Thủy điện Hòa Bình và Thủy điện Sơn La an toàn đến mức độ nào?

Theo các chuyên gia, nhà máy Thủy điện Hòa Bình được Liên Xô thiết kế, xây dựng với hệ số an toàn rất cao và hệ số dự phòng rất lớn, khả năng chống lũ tới 60.000 m3/giây, tức con lũ không bao giờ có bởi trong 120 năm quan trắc, chỉ ghi nhận một con lũ kỷ lục là 22.600 m3/giây.

Thủy điện Hòa Bình

Hệ số dự phòng của thủy điện Hòa Bình còn rất lớn

Trong những ngày qua, mưa lũ lớn, bất thường trên diện rộng thuộc các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, và phía thượng nguồn đã làm lưu lượng nước đến các hồ Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình tăng nhanh. Trước nhiều ý kiến nghi ngại về sự an toàn của các đập thủy điện này, từ góc độ của một chuyên gia về an toàn hồ đập, ông Đồng Văn Tự, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết: Thủy điện Hòa Bình đã gần 40 năm khai thác, công trình này trong thiết kế và thi công nhận được sự hỗ trợ rất lớn của Liên Xô (trước đây) và được thiết kế theo tiêu chuẩn rất an toàn, tương đương với chất lượng của các nước tiên tiến.

Về thủy điện Sơn La, ông Tự cho biết, công trình này mới làm những năm gần đây và là đập bê tông có sự đầu tư rất lớn của các đơn vị ngành điện, được thiết kế và thi công đảm bảo an toàn.

“Hàng năm, Chính phủ giao cho Bộ KH&CN làm Chủ tịch Hội đồng đánh giá an toàn thủy điện trên các đập trên sông Đà gồm thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu để quyết định các giải pháp sửa chữa, khắc phục hoặc tính nước để đảm bảo an toàn. Trong Hội đồng này có sự tham gia của Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng, các đồng chí Thứ trưởng là Phó Chủ tịch Hội đồng này. Các đơn vị quản lý của các thủy điện này là các đơn vị có năng lực tương đối tốt.” – ông Tự nói.

Về lo ngại cho sự an toàn ở vùng hạ du, ông Tự cho biết, các hồ trên bậc thang thủy điện Hòa Bình vận hành theo quy trình liên hồ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên lưu vực sống Hồng. Các quy trình này trong tình huống có thiên tai thì có sự tập trung chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai và giúp việc cho Ban Chỉ đạo có khoảng 7 đơn vị tư vấn giúp tính toán để hỗ trợ cho công tác vận hành này.

“Trong thời gian qua, chúng ta đã vận hành rất tốt. Đối với các hồ chứa này, chúng ta có thể yên tâm dung tích phòng lũ ở trên các bậc thang thủy điện sông Đà là 7 tỷ mét khối, hồ Thác Bà khoảng 450 triệu, hồ Tuyên Quang 1 tỷ. Trước lũ thì chúng ta phải đưa mực nước về đón lũ, chúng ta có dung tích phòng lũ rất lớn để chủ động vận hành, đảm bảo an toàn hạ du. Thực tế trong những năm qua, chúng ta đã cắt lũ trên lưu vực sông Hồng rất tốt.” - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi khẳng định.

Nói về mối quan ngại sau sự cố vỡ đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy ở Lào, ông Phạm Trọng Thực, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: “Chúng ta lo thì lo, nhưng lo thái quá thì không nên”. Thường thì các đập của nhà máy thủy điện được thiết kế và xây dựng với hệ số an toàn cao và có hệ số dự phòng lớn.”

“Nhà máy Thủy điện Hòa Bình được Liên Xô (trước đây) thiết kế, xây dựng với hệ số an toàn rất cao và hệ số dự phòng rất lớn, tôi lấy ví dụ một thông số về khả năng chống lũ lớn, tới 60.000 m3/giây, tức con lũ không bao giờ có. Trong 120 năm quan trắc chúng ta chỉ ghi nhận một con lũ kỷ lục là 22.600 m3/giây. Thủy điện Hòa Bình có 18 cửa xả, bao gồm 6 cửa xả mặt và 12 cửa xả đáy. Năm 1996 xảy ra lũ lớn trên sông Đà thì Thủy điện Hòa Bình chỉ mở có 7 cửa thôi. Còn lũ tháng 10 năm ngoái rất đột ngột thì thủy điện này cũng chỉ mở 8 cửa và chỉ mở trong 1 ngày đêm rồi lại đóng lại ngay để trữ nước phục vụ cho tưới tiêu mà không có trục trặc gì. Điều này có nghĩa hệ số dự phòng còn rất lớn.” – ông Thực dẫn chứng.

Hầu hết hồ trong ngưỡng an toàn

Theo thống kê, hiện nay cả nước có 6.648 hồ chứa nước, trong đó có 702 hồ chứa lớn, trên 5.000 hồ chứa vừa và nhỏ, có những hồ chứa đã khai thác sử dụng 40-50 năm, có những hồ chứa mới xây dựng gần đây.

Trong 702 hồ chứa lớn, hiện đã sửa được trên 600, đảm bảo yêu cầu an toàn theo thiết kế hiện hành, có những hồ chứa đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Đồng Văn Tự, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, (Bộ NN&PTNT) cho biết, số lượng hồ chứa lớn chưa được sửa chữa đảm bảo tiêu chuẩn còn lại không nhiều, khoảng hơn 30 hồ, và lượng nước chỉ khoảng 3 triệu đến 5 triệu khối nước, hầu hết trong ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, ở nhóm các hồ đập nhỏ, do xây dựng đã lâu, trước đây khi xây dựng do tình hình kinh tế, quá trình thiết kế, thi công cũng như quản lý khai thác rất thiếu nguồn kinh phí nên xuống cấp rất nghiêm trọng.

“Chúng tôi tổng hợp ở nhóm này còn khoảng 1.200 các hồ chứa chưa được sửa chữa, nâng cấp an toàn, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay. Đối với các hồ đập này, Chính phủ đã quan tâm, hỗ trợ cho các địa phương sửa chữa. Bên cạnh đó, dự án của World Bank đã đưa vào 450 hồ đập cần sửa chữa, nâng cấp, quá trình sửa chữa kéo dài đến năm 2022 nên nhóm hồ chứa này cần được quan tâm để bảo đảm an toàn. Với các hồ chứa còn lại, Chính phủ yêu cầu các địa phương chủ động bố trí kinh phí ngoài hỗ trợ của Chính phủ” - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi nói.

Ông Tự cũng cho biết, vừa qua, Thủ tướng đã quyết định hỗ trợ cho các địa phương sửa chữa 84 hồ chứa hư hỏng nặng, gặp sự cố năm 2017, có nguy cơ xảy ra sự cố cao. Các hồ chứa còn lại tiếp tục được rà soát để đảm bảo an toàn cho mùa mưa lũ năm nay. Đối với các hồ chứa này phải hạn chế tích nước, và có các phương án phòng tránh đảm bảo an toàn hạ du.

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201809/thuy-dien-hoa-binh-va-thuy-dien-son-la-an-toan-den-muc-do-nao-613969/