. Bệnh viện nhi Thụy Điển là thiên đường của bệnh nhi lúc đó và cả bây giờ. Những ai trải qua gian khó tột cùng của đất nước trong thập kỷ sau chiến tranh và bị sự cấm vận của phương Tây mới thấu hiểu được giá trị của những sự giúp đỡ từ phía Chính phủ và Nhân dân Thụy Điển.

Ở thời điểm này, chúng ta có thể thấy những sự giúp đỡ của Thụy Điển không lớn như các nguồn vốn đầu tư, vốn ODA từ các quốc gia khác. Thụy Điển cũng không thuộc các quốc gia hàng đầu đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, những giá trị mà Thụy Điển mang lại cho Việt Nam ở buổi ban đầu đó không thể lượng hóa bằng triệu đô là hay tỷ đô la. Giá trị mà Nhân dân Thụy Điển mang lại cho Việt Nam là sự cảm thông sâu sắc, là tình cảm hữu nghị đặc biệt và sự giúp đỡ hướng tới tương lai.

Cha ông ta thường nói: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Ngạn ngữ này là kết tinh truyền thống của người Việt luôn luôn biết tri ân những người đã giúp đỡ mình, nhất là trong khó khăn và hoạn nạn. Với Thụy Điển, người dân Việt Nam luôn trân trọng sự giúp đỡ vô tư đó. Song ấn tượng nhất là cách Thụy Điển giúp Việt Nam hướng tới tương lai, không áp đặt, không kể công. Giúp Việt Nam xây dựng nhà máy Bãi Bằng, Thụy Điển hỗ trợ Việt Nam trồng rừng ngay khi nhà máy mới bắt đầu khởi công. Đào tạo cán bộ cho Việt Nam để tiếp nhận công nghệ mới, phía Thụy Điển chọn tiếng Anh. Các bạn Thụy Điển nhấn mạnh rằng cán bộ, chuyên gia Việt Nam biết tiếng Thụy Điển thì công việc hiện tại tốt hơn, còn nếu đào tạo bằng tiếng Anh thì đó là cho tương lai. Thụy Điển giúp Việt Nam những công trình, dự án đượm chất nhân văn, hướng tới cộng đồng: y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục.

Riêng tôi, niềm mơ ước đến đất nước Thụy Điển rồi cũng đến vào năm 1989 khi tôi được cử tham gia tập huấn về giải quyết tranh chấp dành cho các chuyên gia đến từ các nước đang phát triển. Những ấn tượng đầu tiên, sâu sắc đối với tôi khi ở Thụy Điển là sự nhân hậu, chu đáo của những người tôi được gặp ở trong Viện Nghiên cứu hòa bình cũng như ngoài xã hội, là cuộc sống yên bình và nhân văn ở nơi đây. Hai tháng ở Upsala đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm khó quên về đất nước, con người Thụy Điển, về giáo sư viện trưởng Peter Wallensteen và các cộng sự của ông.

Từ những năm cuối của thập kỷ 80 nhiều hoạt động hợp tác tư pháp và pháp luật được thực hiện với sự hỗ trợcủa chính phủ Thụy Điển. Tôi được tham gia hầu hết các hoạt động đó. Rồi như là duyên tiền định, mùa xuân năm 1991, Trường đại học Luật Hà Nội được Sida hỗ trợ tổ chức hội thảo quốc tế đầu tiên ngay tại trường và tôi được giao nhiệm vụ chuẩn bị và điều hành hội thảo. Được gặp những chuyên gia kinh tế, pháp luật đến từ Thụy Điển, Singapore, Nhật Bản mang lại nhiều điều mới mẻ. Hội thảo này gần như là sự khởi đầu cho mối quan hệ hợp tác đào tạo luật giữa Việt Nam và Thụy Điển.Năm 1992, được TS Nguyễn Ngọc Hiến, hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội lúc đó ủng hộ, tôi viết đề xuất Dự án xin tài trợ của tổ chức Sida Thụy Điển để thúc đẩy năng lực đào tạo luật ở Việt Nam, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, năm 1993, tôi sang Mỹ học dưới sự tài trợ của chương trình Fullbright. Cũng không rõ lý do gì dự án này không được tiếp tục đề xuất với Bộ Tư pháp và các cơ quan chức năng để chuyển cho Sida. Năm 1996, một vài tháng sau khi trở về từ Mỹ, tôi lại tiếp tục đề xuất với Trường Đại học Luật và Bộ Tư pháp đề nghị Thụy Điển hỗ trợ tăng cường năng lực đào tạo của Đại học Luật Hà Nội.

Lớp giảng viên đầu tiên khóa đào tạo tiếng Anh của Dự án

Được sự ủng hộ của Lãnh đạo trường Đại học Luật Hà Nội và Bộ Tư pháp và của Chính phủ, dự án “Tăng cường đào tạo luật ở Việt Nam” do Sida tài trợ đã được hai Chính phủ ký kết. Giai đoạn I (1998-2001) của Dự án được triển khai. Trong giai đoạn II và giai đoạn III của Dự án, rất nhiều hoạt động liên kết đào tạo, trao đổi học giả, phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế được triển khai liên tục. Đối tác phối hợp thực hiện Dự án hợp tác đào tạo này là Khoa Luật, Đại học Lund cùng với những cơ sở đào tạo luật ở châu Âu, ở Bắc Mỹ mà Đại học Lund có quan hệ hợp tác toàn diện. Thế là một nền tảng hợp tác đào tạo luật qui mô đã hình thành, mở đường cho sự đi lên của đào tạo luật ở Việt Nam. Khó có thể kể hết, đong đo đếm hết những giá trị mà Dự án “Tăng cường đào tạo luật ở Việt Nam”đã tạo ra song tôi khẳng định chắc chắn rằng một thế hệ rất đông các thầy cô giáo của các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam đã trưởng thành, hiểu biết tốt hơn rất nhiều về pháp luật trong nền kinh tế thị trường, có phương pháp giảng dạy hiện đại, tiếng Anh thành thạo. Họ đã được thừa hưởng từ các chương trình liên kết đào tạo.

Thật xúc động trước những sự quan tâm của cố Giáo sư Traskman, GS Malmberg, GS Hathen, GS Lundell, GS Christina Moel cùng đội ngũ giảng viên, cán bộ của Khoa đối với những cán bộ, giảng viên đến từ Việt Nam để tham dự các chương trình đào tạo, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn.

Tôi không thể nào quên hình ảnh GS Malmberg cùng ThS Lê Văn Hợp, trưởng phòng hợp tác quốc tế lúc đó và TS. Dương Thị Hiền, thư ký Dự án đi tìm các cơ sở sản xuất nội thất học đường của Việt Nam để đóng giá sách trang bị cho thư viện của Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh. Sau nhiều lần rong ruổi, cuối cùng ông cũng chọn được cơ sở tin cậy để đóng những giá sách hiện đại có khả năng chống ẩm bằng ánh sáng theo mẫu mà ông mang từ Thụy Điển. Một lượng sách lớn, thiết bị công nghệ, các dữ liệu pháp luật quốc tế được Dự án trang bị cho hai cơ sở đào tạo luật chủ yếu của đất nước. Điều này giúp các thầy cô giáo của các cơ sở đào tạo, sinh viên của chương trình liên kết dễ dàng và miễn phí tiếp cận các công trình nghiên cứu quốc tế về luật học.

Dự án hiện nay đã chấm dứt hoạt động. Tuy nhiên, những thành quả của nó, sự giúp đỡ của nhân dân Thụy Điển, nhất các thầy cô giáo của khoa Luật Đại học Lund đối với đào tạo luật ở Việt Nam mãi mãi vẫn còn.

Tôi viết những dòng tâm sự này nhân 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thụy Điển. Năm tháng có thể làm thay đổi nhiều thứ song tôi tin chắc rằng không thể làm thay đổi tình cảm của người Việt Nam đối với những sự giúp đỡ vô giá, chân thành và hiệu quả của Chính phủ, Nhân dân Thụy Điển.

Đại sứ Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam chụp ảnh với các sản phẩm của chương trình đào tạo liên kết quốc tế và cựu cán bộ Dự án

Với các bạn đồng nghiệp của tôi trong lĩnh vực luật học, những người đã thừa hưởng những tri thức, những tình cảm từ các thầy cô giáo, từ nhân dân Thụy Điển hãy tìm mọi cách trao lại, cho đi những gì mà mình đã nhận được từ Dự án “Tăng cường đào tạo luật ở Việt Nam”. Hãy làm cho những thành quả của Dự án bền vững cùng năm tháng, góp phần giữ ngọn đuốc hữu nghị Việt Nam Thụy Điển cháy mãi qua nhiều thế hệ.

GS.TS Lê Hồng Hạnh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/thuy-dien-trong-toi-481469.html