Thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ lớn nhất trong 7 năm qua

Nhiều thủy điện trên sông Ba đồng loạt tăng lưu lượng xả lũ, trong đó thủy điện Sông Ba Hạ đã tăng lên mức xả cao nhất trong bảy năm gần đây.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết lúc 14 giờ ngày 3-11, Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ (thuộc địa phận huyện Sơn Hòa, Phú Yên) đã tăng lưu lượng xả lũ lên 10.400 m3/giây.

Đây là lưu lượng xả lũ lớn nhất của nhà máy thủy điện này, tính từ năm 2009 - là năm Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ với lưu lượng trên 14.000 m3/giây, gây ngập nặng toàn tỉnh Phú Yên.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên kiểm tra Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ ngày 3-11. Ảnh: TẤN LỘC

Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên kiểm tra Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ ngày 3-11. Ảnh: TẤN LỘC

Trong khi đó, từ đầu giờ chiều 3-11, Nhà máy thủy điện Krông Năng (giáp ranh giữa Phú Yên và Đắk Lắk) đã tăng lưu lượng xả lũ về hạ lưu Phú Yên lên 1.800 m3/giây.

“Thông tin từ các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk cho biết sáng 3-11 những tỉnh này có mưa rất to, dự báo đến cuối chiều nay lưu lượng nước đổ xuống hạ lưu sông Ba sẽ tăng lên trên 12.000 m3/giây.

Đến 19 giờ 30 đêm nay, triều cường sẽ đạt đỉnh; dự báo tỉnh Phú Yên có nguy cơ ngập sâu. Do đó, chúng tôi yêu cầu thủy điện Sông Ba Hạ tăng lưu lượng xả lũ, sau đó hạ xuống để chủ động đón nước từ Tây Nguyên đổ xuống. Nếu không vùng hạ lưu, nhất là TP Tuy Hòa sẽ không thể nào chịu nổi với một lưu lượng lớn nước cùng lúc đổ dồn xuống như vậy” - ông Thế nói.

Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ với lưu lượng lớn nhất bảy năm gần đây. Ảnh: TẤN LỘC

Trực tiếp kiểm tra việc xả lũ tại Nhà máy thủy điện Sông Ba, ông Thế tỏ ra rất bức xúc trước việc Nhà máy thủy điện An Khê - Ka Nak ở thượng nguồn sông Ba (thuộc địa phận tỉnh Gia Lai) xả lũ xuống hạ lưu nhưng không hề thông báo với chính quyền địa phương.

“Nhà máy thủy điện An Khê - Ka Na bắt đầu xả lũ từ ngày 1-11 và liên tục tăng lưu lượng nhưng không hề thông báo với chính quyền tỉnh Phú Yên là nơi phải đón chịu lượng nước đổ xuống.

Tình trạng này khiến tỉnh Phú Yên rất bị động trong phòng, chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại. Từ lâu nhà máy thủy điện này đã rất bất chấp. Mùa khô thì họ sử dụng nước của sông Ba rồi đổ ra sông Kôn của tỉnh Bình Định khiến vùng hạ lưu Phú Yên khô hạn, thiếu nước. Mùa mưa, họ không những không góp phần cắt lũ mà còn ồ ạt xả lũ xuống hạ lưu sông Ba, bất chấp dân cư có chịu nổi hay không" - ông Thế nói.

Một số vùng ngoại ô TP Tuy Hòa bắt đầu bị ngập do thủy điện xả lũ. Ảnh: TẤN LỘC

Đến chiều 3-11, lũ trên sông Ba tiếp tục lên nhanh, dâng cao, gây ngập hàng loạt khu dân cư gần sông. UBND tỉnh Phú Yên đã yêu cầu chính quyền các huyện Phú Hòa, Đông Hòa, Tây Hòa sơ tán khẩn cấp hàng trăm gia đình có nhà bị ngập.

Nhiều vùng dân cư ở huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên bị ngập sâu trong nước. Ảnh: MHN

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai tỉnh Phú Yên, mưa lũ đã làm ngập hàng ngàn ngôi nhà tại các huyện, thị xã phía bắc của tỉnh.

Trong khi người dân chưa kịp ứng phó với lũ từ thượng nguồn đổ xuống thì hồ chứa nước Phú Xuân xả lũ càng gây ngập lụt nặng.

Đến nay, hàng chục xã, thị trấn thuộc các huyện Đồng Xuân, Tuy An, thị xã Sông Cầu đã bị cô lập hoàn toàn. Tỉnh lộ 641 từ huyện Tuy An đi huyện Đồng Xuân ngập sâu trong nước, không thể đi lại, gây chia cắt giữa hai huyện.

Lực lượng cứu hộ đang giúp hàng trăm gia đình đi sơ tán tránh lũ. Nhiều gia đình không kịp di dời tài sản. Một người dân ở huyện Tuy An đã mất tích trong lúc di chuyển bò ra khỏi vùng lũ.

Các huyện phía bắc tỉnh Phú Yên bị ngập nặng. Ảnh: MHN

Ông Đặng Ngọc Anh, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, cho biết sáng 3-11, các lực lượng cứu hộ đã tìm thấy ông Nguyễn Thanh Tân, chủ một doanh nghiệp ở địa phương này, đang đu trên cây tre. Ông Tân trước đó bị mất tích khi đang tham gia đi cứu hộ.

Trước đó, lúc 1 giờ cùng ngày, một chiếc canô chở ông Nguyễn Hữu Từ, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, cùng trưởng phòng NN&PTNT, hai chiến sĩ bộ đội trên sông Cái đi cứu hộ một xe khách bị kẹt lũ.

Lúc đó, ông Tân đi nhờ canô để sang bên kia sông tìm cách cứu xe múc của doanh nghiệp bị ngập. Khi vừa khởi hành, chiếc canô va vào thành cầu và bị lật. Bốn người trên canô bơi vào bờ thoát nạn, còn ông Tân bị lũ cuốn mất.

TẤN LỘC

Nguồn PLO: http://plo.vn/thoi-su/thuy-dien-song-ba-ha-xa-lu-lon-nhat-trong-7-nam-qua-662965.html