Thụy Điển lại điều tra ông chủ WikiLeaks về tội hiếp dâm

Các công tố viên Thụy Điển cho biết ngày 13/5 rằng họ đang mở lại cuộc điều tra năm 2010 về cáo buộc xâm hại tình dục với ông chủ WikiLeaks Julian Assange.

Julian Assange bị cảnh sát Anh bắt tại London ngày 11/4

Julian Assange bị cảnh sát Anh bắt tại London ngày 11/4

Công tố Thụy Điển cho biết sẽ hoàn tất cuộc điều tra sơ bộ, vốn bị ngưng vào năm 2017 do không tiếp cận được nghi phạm. Khi đó Assange đang xin tị nạn tại Đại sứ quán Ecuador ở London. Nhưng tháng trước, ông đã bị Anh tuyên phạt 50 tuần tù giam do vi phạm các điều khoản bảo lãnh. Vì vậy, cuộc điều tra đã được mở lại theo yêu cầu của công tố viên Thụy Điển.

Theo công tố viên, vẫn có chứng cứ cho thấy ông Assange đã xâm hại tình dục và cần tiến hành một cuộc thẩm vấn mới đối với ông Asange.

Trong khi đó, Tổng biên tập WikiLeaks, bà Kristinn Hrafnsson cho rằng, việc Thụy Điển mở lại cuộc điều tra đối với nhà sáng lập Assange sẽ giúp ông này có cơ hội chứng minh mình vô tội.

Ngày 1/5 vừa qua, ông Assange đã bị tuyên phạt 50 tuần tù giam do vi phạm các điều khoản bảo lãnh của một tòa án Anh hồi năm 2012, khi ông tị nạn tại Đại sứ quán Ecuador ở Anh. Cảnh sát Anh trước đó thông báo ngoài việc vi phạm các điều kiện bảo lãnh ở Anh, Assange còn bị bắt theo yêu cầu dẫn độ của Mỹ. Trong lệnh bắt giữ, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Assange âm mưu với Chelsea Manning, cựu nhà phân tích tình báo của quân đội Mỹ, để bẻ khóa mật khẩu được lưu trữ trên máy tính của Bộ Quốc phòng, dẫn đến "một trong những vụ rò rỉ thông tin mật lớn nhất trong lịch sử Mỹ" hồi năm 2010. Assange phải đối mặt với án tù lên tới 5 năm nếu bị kết tội.

Ông Assange luôn phủ nhận mọi cáo buộc trên và gọi đó là âm mưu chính trị, liên quan tới vụ rò rỉ thông tin mật của quân đội Mỹ và nhiều tài liệu ngoại giao của quốc gia này. Ông này cũng luôn khẳng định việc bị dẫn độ về Thụy Điển sẽ mở đường cho quá trình dẫn độ ông về Mỹ.

Về cuộc điều tra cáo buộc cưỡng hiếp, Thụy Điển có thể thẩm vấn Assange tại Anh hoặc yêu cầu dẫn độ. Khi đó, Anh sẽ phải lựa chọn ưu tiên vụ kiện Assange ở Thụy Điển hay Mỹ.

Các chuyên gia dẫn độ cho biết quyết định của Anh có lẽ sẽ dựa trên các yếu tố như mức độ nghiêm trọng của các cáo buộc, thời gian của các sự kiện và yêu cầu nào được đưa ra trước.

Rebecca Niblock, một luật sư dẫn độ của công ty Kingsley Napley có trụ sở tại London, đã dự đoán rằng vụ kiện ở Thụy Điển sẽ được ưu tiên so với vụ kiện ở Mỹ. Về mặt chính trị, sẽ rất khó để nói rằng một hành vi phạm tội xâm nhập máy tính nghiêm trọng hơn một cáo buộc hãm hiếp, cô nói.

Các công tố viên Thụy Điển cho rằng cuộc điều tra của họ rất khẩn cấp, bởi thời hạn cho vụ kiện là tháng 8/2020.

Nếu Assange bị dẫn độ về Thụy Điển, Mỹ vẫn có thể tiếp tục yêu cầu dẫn độ với chính phủ Thụy Điển.

Washington Post

An Nhi

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/thuy-dien-lai-dieu-tra-ong-chu-wikileaks-ve-toi-hiep-dam-77224.html